• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc 2008: Hy vọng vào lớp trẻ

14/07/2008 10:43

Nghệ thuật sân khấu thế giới ngày càng phong phú và đa dạng. Điều có thể dễ dàng nhận thấy đó là những loại hình nghệ thuật khác nhau như kịch nói, điện ảnh, múa... đã có sự giao lưu và tiếp thu những tinh hoa của nhau để làm thay đổi sắc điệu trong nền nghệ thuật của mình.

Nghệ thuật sân khấu thế giới ngày càng phong phú và đa dạng. Điều có thể dễ dàng nhận thấy đó là những loại hình nghệ thuật khác nhau như kịch nói, điện ảnh, múa... đã có sự giao lưu và tiếp thu những tinh hoa của nhau để làm thay đổi sắc điệu trong nền nghệ thuật của mình.

Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, hơn thế, do được thừa hưởng một di sản văn hóa, nghệ thuật phương Đông độc đáo là điểm nhấn, tạo đà để sân khấu Việt bứt phá. Hẳn nhiều người nhớ rất rõ cảnh các vị chức sắc trong làng bắt vạ Thị Màu ngoài sân đình được dựng trên những tình tiết trớ trêu, hài hước qua những tiếng cười sảng khoái không dứt của công chúng.

Rồi “Súy Vân giả dại”, “Lưu Bình, Dương Lễ” đậm đà tình thủy chung, những Thị Kính oan uổng đến đau lòng... 10, 20 năm trở về trước, một thế hệ vàng đã ra đời đã làm nên diện mạo cho sân khấu kịch nói Việt Nam đương đại.

Nay thì họ đã 40, 50 tuổi. Những gì họ thể hiện trong những vở diễn mà một thời khán giả phải rồng rắn xếp hàng mua vé vào xem như “Tôi và chúng ta, Nhân danh công lý, Dạ cổ hoài lang”... đáng để chúng ta - những khán giả - trân trọng.

Còn nay, đã không ít câu hỏi đặt ra với sân khấu kịch nói rằng, diễn viên trẻ - bao giờ khởi sắc? ánh đèn sân khấu vẫn hàng đêm rực sáng. Tuy nhiên, không như thời hoàng kim, kịch nói giờ đây chỉ hoạt động trong các nhà văn hóa, sân khấu nhỏ với số lượng người xem thưa thớt.

Diễn viên trẻ, gương mặt mới không phải không có, nhưng “măng vẫn mãi chỉ là măng”. Và còn đó những băn khoăn chưa có lời giải. Những nghệ sỹ cả đời tâm huyết với sân khấu kịch nói đều chung nhận xét, để sân khấu kịch có được những vở diễn “tuyệt đỉnh” thì vai trò của Nhà nước không thể thiếu trong quản lý lẫn đào tạo.

Nếu không, trong tương lai gần, các loại hình sân khấu truyền thống nói chung sẽ trở thành “di sản văn hóa” một thời của đất nước, để thế hệ sau muốn được thưởng thức thì không biết tìm ở đâu. Nói vậy nhưng không hẳn chúng ta không có đầu tư, quan tâm, bồi dưỡng thế hệ trẻ.

Vị trí của sân khấu kịch nói Việt Nam không nằm ngoài dòng chảy của thế giới. NSND Trọng Khôi khi nói về sân khấu kịch nói Việt Nam trong hội nhập quốc tế đã nhận định: “Kịch nói hiện đại của chúng ta cũng đã tiếp thu những tinh hoa của sân khấu dân tộc rất thành công. Nghệ thuật kịch nói hầu như có mặt ở tất cả các nước trên thế giới.

Không gì có thể đạt được hiệu quả sâu rộng như sân khấu kịch nói trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Giao lưu về nghệ thuật kịch nói là sự trao đổi học tập và tiếp thu những sáng tạo quý báu của các dân tộc khác nhau làm phong phú cho nền nghệ thuật sân khấu của từng nước.

Đó không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần để giới thiệu một bản sắc nghệ thuật của dân tộc mình mà trước tiên phải là sự gắng sức đua tài một cách công bằng trong hội nhập. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự tin vào sự hội nhập quốc tế của nghệ thuật kịch nói Việt Nam trong sự phát triển chung của nhân loại”.

Gần đây nhất, cuối năm 2007 trong Cuộc thi các tài năng đạo diễn trẻ toàn quốc đã xuất hiện một lực lượng đạo diễn trẻ đầy triển vọng như Hoàng Mai, Trung Kiên, Quỳnh Mai… Và nay, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói toàn quốc 2008 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức sắp được diễn ra.

Cuộc thi nhằm phát hiện những tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói. Từ đó khuyến khích, động viên và tôn vinh các nghệ sỹ trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói trong những năm qua.

Là một cuộc thi được đón nhận, các đoàn kịch nói địa phương cũng tham gia hưởng ứng rất đông đảo như Đoàn kịch Hải Dương, Đoàn kịch Nam Định, Nhà hát Kịch Quân đội… Mỗi đơn vị được phép dự thi 4 diễn viên, có độ tuổi không quá 33.

Mỗi thí sinh dự thi phải biểu diễn một trích đoạn sân khấu tự chọn phù hợp với sở trường của mình. Mỗi trích đoạn dài không quá 20 phút và phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật kịch nói, có thể sử dụng kịch nước ngoài.

Hiện nay đã có một lượng diễn viên trẻ được các đơn vị sân khấu kịch đăng ký tham dự như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ... Hy vọng tại những cuộc thi thế này sẽ phát hiện ra những diễn viên trẻ đầy triển vọng. Và chúng ta có quyền hy vọng trong các lớp nghệ sỹ trẻ này sẽ có nhiều người trở thành tài năng tỏa sáng trên sân khấu kịch nói trong một tương lai không xa.

Theo ANTD

NỔI BẬT TRANG CHỦ