(Tổ Quốc) - Sáng 28/2, tại Hà Nội, Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Cuộc họp cộng tác viên triển khai Đề án "Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc 2020.
Tại cuộc họp, bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết: Được sự giao phó của Thủ tướng Chính Phủ, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có những nỗ lực thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và thúc đẩy các điều kiện, tiện ích giúp cho người dân có thể học tập suốt đời, đặc biệt đối tượng học sinh và sinh viên.
Bà Ngà cho biết: Trong hai năm thực hiện triển khai hai Đề án "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ" và "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã đạt được những kết quả hơn mong đợi. Theo thống kê, số lượt người sử dụng sách báo tăng lên hơn 50 triệu lượt người. Số sách, báo trong thư viện công cộng và 30 tỉnh/thành phố lên đến hơn 180 triệu.
Chúng ta có thể thấy được việc đọc sách đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để văn hóa đọc không phải là huyền thoại mà nó sẽ luôn là hiện hữu, sao cho tất cả mọi người quan tâm đến nó vẫn là một bài toán khó. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là nhận thức của người dân về vai trò của văn hóa đọc. Đồng thời, khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông trong thay đổi nhận thức của người dân về văn hóa đọc. "Năm nay là năm bản lề kết thúc giai đoạn 1 của cả hai Đề án, tôi mong muốn các cơ quan truyền thông sẽ có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, để nâng cao nhận thức cho người dân", bà Ngà nhấn mạnh.
Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai thực hiện hai Đề án cũng gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, Vụ Thư viện đã tổ chức buổi gặp mặt hôm nay, với mong muốn lắng nghe những chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ của các đại biểu đối với Bộ VHTTDL, cũng như các Bộ ngành, địa phương góp phần triển khai thực hiện hai Đề án được thành công. Qua đó, góp phần xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, tạo cơ hội cho tất cả mọi người có thể tiếp cận với thông tin tri thức, cũng là góp phần thực hiện Chương trình nông thôn mới, giúp xóa đói giảm nghèo.
Bà Ngà cũng cho biết: Ngoài việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động để thực hiện về đích đối với các chỉ tiêu đặt ra của hai Đề án, Vụ Thư viện sẽ triển khai một số Hội thảo, lớp tập huấn và Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020. Đối với Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc - Đây là lần thứ 2 Bộ VHTTDL tổ chức với quy mô toàn quốc. Năm nay, Cuộc thi được mở rộng đối với đối tượng sinh viên ở các trường Đại học. Cuộc thi đang được các Bộ, ngành quan tâm. Năm nay, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Hội người Mù Việt Nam... sẽ tham gia tổ chức vòng Sơ khảo. Dự kiến, Cuộc thi sẽ thu hút hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia.
Tại cuộc họp, các đại biểu khẳng định, việc Bộ VHTTDL thực hiện triển khai Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã đạt được những mục tiêu và kết quả tốt. Đồng thời, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho việc thực hiện Đề án được hiệu quả hơn. Trong đó, tiêu biểu là ý kiến đóng góp của Thầy Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng trường Đinh Tiên Hoàng.
Thầy Tùng Lâm khẳng định: Cốt lõi của việc đọc không phải chỉ có thêm tri thức mà là giúp cho mỗi cá nhân phát triển năng lực phẩm chất bản thân. Thầy cũng cho rằng, việc đưa tri thức vào cuộc sống, phát triển văn hóa đọc cần phải kiên trì. Phải đưa việc đọc sách thành thói quen. Trong đó, cần chú trọng đến cả cách đọc sách, tạo tư thế đọc sao cho thoải mái với mọi người; cần tạo ra các diễn đàn, gala sân chơi bổ ích thu hút người đọc...
Bên cạnh đó, thầy cũng cho rằng: Từng cơ sở phải tự quản lý, phát triển văn hóa đọc trong mỗi cơ sở mình. Các nhà xuất bản, cùng cơ quan truyền thông, tác giả phải có phương thức tuyên truyền để người đọc thấy được cái hay trong cuốn sách. Ngoài ra, phải hướng tới phục vụ sách ở khắp mọi nơi: trên máy bay, tàu, ô tô…
Cảm ơn những đóng góp hết sức cụ thể và thiết thực của các đại biểu, bà Ngà cho biết thêm: Trong thời gian qua, Vụ Thư viện đã thực hiện ký kết phối hợp với nhiều đơn vị để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam. Trong thời gian tới, Vụ sẽ ký kết với Nhà xuất bản Phụ nữ. Điều này cho thấy, các Bộ ngành đã thể hiện sự quan tâm, chung tay cùng với Bộ thực hiện hai Đề án.
"Thông qua cuộc họp ngày hôm nay, chúng ta đã cùng nhau chia sẻ, có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, để số người dân ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin tri thức hơn. Đồng thời, mong muốn nhận được sự giúp đỡ, chung tay của các đơn vị, cùng nhau hướng tới mục tiêu nhân văn, nhân ái, tạo cho tất cả mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên có được những cơ hội học tập, nghiên cứu, giải trí một cách lành mạnh ở tại các thư viện, ở cộng đồng làm cho xã hội chúng ta trở lên tốt đẹp hơn, thân ái hơn", bà Ngà nhấn mạnh.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức. Đây là một trong những hoạt động thực hiện kế hoạch triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên, người khiếm thị với mục đích khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho sinh, sinh viên - một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường và cộng đồng. Thông qua cuộc thi sẽ tìm ra những gương mặt tiêu biểu để truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu đọc sách và văn hóa đọc.
Năm 2019, Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã thu hút hơn 536,557 học sinh, sinh viên với gần 4.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia. Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia và thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh học sinh cùng các thầy, cô giáo. Chính quyền địa phương, các trường đại học cũng đã dành sự quan tâm cho hoạt động này.
Để triển khai Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 một cách có hiệu quả, Bộ VHTTDL đã ban hành 03 văn bản: Công văn số 426/BVHTTDL - TV ngày 04 tháng 02 năm 2020 về việc Hướng dẫn Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020, thông báo và hướng dẫn các địa phương, các trường đại học/học viện về địa điểm, thời gian tổ chức vòng sơ khảo, vòng chung kết; nội dụng cuộc thi (có thể lệ kèm theo); kinh phí và tổ chức thực hiện Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020; Công văn số 471/BVHTTDL - TV ngày 07 tháng 02 năm 2020 gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Công văn số 852/ BVHTTDL - TV ngày 27 tháng 2 năm 2020 gửi Hội Người mù Việt Nam về việc tham gia phối hợp tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 có quy mô mở rộng hơn so với năm 2019. Cuộc thi được tổ chức dành cho học sinh phổ thông, sinh viên trên cả nước, các trường thuộc lực lượng vũ trang.
Cuộc thi sẽ diễn ra qua 02 vòng: vòng sơ khảo và vòng chung kết. Vòng sơ khảo do một số Bộ, ngành và các địa phương tổ chức. Ban tổ chức vòng sơ khảo sẽ lựa chọn các bài dự thi xuất sắc nhất gửi về Bộ VHTTDL tham dự vòng chung kết vào tháng 7 năm 2020.
Vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội. Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2020. Ban Tổ chức sẽ trao khoảng 200 giải thưởng các loại cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc.