Cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp: Vì sao phải đóng ống thép bọc bên ngoài trụ bê tông?
(Tổ Quốc) - Trong một diễn biến mới nhất liên quan vụ việc, lực lượng cứu hộ đã tiến hành đóng 1 ống thép lớn bao quanh trụ bê tông để phục vụ công tác giải cứu bé trai.
Theo ghi nhận tại hiện trường, tới sáng sớm hôm nay (3/1), phần lớn lực lượng gián tiếp đã rời khỏi hiện trường, chỉ còn lại nhân viên cứu hộ và công an. Một ống thép lớn được cần cẩu di dời đến vị trí cọc bê tông. Bằng thiết bị đóng chuyên dụng, sau khoảng 1 tiếng đồng hồ cân chỉnh, ống thép này được ghim vào bùn, bao quanh trụ bê tông. Thời điểm này, bé trai đã kẹt trong trụ bê tông khoảng hơn 70 tiếng (từ trưa 31/12/2022).
Vậy vì sao phải đóng ống thép bao quanh trụ bê tông?
Một thành viên đội cứu hộ trao đổi với VNExpress cho hay, việc đóng ống thép được triển khai sau khi các phương án khoan sâu, làm mềm đất, nhổ cọc bê tông không khả thi. Ống thép này có đường kính 1,5 mét và được đóng sâu 19 mét xuống lòng đất. Đơn vị cứu hộ sau đó sẽ bơm nước vào 2 vách cho trôi hết bùn đất, giảm ma sát tác động rồi dùng cần cẩu kéo cọc bê tông lên.
Theo phương án này, khi cột bê tông được kéo lên, lực lượng cứu hộ sẽ dùng thiết bị dò tìm chuyên dụng để xác định vị trí bé trai mắc kẹt, sau đó cắt trụ bê tông để đưa nạn nhân ra ngoài.
Bao giờ đưa được cọc bê tông lên mặt đất?
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, hiện tại lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực cứu hộ theo phương án nói trên. Thời điểm 8h sáng, các mũi khoan guồng xoắn được sử dụng để làm tơi đất, giảm áp lực ma sát vào thành ống bê tông. Dự kiến tới chiều nay sẽ hoàn thành việc đưa cọc bê tông lên khỏi mặt đất.
Ngoài ra, thực hiện Công điện số 01/CĐ-TTg ngày 02/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có Công văn số 01/UBND-ĐTXD ngày 02/01/2023 đề nghị Uỷ ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ trưởng: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động – Thương binh và Xã hội huy động chuyên gia, hỗ trợ thiết bị quan sát trong lòng ống, thiết bị cứu hộ và chỉ đạo lực lượng có kinh nghiệm ứng phó sự cố để hỗ trợ địa phương trong thời gian sớm nhất.
Trước đó như đã thông tin, khoảng 11h30 trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bê tông rỗng bên trong, đường kính 25cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m. Một số người chứng kiến cho biết, sau khi rơi vào cọc bêtông, bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.