(Tổ Quốc) - Điều gì sẽ xảy ra nếu mang một bộ sưu tập áo dài dát vàng đặt trong không gian kiến trúc làng biển thượng lưu? Câu trả lời chỉ có thể là “sự hoàn mỹ” đến kỳ lạ.
“Cú shock ngọt ngào” của thời trang Việt
“Tối 08/9 tại New York, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam đã có màn chào sân ấn tượng trong đêm khai mạc Tuần lễ thời trang New York Couture Fashion Week” với BST Sen Vàng.
Những dòng tin này với bất cứ tín đồ thời trang thế giới nào là một “cú shock ngọt ngào”, bởi lẽ xưa nay, sàn diễn haute couture vốn vẫn là thánh địa được mặc định cho những tên tuổi vô cùng quen thuộc trong làng thời trang quốc tế như Chanel, Christian Dior, Givenchy, Atelier Gustavolins, Jean Paul Gaultier... Thậm chí khách mời của haute couture cũng phải là những Elie Saab, Giorgio Armani, Valentino, Alexandre Vauthier, hay Iris Van Herpen chứ không phải là những cái tên vô danh đến từ một thế giới xa lạ nào khác.
Vậy mà Sen Vàng của Đỗ Trịnh Hoài Nam đã khiến sàn catwalk của New York ngỡ ngàng trước sự sang trọng, đài các toát lên từ chính những gì truyền thống nhất.
Không phải lông Lema, chỉ thêu Lesage hay bất cứ chất liệu ngoại lai nào khác mà là lụa truyền thống Hà Đông, lụa đũi Nam Cao - Thái Bình, lụa Bảo Lộc - Lâm Đồng đã tỏa sáng trên sàn catwalk danh giá bậc nhất thế giới. Kỹ thuật thêu tay Thường Tín vốn vô cùng bình dị mà lại tạo nên vẻ đẹp cao sang, thuần khiết. Và đỉnh cao xa xỉ nhất của Sen Vàng chính là kỹ thuật dát vàng Kiêu Kỵ mà cho đến nay vẫn chưa ngành công nghiệp nào thay thế được, với 40 công đoạn lớn nhỏ khi tạo tác từ nguyên liệu vàng thật 9999.
Hoa sen biểu trưng cho sự thanh khiết, kiêu sa. Những họa tiết dân tộc của rối nước kể câu chuyện của văn hóa Việt. Không có điều gì vượt ra khỏi truyền thống Việt trên những trang phục được lấy ý tưởng từ những bộ áo dài cưới hỏi của các nàng tiểu thư khuê các thời phong kiến. Nhưng nét kiêu sa, sự sang trọng và đẳng cấp lại được thoát thai từ chính những chất liệu, những kỹ thuật và cả nguồn cảm hứng rất đỗi Việt Nam ấy. Áo dài Việt đã chinh phục thế giới thời trang xa xỉ, theo một cách vô cùng giản dị mà cao sang như thế.
Sàn catwalk không mang hình chữ T
Điều gì sẽ xảy ra nếu Sen Vàng không được trình diễn trên sàn catwalk hình chữ T mà được lồng ghép trong những phối cảnh 3D của một dự án nghỉ dưỡng được dự báo sẽ đánh thức và đưa bãi Kem trở thành Maldives mới của thế giới?
Đừng vội đưa ra câu trả lời mà hãy chiêm ngưỡng những bức họa thời trang đặc biệt được tạo nên từ cuộc hôn phối kỳ lạ mà Giám đốc sáng tạo người Pháp Henri Hubert đã kỳ công tạo nên.
Trong những bức hình được tạo nên vô cùng kỳ công ấy, thực tại và tương lai giống như một thực thể hữu hình đang kể câu chuyện truyền thống Việt. Áo dài lụa kiêu sa tung bay trong gió biển, trước hoàng hôn Bãi Kem đẹp mộng mị, giữa những lối đi hình zigzag, hoặc giữa một bên là bãi Kem cái trắng nước trong như pha lê, một bên là khối kiến trúc được bắt nguồn cảm hứng từ những mái rạ thôn dã của Sun Premier Village Kem Beach Resort.
