• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đa dạng các hoạt động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại nhiều địa phương

Pháp luật 21/10/2023 17:04

(Tổ Quốc) - Từ nhiều năm, qua thực tế đã chứng minh tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một hủ tục lạc hậu khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự tiến bộ xã hội và sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Do đó cần phải chung tay phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Pháp luật nghiêm cấm hôn nhân cận huyết

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (tuổi kết hôn theo quy định pháp luật: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).

Hôn nhân cận huyết thống là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời (những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba).

Tảo hôn để lại hậu quả rất nguy hiểm. Trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy cơ tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thiểu năng trí tuệ, tăng tỉ lệ tử vong của cả mẹ và con, dễ bị khuyết tật... tạo ra gánh nặng cho xã hội. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo, nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình; nhiều cặp vợ chồng phải chia tay sớm nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Tảo hôn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số.

Đa dạng các hoạt động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại nhiều địa phương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Hôn nhân cận huyết thống gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, hôn nhân cận huyết thống là trái với quy định của pháp luật. Do đó, các cặp hôn nhân không được pháp luật thừa nhận luôn có tâm lý mặc cảm, thiếu tự tin trong cuộc sống. Đứa trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down (đao), bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ,… Những đứa trẻ này gây tăng chi phí xã hội cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền. Hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống.

Để giải quyết tình trạng tảo hôn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành luật và chính sách, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em... và Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn 2015-2025.

Đa dạng các hoạt động phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Qua 5 năm (2015-2020) triển khai thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số bước đầu thu được một số kết quả khá khả quan.

Tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số có xu hướng giảm dần. Cụ thể kết quả Điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm 2014 (26,6%), tương ứng với mức giảm trung bình khoảng xấp xỉ 1 điểm phần trăm/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với mục tiêu của Đề án 498 là giảm 2 đến 3 điểm phần trăm/ năm thì kết quả thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 chưa đạt.

Tình trạng hôn nhân cận huyết thống, đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014 (năm 2014 là 26,6%, năm 2018 là 21,9%; bình quân mỗi năm giảm 0,94%/năm). Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS là 0,56%, so với tỉ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2014 là 0,65% đã giảm 0,1% (bình quân mỗi năm giảm 0,02%/năm).

Tuy nhiên, ở cấp độ cộng đồng, các chuẩn mực truyền thống và phong tục vẫn cho phép nữ giới dưới 18 tuổi kết hôn nếu có sự đồng ý của cha mẹ và đây được coi là một yếu tố liên quan tới văn hóa địa phương. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân được coi là giải pháp giải quyết tận gốc tình trạng tảo hôn.

Bên cạnh việc phối hợp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại địa phương; Phát tặng sổ tay về phòng, chống hôn nhân cận huyết, tảo hôn; Tăng cường xét xử lưu động các vụ liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân... thì tại nhiều địa phương đã có nhiều cách làm khá linh hoạt để phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong thời gian qua.

Chẳng hạn ở địa phương sẽ lồng ghép các buổi sinh hoạt, nói chuyện tìm hiểu về pháp luật cũng như những hậu quả, hệ lụy về tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại các vùng dân tộc thiểu số. Thậm chí một số địa phương còn có các câu lạc bộ (CLB) phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. thành viên CLB được tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; về sức khỏe sinh sản, tình yêu và giới tính... Qua đó, giúp nữ thanh niên rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với gia đình, bạn bè và những người xung quanh; cách thức tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của tệ nạn xã hội...

Đa dạng các hoạt động phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại nhiều địa phương - Ảnh 2.

Tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết luôn được lồng ghép cho học sinh tại các trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số (ảnh minh họa)

Tại nhiều địa phương, đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình điểm. Nhiều địa phương đã thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, số liệu về tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống làm căn cứ để đề xuất các mô hình điểm. Từ đó, đã đề xuất một số mô hình điểm như: “Tổ phụ nữ không có con tảo hôn”, “Câu lạc bộ tiền hôn nhân”; “Câu lạc bộ nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, v.v . Thành lập các tổ tư vấn, can thiệp với thành viên là cán bộ thôn với sự hỗ trợ của cán bộ tỉnh, huyện, xã với nhiệm vụ tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho các hộ gia đình trong thôn thường xuyên, hoặc khi có phát sinh các trường hợp có thể dẫn tới tảo hôn và hôn nhân cận huyết (bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc tại chỗ). Tổ chức nhiều cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm. Tổ chức ký cam kết không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm... Các mô hình điểm địa phương đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, từ đó có sự thay đổi trong hành vi góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Một trong những hình thức tuyên truyền, phòng, chống về tảo hôn và hôn nhân cận huyết là những phiên tòa giả định diễn ra tại một số địa phương với cách truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ linh hoạt. Tại đây, những tình huống thường gặp hoặc éo le, những câu chuyện về tảo hôn, hôn nhân cận huyết được đưa ra mổ xẻ, phân tích. Phiên tòa giả định cũng cho thấy hậu quả, tác hại như thế nào đến với người trong cuộc cũng như thế hệ sau được diễn giải một cách sinh động, thấu tình đạt lý. Qua đó người tham gia phiên tòa giả định cũng như người tham dự phiên tòa hiểu thêm về pháp luật liên quan, từ đó có suy nghĩ đúng và hành động đúng.

Để phòng chống tảo hôn, hôn nhận cận huyết, nhiều địa phương cũng tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh dưới hình thức sân khấu hóa. Thông qua cuộc thi sẽ cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới… về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn, cơ hội học tập, nâng cao kỹ năng sống, mở rộng kiến thức về hôn nhân và gia đình, về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…


Hạ Yên

NỔI BẬT TRANG CHỦ