(Toquoc)-Vẫn còn sớm để đưa ra câu trả lời khi cuộc thi mới đi được 1/5 chặng đường. Tuy nhiên, với không khí đang diễn ra tại Nhà hát Thế giới trẻ và những phản hồi từ giới chuyên môn, “ngọc” hẳn sẽ được phát lộ, dù có thể sẽ ít.
(Toquoc)-Vẫn còn sớm để đưa ra câu trả lời khi cuộc thi mới đi được 1/5 chặng đường. Tuy nhiên, với không khí đang diễn ra tại Nhà hát Thế giới trẻ và những phản hồi từ giới chuyên môn, “ngọc” hẳn sẽ được phát lộ, dù có thể sẽ ít.
Phấp phỏng trước cái mới
Đó là tâm trạng của cả dân làm nghề lẫn những ai quan tâm đến đời sống sân khấu nước nhà. Dễ hiểu khi đại đa số trong 21 cái tên đạo diễn tham gia cuộc thi lần thứ hai này là những gương mặt ít - thậm chí chưa từng - được công chúng biết đến như: Thư Nhàn, Thúy Nga, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trần Minh Bảo Quốc, Phạm Ngọc Thức, Cao Thanh Danh... Nổi tiếng như Trịnh Kim Chi, Xuân Trang, Hòa Hiệp... lại là diễn viên lần đầu dựng vở.
Vở "Nghĩa vụ thiêng liêng", một tác phẩm đầu tay được đánh giá là "sạch sẽ"
Đó là lý do cho những hoài nghi, rằng cuộc thi năm nay sẽ không thể tìm ra một đội ngũ đạo diễn trẻ hùng hậu như kỳ 2007 với Hoàng Quỳnh Mai, Lý Khắc Lynh, Đức Thịnh, Thái Hòa, Chánh Trực...
Tuy nhiên, không đáng bi quan khi giới chuyên môn Sài Gòn đang có những phản hồi tích cực.
Phạm Ngọc Thức - đạo diễn trẻ nhất các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp từ trước tới nay – đã gây ấn tượng đẹp cho dân trong nghề với vở cải lương Gió hoàng cung. Không quá xuất sắc, nhưng với gần 2 tiếng đồng hồ sạch sẽ điểm xuyết những chi tiết xúc động, chàng trai 23 tuổi đã thể hiện được bản lĩnh của mình.
Thư Nhàn của Nhà hát Kịch Quân đội cũng có lần ra mắt đầu tiên được xem là sạch sẽ với Nghĩa vụ thiêng liêng – kịch bản của Vương Huyền Cơ. Nữ tác giả ăn khách của sân khấu Sài Gòn khi giao tác phẩm cho gương mặt mới toanh của sân khấu Bắc không khỏi mang nỗi băn khoăn. Nhưng như chị chia sẻ, Thư Nhàn đã lý giải kịch bản rất trúng và hợp lý: “Tôi cảm thấy thực sự hài lòng. Thư Nhàn và tôi đã có sự đồng cảm”.
Chưa đến lịch diễn, nhưng Trịnh Kim Chi và Hòa Hiệp là hai cái tên được kỳ vọng khi hai vở đầu tay của họ đang thuộc diện “bán vé được” ở sân khấu Phú Nhuận. Cúc cù cúc cu của Kim Chi tạo được hiệu ứng suốt hơn nửa năm qua và vẫn giữ được số suất diễn ổn định. Nhà viết kịch Phạm Dũng đã vô cùng ngạc nhiên, bất ngờ khi xem vở vì “Kim Chi đã sửa kịch bản rất nhiều, rất hợp lý và rất duyên”.
