(Tổ Quốc) - Lễ bế mạc và trao giải Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo Múa toàn quốc 2019 đã diễn ra tối 16/7.
Tối ngày 16/7, "Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo Múa toàn quốc – 2019" do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức đã bế mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã đến dự và trao giải cho các tác giả xuất sắc nhất Cuộc thi.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao giải Nhất Cuộc thi
Qua hai vòng thi có tổng số 38 tác phẩm của 26 biên đạo, đại diện cho 15 đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố Trung Ương và địa phương từ Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Phước, An Giang, Gia Lai, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Đoàn múa UNISON – thành phố Hà Nội, và 03 cơ sở đào tạo: Trường Trung cấp Múa Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Múa Việt Nam, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; với sự tham gia trình diễn của gần 100 nghệ sĩ, diễn viên các đơn vị nghệ thuật, "Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo Múa toàn quốc - 2019" đã kết thúc tốt đẹp.
Đánh giá chất lượng "Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo Múa toàn quốc - 2019" NSND Lê Ngọc Cường, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhận định: "Nhìn tổng thể Cuộc thi, Hội đồng nhận thấy, tuy số lượng tác giả biên đạo và tác phẩm tham gia lần này không nhiều như các kỳ trước, song nhìn chung các biên đạo đã có nhiều cố gắng vượt lên chính mình, vượt qua những khó khăn, hạn chế. Do đặc thù của ngôn ngữ múa là dùng cơ thể con người làm phương tiện biểu đạt nội dung tư tưởng, phản ánh hiện thực đời sống, thông qua hình tượng nghệ thuật. Các biên đạo đang cố tìm cho mình một hướng đi, một phương thức tiếp cận mới trong khai thác đề tài, bố cục, kết cấu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả ngôn ngữ múa hiện đại với múa dân tộc để tác phẩm có hơi thở mới, phù hợp với xu thế phát triển và thị hiếu của giới trẻ hiện nay.
Một tác phẩm biểu diễn trong đêm Bế mạc
Có thể nói, từ ý tưởng nội dung, đề tài đến hình thức bố cục, kết cấu tác phẩm là một quá trình tư duy tìm tòi, sáng tạo, trong đó có không ít tác phẩm đã tạo được hiệu quả thành công kể cả phương diện nội dung, chủ đề tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Một số tác phẩm có sự tìm tòi mới lạ trong bố cục tạo hình, tuyến múa hợp lý. Vận dụng có hiệu quả ngôn ngữ múa hiện đại với ngôn ngữ múa dân tộc, không thiên cưỡng, gò ép".
Bên cạnh đó, NSND Lê Ngọc Cường cũng chỉ ra hạn chế của Cuộc thi: "Theo quy chế, các biên đạo lọt vào vòng chung kết phải có hai tác phẩm dự thi, tuy nhiên do điều kiện hoàn cảnh, thời gian chuẩn bị quá gấp nên hầu hết các biên đạo chỉ tập trung chăm lo cho một tác phẩm, rất ít biên đạo có hai tác phẩm hoàn hảo như mong đợi. Đây là một hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm để chất lượng Cuộc thi có hiệu quả cao hơn. Có một thực tế hiện nay, các biên đạo trẻ thường ít quan tâm, để ý khi xác định đặt tên cho tác phẩm…Trong nhiều tác phẩm múa lần này chỉ có một từ như "Khát", "Gánh", "Mẹ"…nghe cục cằn, khó liên tưởng, chưa nói sẽ dẫn đến hiểu sai ý tưởng của tác giả".
Tác phẩm Cuội già đoạt Giải Nhất
Kết quả, 01 giải Nhất - Biên đạo Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam) với tác phẩm "Cuội già"; 02 giải Nhì thuộc về các biên đạo: Hoàng Thị Nguyệt (Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La) tác phẩm "Khèn ngược", Tạ Xuân Chiến (Học viện Múa Việt Nam) tác phẩm "Giấc ngủ chưa lành"; 03 giải Ba thuộc về các biên đạo: Nguyễn Vũ Khánh (Đoàn múa UNISON Hà Nội) tác phẩm "Những mối quan hệ", Tống Mai Len (Học viện Múa Việt Nam) tác phẩm "Mẹ", Nguyễn Phương Linh (Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam) tác phẩm "Chiếu đời"; 04 giải Khuyến khích thuộc về các biên đạo: Đỗ Duy Đức (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) tác phẩm "Giờ tăng ca", Hà Thanh Hậu (Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh) tác phẩm "Rào giậu", Phạm Minh Tuấn (Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh) tác phẩm "Mạch sống", Phạm Đắc Hải (Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn) tác phẩm "Nét quê"./.