• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc sống của người công khai bị xâm hại tình dục sau tự truyện ra sao?

29/07/2017 15:12

(Tổ Quốc) - Nhà văn, nhà báo Hòa Bình - người chấp bút cuốn sách "Cát hay là ngọc" sẽ đưa ra giải đáp thắc mắc này của độc giả.

Cách đây khoảng một năm, tự truyện “Cát hay là ngọc” của một cô gái từng bị xâm hại tình dục từ năm 8 tuổi do Hòa Bình và Cỏ chấp bút ra mắt, đã gây “sốc” cho dư luận. Vậy 'hậu tự truyện' nhân vật ra sao?.

Còn nhớ, không ít cuốn tự truyện, hồi ký sau khi ra mắt sách đã vấp phải những luồng dư luận trái chiều, thậm chí khiến người trong cuộc phải giải thích, phải đau khổ, dằn vặt... Đó không chỉ đơn thuần là sự đúng - sai của sự việc đã diễn ra trong quá khứ mà là ứng xử của người trong cuộc với các nhân vật và ngược lại. Hơn thế, các nhân vật này còn đang sống. Với sự tò mò thường xuất hiện của độc giả khi đọc tự truyện, hẳn không ít người từng đọc cuốn “Cát hay là ngọc” cũng muốn biết cuộc sống của nhân vật chính tên Ngọc như thế nào. Và câu giải đáp này đã được nhà văn, nhà báo Hòa Bình - một trong hai người chấp bút cho cuốn sách tiết lộ.

Cuốn sách từng gây xôn xao dư luận

Nhà văn, nhà báo Hòa Bình thừa nhận cuộc sống của Ngọc sau khi xuất bản tự truyện có những thay đổi đáng kể.  Nếu như trước đây Ngọc là người rất sợ xuất hiện trước đám đông, không biết trình bày trước đám đông, có những hận thù trong quá khứ, bị ảnh hưởng nhiều cái xấu từ quá khứ… hoặc khó kiên định với mục tiêu đã đặt ra… thì giờ nhân vật chính của “Cát hay là Ngọc” đã dần khắc phục được.

Tuy nhiên, cũng theo chị Hòa Bình thì sở dĩ những câu chuyện nhân vật đem đến cho độc giả dù có “choáng váng”, khó tin đó là sự thật nhưng Ngọc đã đi qua nó để hoàn thiện bản thân mình hơn là vì ngay từ khi có ý định thực hiện cuốn sách người chấp bút đã nói rõ để Ngọc hiểu rằng: Khi cuộc đời của Ngọc được viết thành cuốn sách không phải đó là bệ đỡ, bệ phóng mà nó là sự thú tội, sự gột rửa. Vì vậy Ngọc phải hoàn toàn chân thực cuộc sống của mình. Dù khi nói ra những điều xấu trong quá khứ cũng chả hay ho gì nhưng việc quyết định nói ra nó giống như là một sự đập vỡ cái vỏ bọc, mặt nạ từ trước đến giờ để thừa nhận bản thân có những cái xấu. Và khi đối diện với con người thật của mình, trung thành với cảm xúc, Ngọc đã gột rửa được cơ bản thói xấu.

Cùng với đó, nhân vật Ngọc đã chín chắn hơn khi xác định, để tồn tại, để sống thì làm việc gì cũng được, miễn là lương thiện. Rồi khi cuộc sống của bản thân đã tạm ổn sau những chi phí thì còn phải làm từ thiện. Bởi, nếu cuộc đời lấy đi của Ngọc nhiều nhưng cũng cho cô nhiều. Sau khi cuốn tự truyện ra mắt độc giả, Ngọc không chỉ xuất hiện trên trang sách, Ngọc còn hiện diện trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong những chuyến giao lưu, chia sẻ… và Ngọc đã nhận được sự yêu thương, đồng cảm của công chúng. Không những thế, nhiều người đã tạo điều kiện giúp đỡ Ngọc thì Ngọc cần phải trả ơn cuộc sống. Thực tế, Ngọc đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện, mang tính cộng đồng, nhất là nói chuyện về nạn xâm hại tình dục. Vì Ngọc là “nhân chứng sống” nên khi đi nói chuyện về xâm hại tình dục khá thuyết phục, nạn nhân từng bị xâm hại, lạm dụng tình dục đã biết cách xoa dịu và học cách vượt qua.

Một điều đáng kể nữa là sau cuốn tự truyện, dù phải trải qua nhiều đau đớn, khó khăn và cả “nước mắt”, nhưng đến giờ gia đình đã ở bên cạnh Ngọc, đã cho cô cánh cửa và yêu thương cô. Ngọc đã có và được sống với gia đình. Đây có lẽ là niềm mong muốn của cô từ trong sâu thẳm bao năm nay - nhà văn, nhà báo Hòa Bình tiết lộ.

Ảnh minh họa (phunutoday.vn)

Hỏi về tính xác thực của những câu chuyện mà Ngọc đã kể trong sách, với tư cách là người chấp bút, nhà văn Hòa Bình cho rằng: tôi chỉ là người chấp bút, còn người chịu trách nhiệm chính về tư liệu cuộc đời là nhân vật. Cũng có lúc tôi không tin những câu chuyện Ngọc kể về mẹ và cho rằng có thể trong đầu óc non nớt của Ngọc nó kinh khủng, trầm trọng hóa vấn đề đến vậy. Nhưng dù thế hay không tôi vẫn luôn khuyên Ngọc phải bỏ hết tất cả nặng nề, thù hận trong lòng cho dù trong quá khứ mẹ có đối xử tới mức này hay mức khác. Ngọc phải kết nối với mẹ, mang lại tình cảm cho mẹ, dù gì mẹ cũng là người sinh ra em.

Với câu hỏi, một cuốn hồi ký “đẫm nước mắt xót xa, đau đớn”, lại đề cập đến không ít người, liệu có bao giờ cả nhân vật chính và người chấp bút hối tiếc vì đã “trót lỡ” kể ra và viết ra công khai cho mọi người không, nhà văn Hòa Bình trả lời ngay là không, không một giây, một phút nào hối tiếc.

Nhà văn Hòa Bình từng nói với nhân vật rằng:  Xuất phát điểm của Ngọc cực thấp - dưới bùn lầy nhưng cô vẫn có quyền làm một bông hoa sen nếu như biết cách thật sự để cho mọi người hiểu về giá trị của mình. Và cô phải làm điều đấy ,bằng cách phải sống thật, nỗ lực, biết xuất phát điểm của mình, phải chịu soi mói tất cả các bên, nguy hiểm trong cuộc sống. Còn ngược lại, nếu không chứng tỏ được bản thân có giá trị thì cô ấy vẫn sẽ cứ chênh vênh, đau khổ trong cuộc đời.

 

Tự truyện "Cát hay là ngọc" (NXB Phụ nữ) kể về một cô bé tên Ngọc được sinh ra từ cuộc tình dang dở của người mẹ nghèo và ông bố mất khi cô chưa chào đời. Bị gọi là con hoang, mẹ lại không có tiền để cưu mang đứa con đau yếu, Bích Ngọc trải qua tuổi thơ ở nhà ông bà ngoại rồi ông bà nội với liên tiếp những cuộc bạo hành, xâm hại thể xác và tình dục. Nhưng rồi Ngọc đã vượt qua những đau đớn, tủi nhục để trở thành người có ích.

Hiền Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