(Tổ Quốc) - Tại Hội thảo "Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 20 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương diễn ra chiều 24/1, đại diện các doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, nhà quản lý thống nhất sớm mở cửa du lịch quốc tế. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội thảo.
- 24.01.2022 Nhiều ý kiến đề nghị mở cửa đón khách du lịch quốc tế sớm hơn lộ trình
- 23.01.2022 TP.Hồ Chí Minh lên kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế năm 2022, mở rộng với đối tượng chưa tiêm vắc xin
- 05.01.2022 Điều chỉnh hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam
- 05.01.2022 Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine
- 04.01.2022 Điều chỉnh đối tượng tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Chuẩn bị điều kiện cần và đủ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ tháng 11/2021 đến nay, thực hiện thí điểm đón khách quốc tế tới Việt Nam, chúng ta đã đón gần 9.000 lượt khách du lịch. "Việc thí điểm đón khách quốc tế đạt hệ số an toàn rất cao, du khách đáp ứng được nhu cầu du lịch trong điều kiện an toàn với dịch bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam liên tiếp được các tổ chức trên thế giới bình chọn với hàng loạt danh hiệu về điểm đến hàng đầu khu vực và thế giới. Mặc dù, thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế chưa dài, lượng khách du lịch quốc tế đến chưa nhiều, tuy nhiên những kết quả quan trọng, tích cực bước đầu đó đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch "an toàn, thân thiện, hấp dẫn", cũng như khẳng định năng lực "thích ứng an toàn, linh hoạt" của ngành Du lịch Việt Nam" - Bộ trưởng cho biết.
Hiện nay, với tỉ lệ tiêm vắc xin cao và "mùa xuân tiêm chủng" đang ở phía trước, chúng ta cần phải xác định được thời điểm để trình Chính phủ cho phép, chuẩn bị các điều kiện đón khách thuận lợi và chắc chắn nhất. Đồng thời truyền đi thông điệp mở cửa với bạn bè quốc tế, mở cửa nhưng vẫn đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân….
Bộ trưởng đặt vấn đề: "Liệu chúng ta có thể đề xuất Chính phủ mở cửa vào dịp 30/4 năm nay được không?" Để trả lời câu hỏi này cần phải tiếp tục điều nghiên trên cơ sở khoa học, thực tiễn và đáp ứng được an toàn với dịch bệnh. Tuy nhiên, việc này không thể chờ đợi lâu và phải có bước đi, lộ trình phù hợp.
Nhằm góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, phát huy các kết quả tích cực đã đạt được trong giai đoạn thí điểm, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ VHTTDL đề xuất lộ trình và giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế cụ thể. Trong đó, từ nay đến 30/4/2022 sẽ tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2.
Từ ngày 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, đây là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì việc triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế. Từ nay đến thời điểm thực hiện là thời gian vừa đủ để các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau).
Tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31), việc công bố sớm thời điểm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19 tương đối cao.
Phải có bước đi, lộ trình phù hợp
Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, nếu không mở bây giờ chúng ta sẽ mất cơ hội ngàn năm. "Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, hội thảo, diễn đàn để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. Thứ hai không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành du lịch và hàng triệu lao động của các ngành liên quan? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao?", ông Trương Gia Bình nói.
Ông cho biết, như doanh nghiệp FPT của mình, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh. "Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng. Cơ sở hạ tầng du lịch như: khách sạn, nhà hàng, hàng không, vận chuyển… đổ tiền đầu tư giờ không có khách, doanh nghiệp khánh kiệt. Thật là vô lý nếu chúng ta không mở hoàn toàn du lịch. Nếu không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên đề xuất nên mở sớm hơn thời gian dự kiến vào dịp 30/4 mà nên mở từ 1/3, đồng thời kiến nghị thống nhất về quy trình đi lại, yêu cầu cách ly, xét nghiệm; bãi bỏ những quy định không phù hợp đối với các doanh nghiệp tham gia đón khách quốc tế và đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất. Bên cạnh đó, ông Kiên cũng cho rằng cần tiếp tục các chính sách miễn thị thực cho các thị trường như trước khi xảy ra dịch.
Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cho rằng chúng ta thực hiện giải pháp, lộ trình vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ rất hiệu quả. Giai đoạn thí điểm chúng ta thực hiện từng bước rất thận trọng, vừa kiểm soát dịch vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, khôi phục du lịch. Chúng tôi ủng hộ việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế sớm, tạo điều kiện tốt nhất để đón khách và phát triển trở lại kinh tế.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Đinh Việt Sơn ủng hộ việc mở cửa lại du lịch quốc tế và cho biết: Kế hoạch mở cửa du lịch quốc tế là 30/4, khớp với kế hoạch mở lại của ngành Hàng không. Chúng tôi đã xin ý kiến của Chính phủ cho phép căn cứ vào nhu cầu của từng thị trường để được chủ động mở cửa các đường bay quốc tế. Chúng tôi ủng hộ phương án mở cửa toàn bộ và đề nghị mở luôn từ 1/2".
Quan điểm mở cửa du lịch cũng được các chuyên gia y tế đồng tình, ủng hộ. TS.Bác sĩ Nguyễn Thu Anh- chuyên gia nghiên cứu độc lập cho biết, các giải pháp để chống dịch bệnh là: Đảm bảo cho người dân được tiêm vắc xin. Thế giới đã chuyển giãn cách rộng sang hẹp. Năng lực điều trị bệnh tốt. Đẩy mạnh truyền thông về việc người dân bị dương tính thì nên làm gì; Y tế tư nhân điều trị bệnh nhân Covid có thu phí.
"Các giải pháp trên không có giải pháp nào là đóng cửa du lịch. Vậy làm gì để du lịch có thể mở cửa? Có thể mở du lịch từ hôm nay nếu đảm bảo an toàn: (1) Khách du lịch được tiêm đầy đủ xắc xin; Có giấy xét nghiệm âm tính trước khi bay. (2) Các chuyến bay quốc tế không yêu cầu khách mặc bảo hộ màu xanh, chỉ cần đeo khẩu trang. Khi khách quốc tế vào Việt Nam thì hãy ứng xử như khách nội địa, không cách ly. Nhưng cần thông báo nếu họ có triệu chứng thì nên báo cáo để xử lý. (3) Cho y tế tư nhân tham gia điều trị có thu phí; Ưu tiên điều trị ở nơi thông thoáng. Ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4 và không thí điểm nữa mà mở luôn. Chúng ta thích nghi an toàn chứ không nên theo đuổi chiến dịch zero Covid-19. Tăng khả năng chống dịch, chứ không phải là chăng dây khắp mọi nơi"- TS.Bác sĩ Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ: "Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. Bộ Y tế sẽ rà soát để cập nhật thường xuyên hướng dẫn phù hợp nhất với xu thế, từng bước một mở cửa".
Ghi nhận và bày tỏ trân trọng các ý kiến tại Hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ tổng hợp để báo cáo và đề xuất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: một là cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế. Hai là thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết; từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ. Ba là có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan ban ngành cùng góp tiếng nói để Thủ tướng có quyết định trong phiên họp Chính phủ sắp tới, hướng tới sự phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam, ngành du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn./.