(Tổ Quốc) - Singapore mới cập nhật tăng trưởng GDP quý 1/2022 là 3,7%, con số này được điều chỉnh cao hơn 3,4% được công bố vào tháng 4. Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) của Thái Lan thì cho biết nền kinh tế nước này đã tăng 2,2% trong quý đầu tiên.
Theo công bố của ngân hàng trung ương Malaysia, tổng sản phẩm quốc nội của Malaysia đã tăng 5% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này vượt qua ước tính trung bình 4% của 18 nhà kinh tế được Reuters thăm dò trước.
Trước đó, theo thăm dò riêng của Reuters, các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng Malaysia cho năm 2022 trung bình là 6,1% và 5,0% cho năm 2023. Năm ngoái, nền kinh tế Malaysia tăng 3,1%.
Ngân hàng trung ương nước này đang đặt mục tiêu tăng trưởng từ 5,3% đến 6,3% trong năm nay với hy vọng nhu cầu toàn cầu tiếp tục tăng và chi tiêu của khu vực tư nhân cao hơn. Chính phủ Malaysia dự báo tăng trưởng ở mức 5,5% đến 6,5%.
Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) của Thái Lan cho biết nền kinh tế nước này đã tăng 2,2% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và việc nới lỏng các hạn chế COVID đã giúp thúc đẩy hoạt động kinh doanh và phục hồi ngành du lịch.
Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng 1,8% trong quý 4. Mặc dù vậy, NESDC vẫn cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế xuống còn 2,5% đến 3,5%. Trước đó, NESDC đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 3,5% - 4,5% trong tháng 2/2022.
Cơ quan thống kê của Indonesia trước đó công bố, tăng trưởng kinh tế của nước này được duy trì ổn định trong quý đầu tiên của năm 2022. Tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á tăng 5,01% trong quý 1 so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăg ngang bằng với quý 4 năm 2021.
Ngân hàng Indonesia dự báo tăng trưởng trong năm 2022 của nước này vào khoảng 4,5% đến 5,3%. Ông Josua Pardede, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng cho vay tư nhân Bank Permata, cho biết tốc độ tăng trưởng của Indonesia có thể sẽ duy trì ổn định ở mức khoảng 5% trong thời gian còn lại của năm 2022 khi hoạt động kinh tế phục hồi, lạm phát và xuất khẩu bù đắp lẫn nhau.
Thông báo của Cơ quan Thống kê Philippines, kinh tế nước này đã tăng trưởng 8,3% trong quý đầu tiên của năm 2022 so với một năm trước đó, do các hạn chế về đại dịch được nới lỏng đã giúp tiêu dùng tăng trưởng trở lại.
Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 7% năm 2022 lên 9% và từ 6% - 7% vào năm 2023 và 2024.
Nhà thống kê quốc gia, Dennis Mapa cho biết tăng trưởng quý đầu tiên của Philippines là nhờ ngành sản xuất, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, vận chuyển và lưu kho. Tiêu dùng hộ gia đình đã tăng 10,1% và chi tiêu chính phủ tăng 3,6%.
Tổng cục Thống kê cho biết nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 5,03% trong quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 đã chậm lại so với mức 5,22% được ghi nhận trong ba tháng trước đó.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1/2022 ước tính đạt 88,58 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của đất nước, chiếm 25,2 tỷ USD các lô hàng. Các doanh nghiệp toàn cầu vẫn đang có xu hướng chuyển cơ sở sản xuất sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Doanh số bán lẻ của Việt Nam, bao gồm cả doanh thu dịch vụ, tăng 4,4% trong ba tháng đầu năm 2022 so với cùng thời điểm năm 2021. Quyết định mở cửa cho khách du lịch nước ngoài của Chính phủ Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã chứng kiến một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, tại Việt Nam, tiến trình phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. IMF dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.
Singapore mới cập nhật mức tăng trưởng GDP quý 1/2022 là 3,7%, con số này được điều chỉnh cao hơn 3,4% được công bố vào tháng 4.
Thư ký thường trực của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ông Gabriel Lim dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể sẽ đạt từ 3% đến 4%.