Song, được chờ đợi nhất có lẽ là Như Lai và Phi Long. Như Lai là một trong số ít đạo diễn trẻ và đa năng ở sân khấu Bắc, gây ấn tượng với các vở kịch đương đại có giá trị xã hội cao. Trong khi đó, mỗi vở diễn của Phi Long luôn chứa đựng một thể nghiệm, một sáng tạo mới mẻ. Xin một cái tên của Phi Long cũng giống như Được là chính mình của Như Lai, nếu đọc nội dung trong các thông cáo báo chí thì chỉ thấy màu sắc tuyên truyền đậm đặc, nhưng thực tế lại được biểu đạt bằng kiểu ngôn ngữ nghệ thuật giàu sáng tạo, hiển hiện công phu đầu tư và dấu ấn cá nhân – những yếu tố mà giới chuyên môn luôn đòi hỏi và cho điểm cao.
Luồng gió mới cho sân khấu Sài Gòn
Không có vở tham gia nhưng đạo diễn trẻ Hạnh Thúy vẫn đều đặn đi xem các đêm diễn từ đầu liên hoan và chưa bỏ dở buổi nào. Hạnh Thúy ăn khách, đắt sô, đến nỗi phải rút Thu khùng khỏi cuộc chơi vì không thể ngắt các lịch diễn, lịch quay phim để tập trung đầu tư cho vở. Mọi người thì cho rằng cô có tên tuổi rồi, cũng gặt hái đủ huy chương rồi nên không mặn mà gì như nhiều các đạo diễn “sao” khác tại TP.HCM. Nhưng Hạnh Thúy khẳng định chỉ có một lý do là cô không chuẩn bị đủ cho Thu khùng.
“Thúy cho rằng chưa thể gọi mình là người có tên tuổi, nhất là trong công việc đạo diễn. Bởi vì mình là người trẻ, số vở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cái từ “tên tuổi” nó đòi hỏi nhiều hơn kia. Cho nên Thúy ko ngại tham gia, nếu có cơ hội thì vẫn tham gia tiếp. Việc đoạt giải hay không không quan trọng với Thúy mà vấn đề là mình có chuẩn bị kỹ không, có cái gì đặc biệt để mang ra thi thố với bạn nghề hay không.
Trước đây khi mình tham gia các cuộc thi thì mục đích là để học hỏi. Còn giờ thì ngoài học hỏi, mình muốn thể hiện được phần nào cái mà mình đã học, cái bản lĩnh của mình. Tiếc là chưa có cơ hội ở lần này”.
Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ cho rằng: sự vắng mặt của nhiều tên tuổi đạo diễn trẻ TP.HCM phần nhiều do họ quá bận rộn với lịch diễn, lịch quay. Bên cạnh đó, các đạo diễn đã được khẳng định nếu tham gia cuộc thi mà không có sự chuẩn bị kỹ càng hoặc vì lý do nào đó mà không đoạt giải thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến danh tiếng. Trong khi đầu tư cho một vở diễn hết sức tốn kém, tốn nhiều công sức lẫn thời gian.
Tuy nhiên, Vương Huyền Cơ khẳng định: dù thiếu nhiều ngôi sao có sức thu hút lớn với khán giả, cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2013 vẫn là một sự kiện làm sôi động thêm sân khấu Sài Gòn.
“Mặc dù chỉ là tác giả có vở được dựng nhưng tôi cũng cảm thấy nôn nao. Đây thực sự là một sân chơi để các đạo diễn trẻ chuyên nghiệp có cơ hội tỏa sáng. Lĩnh vực nào cũng vậy, có thi thố thì mới thúc đẩy được sự cạnh tranh vượt trội của mỗi cá nhân. Sân khấu Sài Gòn thì sôi động rồi, diễn viên thì bận rộn rồi, nhưng nếu cứ mãi cặm cụi làm nghề, cặm cụi chạy sô mà không có một sân chơi cho họ thi thố, họ tìm kiếm cơ hội học hỏi, họ khẳng định bản lĩnh thì buồn lắm.
Do đó cuộc thi này đã thổi một luồng gió mới, tiếp thêm cho đạo diễn trẻ sự hứng khởi và năng lượng mới để làm nghề”./.
Bài&ảnh: Tùng Mai