(Tổ Quốc) -Triển lãm "Khúc vọng xưa" của họa sỹ Nguyễn Đình Huống diễn các ngày từ 1- 5/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã khép lại với nhiều cảm xúc những người yêu hội họa. Tại đây, 60 tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của họa sỹ Nguyễn Đình Huống đã được giới thiệu đến công chúng.
Những tác phẩm tại Triển lãm đã đạt nhiều giải thưởng và công chúng mến mộ như Công nhân xây dựng (1972), Cổng làng xưa (1981), Thiên Đô (2009)…. "Khúc vọng xưa" cũng là triển lãm cá nhân thứ 3 của họa sỹ Nguyễn Đình Huống sau các triển lãm "Hương quê" (2022), "Về nguồn" (2009).
Họa sỹ Nguyễn Đình Huống, tức Lâm Thanh, sinh năm 1935 tại Thái Bình, thi đậu Trường Quốc gia Mỹ nghệ, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ngày nay. Năm 1954 việc học tập chuyên nghiệp bị gián đoạn, Nguyễn Đình Huống trở thành công nhân của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I. Ban ngày tăng gia sản xuất, nhưng buổi tối Nguyễn Đình Huống vẫn tiếp tục theo học các lớp mỹ thuật quần chúng tại Nhà văn hóa Hàng Buồn (Hà Nội). Dù là lớp quần chúng, nhưng các giảng viên lại là những họa sỹ có tên tuổi như Giáo sư – Họa sỹ Nguyễn Văn Bình, Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng, họa sỹ Nguyễn Quang Phòng, họa sỹ Phạm Viết Song… Đây cũng là khởi đầu cho phong trào "Mỹ thuật quần chúng Thủ đô" phát triển rực rỡ vào thập niên 1960-1970 với những tên tuổi như Nguyễn Đình Huống, Cơ Chu Pin, Nguyễn Chính, Trần Thị Quỳnh Như…
Trong không khí hăng say xây dựng XHCN trong suốt thập niên 1960-1970, các tác phẩm của Nguyễn Đình Huống trong giai đoạn này cũng có nội dung hiện thực XHCN với phong cách nghệ thuật độc đáo. Bức tranh "Phút lắng đọng" (1969) mô tả công việc nghiên cứu thuốc tại Phòng Nghiên cứu tổng hợp của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I, nơi Nguyễn Đình Huống làm việc đã được các chuyên gia từ nước bạn Thụy Điển vô cùng yêu thích. Thành tựu lớn đầu tiên chính là bức sơn dầu "Công nhân xây dựng" đã giành được giải I Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1973. Tác phẩm này cũng được Chủ tịch TP Hà Nội, bác sỹ Trần Duy Hưng, mua và dùng để làm quà tặng đoàn đại biểu Ba Lan. Năm 1976, bức tranh "Mừng đất nước thống nhất" của Nguyễn Đình Huống đã được Bảo tàng Phương Đông, Dresden (CHDC Đức cũ) mua cho bộ sưu tập.
Thập niên 1980, họa sỹ Nguyễn Đình Huống trở về với thể loại tranh phong cảnh làng quê, thiên nhiên, vẽ bằng bột màu, vốn là niềm đam mê từ thuở thiếu thời với đỉnh cao là hai tác phẩm "Cổng làng xưa" (1981) và "Chân đập Thủy điện Hòa Bình" (1984) được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua cho bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại. "Cổng làng xưa" cũng được xem như tác phẩm tiêu biểu nhất cho tài năng và triết lý nghệ thuật mà Nguyễn Đình Huống đã theo đuổi. Cố họa sỹ Nguyễn Quang Phòng, người thầy trực tiếp của Nguyễn Đình Huống thập niên 1960 đã nhận xét: Lâm Thanh – Nguyễn Đình Huống có biệt tài nắm bắt thiên nhiên qua ngọn bút tài hoa để thả ngay những sắc màu còn tươi rói tràn xuống mặt giấy, vải.
Năm 2009, Nguyễn Đình Huống dù đã ở tuổi 74, nhưng vẫn quyết định thực hiện bức sơn dầu khổ lớn 2x3.2m mang tên "Thiên đô", miêu tả cuộc dời đô trên thuyền rồng từ Hoa Lư ra Thăng Long của vua Lý Công Uẩn nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tác phẩm sau đó đã nhận được giải A của Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật và được các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước dành sự chú ý đặc biệt.
Triển lãm đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng người yêu hội họa
Trong suốt cuộc đời sáng tác của mình, họa sỹ Nguyễn Đình Huống ước tính đã thực hiện trên 2.000 tác phẩm, 500 tác phẩm công bố rộng rãi để công chúng thưởng lãm, số còn lại dành tặng cho người thân, bạn bè trong và ngoài nước. Triển lãm "Khúc vọng xưa" được họa sỹ Nguyễn Đình Huống gửi gắm như cuộc gặp gỡ thú vị, nhiều cảm xúc với đồng nghiệp, khán giả và những người yêu hội họa.