(Tổ Quốc) - Không chờ đến khi sân khấu Nhà hát Lớn chính thức sáng đèn với “Mùa đông xứ Huế”, những âm hưởng, giai điệu thiết tha, mộng mơ đậm tình Huế đã được các nghệ sĩ, nhạc công… tham gia chương trình đến từ ba miền sớm mang đến Thủ đô qua những buổi tập luyện, khớp nối công phu trong những ngày đông Hà Nội...
- 05.12.2016 Ca sĩ Anh Thơ: Không nhất thiết phải nói giọng Huế thì hát về Huế mới hay
- 05.12.2016 Nặng lòng với cố đô qua “Mùa đông xứ Huế”
- 06.12.2016 Thưởng thức ẩm thực đúng chất Huế tại thủ đô
- 07.12.2016 Vé chương trình “Mùa đông xứ Huế” được bán 6 triệu đồng/cặp
- 09.12.2016 Các “Sao Mai” hào hứng với “Mùa đông xứ Huế”
Dàn nhạc tập luyện tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (chiều 10.12) |
Nhờ mùa đông Huế “nói giùm”
Nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế, Tổng đạo diễn chương trình cùng nhiều nghệ sĩ đã triển khai các công đoạn tập luyện, khớp nối từ trước khi chương trình chính thức diễn ra một tuần. “Ngày 7.12 chương trình đã bắt đầu tập luyện. Đây sẽ là chương trình nghệ thuật đậm chất Huế nhất từ trước đến nay được tổ chức ở Hà Nội, gửi gắm đầy đủ nhất những cung bậc cảm xúc của một xứ sở với nét văn hóa thâm trầm, giàu hoài niệm đến với khán giả Thủ đô vì thế việc tập luyện, khớp nối nghệ sĩ đến từ 3 miền là vô cùng quan trọng”, nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức chia sẻ.
Bận rộn với nhiều chương trình biểu diễn nhưng với ca sĩ Quang Linh, hát về Huế luôn có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt và “Mùa đông xứ Huế” cũng được xem như một dấu ấn đẹp đối với anh. Bay ra Hà Nội từ 2 giờ sáng hôm qua (ngày 11.12), hơn 9 giờ sáng Quang Linh đã có mặt tại Nhà hát Âu Cơ để chuẩn bị tập luyện và khớp nhạc, mặc dù theo lịch thì giờ tập của anh chỉ bắt đầu từ 17h30. Huế dịu dàng, da diết và nhớ thương, những xúc cảm ấy đã được chính người con của dải đất miền Trung thể hiện ngọt ngào qua ba bản tình khúc thật đẹp về Huế: Thương về miền Trung, Mưa trên phố Huế và Tôn nữ còn buồn.
Cũng trong buổi tập hôm qua, giọng ca trẻ Bạch Trà mượt mà “Tìm em trong nét Huế”, da diết bồng bềnh trong “Nhớ Huế”, Tịnh Uyên “Với Huế”, Hợp xướng “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”… Các nghệ sĩ với những tình khúc ngọt ngào đang cùng với “Mùa đông xứ Huế” dần hoàn thiện “chân dung” với những khắc khoải thăng trầm, với biết bao hoài niệm, lãng mạn và ưu tư.
Lần đầu tiên có cơ hội đứng trên sân khấu Nhà hát Lớn để cất lên những giai điệu trữ tình về Huế, nữ ca sĩ từng lọt vào chung kết cuộc thi Sao Mai năm 2015 Bạch Trà tâm sự, cùng với “Nhớ Huế” và Hợp xướng “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Tìm em trong nét Huế” là ca khúc sẽ được Bạch Trà hát trong “Mùa đông xứ Huế”. Đây cũng là chủ đề của bộ đôi CD-DVD đầu tay của nữ ca sĩ với những ca khúc hát về Huế vừa ra mắt tháng 10. 2016. Mặc dù đã “đóng đinh” tên tuổi với “Tìm em trong nét Huế” nhưng Bạch Trà vẫn có mặt đầy đủ trong cả bốn buổi tập để hát lại ca khúc này, bởi “hát về Huế bao nhiêu cũng chưa đủ. Lần nào cất lên những giai điệu ấy, cảm xúc cũng vẫn như khi mới hát lần đầu”.
