• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cứu đói đồng bào Bru Vân Kiều cô lập vì lũ lớn

Thời sự 09/10/2010 17:16

(Toquoc)-18/21 thôn,bản bị cô lập hoàn toàn do lũ,toàn bộ những tuyến đường vào các bản làng vùng sâu bị sạt lở...

(Toquoc)- 18/21 thôn, bản bị cô lập hoàn toàn do lũ, toàn bộ những tuyến đường vào các bản làng vùng sâu bị sạt lở. Tính đến 16h chiều 8/10, mặc dù lũ đã rút nhưng toàn xã Trường Sơn còn 3 đến 4 xã vùng sâu vẫn bị cô lập.

Vượt Trường Sơn cứu đói người Vân Kiều

Sáng, cả con đường tỉnh lộ 8 ảm đạm trong đục ngàu nước lũ. Chỉ 95 km đoạn đường 8 từ UBND huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngược về Tây, băng qua những ngọn núi vượt Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn đến “thánh địa” của người Bru Vân Kiều. Đoàn chúng tôi phải mất hơn nửa ngày đường mới tới được trạm kiểm lâm Trường Sơn để trao quà. Sở dĩ còn 20 km nữa mới vào được trung tâm xã Trường Sơn, nhưng vì đất núi lở quá nhiều đã chôn vùi mất con đường độc đạo. Nhiều đoạn đường đã bị chôn vùi, đoàn xe phải chèn gỗ và đá hộc để bắt bánh di chuyển từng đoạn một, cuối cùng đoàn xe cứu trợ đành ngậm ngùi đứng tại trạm kiểm lâm cứu đói bà con “từ xa” vậy!

Đoàn xe bị sa lầy bởi đất lở, phải hì hục lắm chúng tôi mới thoát khỏi đám bùn lầy

Hiện, toàn xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có gần 4.000 người, nhưng đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều đã chiếm 2.200 người. Đây là xã có diện tích chiếm 2/3 tổng diện tích toàn huyện Quảng Ninh (77 ngàn ha/119 ngàn ha) và là xã miền núi biên giới khó khăn nhất của tỉnh Quảng Bình. Trong đợt lũ lịch sử này, cả xã có đến 18/21 thôn, bản bị ngập chìm và cô lập trong nước lũ. Tính đến 16h chiều ngày 8/10, Trường Sơn vẫn còn 3 đến 4 xã bị cô lập với bên ngoài bởi bùn lầy và nước lũ. Ông Nguyễn Sơn Hải – Phó chủ tịch xã Trường Sơn cho biết!

Gần 13h chiều, nghe tin đoàn xe chở 5 tấn gạo và 600 thùng mỳ tôm đã vào đến Trạm kiểm lâm Trường Sơn, nô nức đồng bào Bru Vân Kiều đã không quản ngại đường xá lầy lội, chèo đèo lội suối ra trạm để có được cái ăn. Nhìn lũ trẻ Vân Kiều có đôi mắt xanh trong như nước dòng Đại Giang vào thu, mồm nhai trệu trạo những miếng mỳ tôm sống ngay tại trạm kiểm lâm Trường Sơn khi xe hàng vừa đổ xuống, khiến chúng tôi nhói lòng. Mấy ngày qua chúng em mệt với lũ lắm. Đất, núi lở xoá mất con đường rồi, đến củ mài, đọt măng cũng không còn để bẻ nữa. Cái đói làm chúng em không ngủ được, cũng không cầm được quyển sách nữa. Em nguyễn Văn Sơn, 10 tuổi, người Bru Vân Kiều, thuộc bản Ploang nói!

Còn chàng thanh niên Hồ Văn Trình, 25 tuổi, người Vân Kiều là xã đội trưởng cũng không giấu nổi vẻ mặt hốc hác vì mệt mỏi chống chọi với lũ những ngày qua cho biết: “Mấy ngày sống chung với lũ, chúng tôi bị cô lập hoàn toàn, phải dùng bằng lương thực tại chỗ. Khi hết lương thực, bà con cũng chỉ biết nấu cháo rau rừng ăn qua ngày, chờ nước rút mở lại đường xuống đồng bằng kiếm lương thực vậy!”

Ông Hồ Quang Bình – phó chủ tịch huyện Quảng Ninh cho biết: “Ngay trong ngay hôm nay và chậm nhất là ngày mai, chúng tôi sẽ cố gắng mở đường vào được tất cả các bản làng vùng sâu vùng xa nhất để cứu đói cho bà con. Không để người dân phải chịu thêm đói vì cô lập như hiện nay.”

Vui mừng nhận hàng cứu đói

Thiệt hại nặng nề nhất trong vòng 60 năm qua…

Trong trận lũ vừa rồi, Quảng Bình là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ông Phạm Văn Thương – Phó chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đến sáng 8/10, tại Quảng Bình đã có 38 người chết, 17 người bị thương và hàng nghìn người khác bị ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt. Hàng nghìn nóc nhà, hàng chục nghìn mét đường giao thông bị hư hại nghiêm trọng. Đến thời điểm này, vẫn còn 118 tàu thuyền/826 thuyền viên chưa liên lạc được, 6 tàu/30 thuyền viên trôi dạt trên biển đề nghị cứu nạn; hệ thống giao thông, thông tin liên lạc nhiều nơi bị cắt đứt, gián đoạn… tổng thiệt hại bước đầu lên đến 1.272 tỷ đồng.

Nhiều vùng nước lũ vẫn chưa rút hết

Ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Đây  đợt lũ gây thiệt hại nặng nề nhất trong vòng 60 năm, nhiều địa phương những năm trước đây chưa hề bị lụt nên khi xảy ra lũ lớn đã bị thiệt hại nghiêm trọng, lương thực của nhân dân đã bị cuốn trôi theo nước lũ, nhiều xã bị cô lập trong lũ thế nhưng công tác cứu trợ bão lụt được triển khai kịp thời đến tận tay đồng bào bão lụt. Số lượng các doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức cá nhân trong ngoài nước chung tay ủng hộ cho đồng bào bão lụt khoảng 8 tỷ đồng. Riêng tỉnh đã chủ động ngay những ngày đầu trích 20 tỷ đồng ngân sách địa phương mua lương thực lều bạt, 50 tấn mì tôm, 50.000 lít nước là hàng của chính phủ cứu trợ cho người dân vùng lũ. Trước hậu quả tổn thất nặng nề do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí cho nhiệm vụ cấp thiết trước mắt khắc phục hậu quả khoảng 400 tỷ đồng. Nước lũ đã rút ở hầu hết các địa phương bị ngập lụt, thế nhưng công tác khắc phục hậu quả lũ lụt của đồng bào gặp nhiều khó khăn, ít nhất phải mất một thời gian để ổn định đời sống sản xuất của nhân dân.”.

Hoàng Quyền

NỔI BẬT TRANG CHỦ