Đặt vẻ đẹp khuê các của áo dài Việt trong những không gian biệt thự sang trọng được thiết kế từ những chất liệu, motif hoa văn gắn liền với đời sống của một làng chài, Henri Hubert đã cùng lúc kể hai câu chuyện về hai thế giới haute couture - một của thời trang, một của kiến trúc- trong những tấm hình độc, lạ. Ở đó, sự sang chảnh trong thế giới haute couture của thời trang được gọi tên bởi những mẫu áo dài thuần khiết Việt Nam, bởi lụa, bởi kỹ thuật dát vàng, thêu đột, xoắn, vặn cùng hoa văn, họa tiết cổ điển, những viên đá quý kim hoàn. Ở đó, kiến trúc xa xỉ được định nghĩa không phải bằng đá hoa cương, bằng dát vàng nạm ngọc mà bằng gỗ với mây, tre, những họa tiết lấy cảm hứng từ mắt lưới, rổ tre… vốn gắn liền với đời sống làng biển.
Nếu như Sen Vàng - haute couture của thời trang - gắn liền với công phu hàng trăm giờ thêu tay, đính đá, dát vàng thì haute couture của kiến trúc - Sun Premier Village Kem Beach Resort - lại được bắt đầu từ một định lượng vô định những nghiên cứu, khảo sát, tìm tòi, để cho ra đời một thiết kế “ngôi làng biển” đậm chất dân dã nhưng lại vô cùng sang trọng.
Ông Andrew R. Frost - đại diện đơn vị thiết kế dự án Darkhorse Architecture - tiết lộ: “Chúng tôi đã thực hiện nhiều khảo sát, nghiên cứu về nguyên vật liệu truyền thống để xây dựng tại Phú Quốc, đồng thời chúng tôi cũng tốn nhiều công sức để tìm những người thợ thủ công tài giỏi, lành nghề trong xây dựng nhà gỗ và làm mái tranh trên đảo. Ngay từ khi đặt bút thiết kế, chúng tôi đã phải giải đáp cả trăm câu hỏi như làm thế nào để tạo nên những mái vòm đúng chất bản địa, làm thế nào để mái tranh bằng gỗ có màu sắc tương tự đời thực, hay làm thế nào để chọn đúng loại đá để sử dụng cho sân vườn hay khoảng phía dưới của tòa nhà...”
Sự kỳ công, tỉ mẩn cùng với những gì truyền thống nhất tạo nên đẳng cấp cho Sen Vàng của Đỗ Trịnh Hoài Nam. Những cầu kỳ trong thiết kế, nội thất, cộng với sự nghiêm ngặt trong mọi khâu thi công đến hoàn thiện dự án này của chủ đầu tư Sun Group tạo nên đẳng cấp có một không hai cho Sun Premier Village Kem Beach Resort. Và nếu như Sen Vàng đã ghi danh thời trang Việt vào lãnh địa thời trang xa xỉ nhất thì Sun Premier Village Kem Beach Resort đang hứa hẹn đưa Bãi Kem thành một điểm đến của du lịch cao cấp quốc tế nơi Bãi Kem đẹp tựa thiên đường ở Nam đảo Phú Quốc.
Hai sự sang trọng ấy không hề “vấp” nhau, mà ngược lại, tôn vinh, bổ trợ và khiến cho những bức hình 3D mà như thực, thực mà như ảo - nếu không phải là Henri Hubert, liệu ai khác có đủ tài năng để làm nên cuộc hôn phối đặc biệt này?
Giờ thì chúng ta đã có thể trả lời cho câu hỏi nêu ở phần đầu rằng: Thời trang và kiến trúc khi được kết nối bởi sợi dây truyền thống sẽ làm nên những tuyệt phẩm hình ảnh ngay cả trong suy nghĩ cũng khó mường tượng.
Ngày 17/12/2017 tại KS InterContinental Asiana Saigon, Sun Group tổ chức chương trình tri ân khách hàng đầu tư biệt thự Sun Premier Village Kem Beach Resort, với chủ đề “Vũ khúc của đại dương”. Tại sự kiện, khách hàng sẽ được chiêm ngưỡng BST Áo dài “Sen vàng” của nhà thiết kế nổi tiếng Đỗ Trịnh Hoài Nam.
Thu Hằng