Chia sẻ cảm giác vui và ấm áp khi được hát về mùa đông xứ Huế ngay trong cái lạnh của mùa đông Hà Nội, NSƯT Phong Thủy không giấu sự náo nức, mong chờ được hát dưới ánh đèn sân khấu Nhà hát Lớn. Cùng với 4 NSƯT khác của Huế (Hoàng Hằng, Mai Lê, Thu Hằng, Thu Hiền), NSƯT Phong Thủy sẽ tham gia tiết mục mở màn “Nón bài thơ xứ Huế”, gồm các làn điệu dân ca Huế Hò mái nhì, Mái sắp, Quỳnh tương, Lý con sáo. Bên cạnh đó, Phong Thủy cũng sẽ đơn ca ca khúc trữ tình “Huế bây chừ”. Chị chia sẻ: “Huế mùa đông da diết và không giống với bất cứ một mùa đông nào khác, những cơn mưa triền miên dai dẳng nhưng chính là nỗi nhớ không thể nguôi ngoai của những ai đã một lần đi trong mưa Huế. Mùa đông rất riêng ấy sẽ “nói giùm” xứ Huế những cung bậc tình cảm lắng đọng, tha thiết được gửi gắm đến công chúng Thủ đô trong chuỗi chương trình này…”.
Ca sĩ Quang Linh |
Nghệ sĩ Hoàng Anh sáo trúc; Thanh Tùng, saxophone song tấu “Ngược dòng Hương Giang” |
NSND Phạm Ngọc Khôi đang tập với dàn hợp xướng |
Nét Huế trong từng hơi thở
NSƯT Phong Thủy cũng chia sẻ, hát về Huế có rất nhiều ca sĩ nhưng có lẽ những người con của Huế, sống trên đất Huế và ngấm trong từng hơi thở những thăng trầm của vùng đất sẽ thể hiện cái hồn da diết đó một cách sâu lắng nhất. “Từng nghệ sĩ của Huế sẽ hát trong chương trình bằng cả tâm can và vì thế, chúng tôi cũng mong mỏi cái tình của Huế sẽ được công chúng Thủ đô “ôm trọn vào lòng”, sẻ chia và lắng nghe bằng cả trái tim…”, Phong Thủy tâm sự.
Mong muốn mang đến sân khấu Nhà hát Lớn một chương trình nghệ thuật thực sự ấn tượng không chỉ là cảm xúc của những nghệ sĩ trực tiếp đứng trên sân khấu. NSND Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Cung đình Huế từ nhiều ngày nay cũng đã ăn, ngủ cùng “Mùa đông xứ Huế”. Chăm chút, chỉnh sửa từng chi tiết, sự kỹ lưỡng là yếu tố không thể bỏ qua bởi theo NSND Bạch Hạc, muốn có một mùa đông đúng nhất của Huế trên sân khấu Thủ đô là điều không đơn giản. Âm nhạc, ca từ, biểu cảm của ca sĩ và hòa âm, phối khí, kỹ thuật của dàn nhạc… vẫn chưa đủ. Huế tinh tế, nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ hiện diện qua từng chi tiết nhỏ nhất trên sân khấu. “Điều đó khiến anh chị em nghệ sĩ đến từ Huế thực sự háo hức và cũng nhiều lo lắng. Bản thân tôi đã lắng nghe rất kỹ từng ca từ, giai điệu để cùng với ê kíp biên đạo, dàn dựng các động tác múa phù hợp, sao cho có được sự hài hòa, nhuần nhuyễn trong dòng chảy âm nhạc Huế từ truyền thống đến đương đại…”, NSND Bạch Hạc bộc bạch.
Có mặt cùng các ca sĩ, nghệ sĩ múa của Huế trong các buổi tập luyện, NSND Bạch Hạc cho biết thêm, trang phục, đạo cụ để dàn dựng từng tiết mục trong chương trình cũng rất quan trọng. Bên cạnh những đạo cụ mang đặc trưng của Huế như nón bài thơ, áo dài, sắc tím… thì góp phần thể hiện cho ra chất Huế còn có sự tham gia của các đạo cụ âm nhạc. Chẳng hạn như phách tiền, một trong những bộ gõ của Nhã nhạc Cung đình Huế hay đàn tranh, đạo cụ được sử dụng phụ họa cho thơ Huế.
“Với đặc trưng tinh tế của âm nhạc Huế thì đòi hỏi từng chi tiết đều phải nghiên cứu để tạo sự hòa quyện, không thể tùy tiện sử dụng những đạo cụ không phù hợp. Chẳng hạn để đưa đến công chúng một cảm nhận rõ nét nhất về mưa Huế thì trên sân khấu không chỉ có các ca khúc hát về mưa mà còn cần đến nhiều yếu tố phụ trợ như các hình ảnh minh họa ở màn hình LED, hay đạo cụ là những chiếc dù che, tinh tế hơn nữa là cách biên đạo múa tạo hình thông qua các động tác diễn tả hình ảnh các cặp tình nhân đi trong mưa Huế, với đôi bàn tay của người con trai dịu dàng che mưa cho người con gái…”, NSND Bạch Hạc chia sẻ.
Thu Trang; ảnh: Trần Huấn
Báo Văn hóa