• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế: Hướng đi mới cho các khu di sản

21/05/2018 13:00

(Cinet) - Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế vừa là cách gắn kết giữa di sản với môi trường giáo dục, vừa là cách để hấp dẫn, tăng lượng khách đến với các khu di sản văn hóa mà Văn Miếu – Quốc Tử giám và Hoàng Thành Thăng Long, hay Quần thể di tích Cố đô Huế là những ví dụ sinh động.

(Cinet) - Đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thực tế vừa là cách gắn kết giữa di sản với môi trường giáo dục, vừa là cách để hấp dẫn, tăng lượng khách đến với các khu di sản văn hóa mà Văn Miếu – Quốc Tử giám và Hoàng Thành Thăng Long, hay Quần thể di tích Cố đô Huế là những ví dụ sinh động.

Công nghệ phát triển, cùng sự phát triển của xã hội, việc tham quan một cách thụ động dường như không còn phù hợp và thiếu lôi cuốn khách tham quan. Đổi mới là “sống còn” với các điểm đến nói chung, trong đó có các điểm đến văn hóa. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để đưa khách tham quan trở thành trung tâm trong mọi chuyến tham quan. Làm thế nào để hấp dẫn được du khách? Đối với các điểm đến chứa đựng các giá trị văn hóa, nghệ thuật, các di sản văn hóa thì điều đầu tiên có lẽ là phải làm mới những giá trị cũ để khiến cho chuyến tham quan trở thành một hành trình khám phá thực sự.

Chương trình trải nghiệm thực tế ảo VR – Đi tìm Hoàng Cung đã mất”. Nguồn" TTBTDT Cố đô Huế

Áp dụng công nghệ vào công tác giới thiệu, thuyết minh

Cùng với việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, việc áp dụng công nghệ vào công tác giới thiệu, thuyết minh từng bước tạo dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch tại các khu di sản.

Mới đây, vào cuối tháng 4/2018, với mong muốn cung cấp dịch vụ giải trí công nghệ cao nhằm thu hút và hấp dẫn du khách đến với Hoàng Cung Huế, đồng thời đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan tại khu di sản Huế trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cho ra mắt chương trình trải nghiệm thực tế ảo VR – Đi tìm Hoàng Cung đã mất”.

Du khách sẽ được trải nghiệm góc nhìn mô phỏng thực tế ảo về Hoàng cung Huế thông qua phim kỹ thuật số và thiết bị công nghệ thực tế ảo qua: VR Phi Thuyền (Simulator) - Khám phá vẻ đẹp uy nghiêm đầy tráng lệ của Hoàng cung Huế bằng mô hình phi thuyền VR từ trên cao du khách có thể nhìn thấy mọi ngõ ngách của Hoàng cung; VR Hải đăng (Beacon) – Trải nghiệm ảo giác hết sức bí ẩn và đầy bất ngờ bằng cách lắp đặt những cột hải đăng tín hiệu ở những công trình đã mất, thông qua thiết bị VR giúp du khách nắm được những thông tin đơn giản và nhìn thấy những công trình trong quá khứ; VR Kính Viễn Vọng (Telescope) - Toàn cảnh Hoàng thành Huế xưa mở rộng trước tầm mắt, cảm nhận từng hơi thở của không gian xưa; VR Máy chạy bộ (Treadmills) - Du khách tự do đi lại trải nghiệm khắp Hoàng cung thông qua không gian ảo máy chạy bộ tại chỗ…

“Đi tìm Hoàng Cung đã mất” đã tạo thêm một điểm nhấn độc đáo trong hành trình tham quan di sản miền Trung ở Việt Nam khi vừa đáp ứng hoạt động cung cấp thông tin cho du khách khi tham quan Đại Nội Huế và trải nghiệm dịch vụ giải trí sử dụng công nghệ thực tế ảo VR.

Ứng dụng trên điện thoại di động thuyết minh hướng dẫn tham quan tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long

Ông Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội nhận định vấn đề diễn giải di sản là vấn đề vô cùng quan trọng. Do đó, với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến khách tham quan, đầu năm 2018 Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cũng đã triển khai xây dựng ứng dụng trên điện thoại di động thuyết minh hướng dẫn tham quan tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây thực sự là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách tham quan đến với khu di tích; đồng thời phù hợp với xu thế của thời đại công nghệ số.

Áp dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá di tích, đầu năm 2018, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào phục vụ du khách hệ thống thuyết minh tự động (autoguide) gồm 12 thứ tiếng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Đa dạng các loại hình trải nghiệm di sản gắn với du khách nhí

Các “du khách nhí” là một trong những “khách hàng tiềm năng” của các điểm đến văn hóa. Bởi không đơn thuần chỉ là việc giới thiệu các giá trị văn hóa, giá trị di sản của dân tộc tới thế hệ trẻ, việc đưa các em tới với các giá trị văn hóa, các khu di sản cũng là cách nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc, với cội nguồn. Nhưng làm thế nào để các lý thuyết khô cứng đó hấp dẫn với các em học sinh? Điều đó quả thực là vấn đề không đơn giản. Một lần nữa việc “làm mới những giá trị cũ” lại được đặt ra. Việc đa dạng hóa, phong phú hóa nội dung các hình thức trải nghiệm là yếu tố tiên quyết để hấp dẫn các du khách đặc biệt này.

"Du khách nhí" tham gia hoạt động “Em làm nhà khảo cổ”. Nguồn: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội

Từ nhiều năm nay, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã hướng sự quan tâm của mình vào các du khách nhí và chú trọng công tác giáo dục di sản cho thế hệ trẻ. Ông Trần Việt Anh – Giám đốcTrung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đặt ra mục tiêu giáo dục gắn với di sản. “Bằng khoa học và các hình thức chúng tôi gắn di sản thật dễ hiểu đưa vào giáo dục”, ông Việt Anh cho biết. Chuỗi hoạt động “Em làm nhà khảo cổ”, Tết Việt 2018… là một trong những chương trình như vậy.  

Thông qua các hoạt động trải nghiệm, các em được học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, từ đó góp phần rèn luyện các kỹ năng quan sát, sưu tầm, thuyết trình, làm việc nhóm…

Nắm bắt xu hướng chung, năm 2018, lần đầu tiên Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa hè cho thanh thiếu niên Hà Nội và các vùng phụ cận với chủ đề “Sĩ tử nhí-Chắp cánh ước mơ” với các hoạt động vô cùng hấp dẫn.

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám giới thiệu về chương trình "Chắp cánh ước mơ - Sĩ tử nhí"

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám chia sẻ: “Các hoạt động diễn ra trong 3 tháng hè (từ 01/6/2018 -20/8/2018) nhằm mục đích tạo sân chơi cho trẻ em, đồng thời giáo dục trẻ em biết trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và hoàn thiện nhân cách, kỹ năng sống”.

Sự khác biệt lớn nhất của các sự kiện trong chuỗi hoạt động hè tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám là sự tương tác và trải nghiệm với các nghệ nhân, nghệ sĩ. Ở tất cả các hoạt động, “du khách nhí” sẽ được những nghệ nhân giới thiệu về tinh hoa nghề, hướng dẫn và đồng hành để thực hiện quy trình làm ra sản phẩm. “Ở mỗi tuần sẽ có 1 chủ đề riêng gồm các hoạt động trình diễn, chợ phiên, talkshow, trò chơi dân gian nhằm rèn kỹ năng sống và giúp các em hoàn thiện nhân cách”, ông Kiêu cho hay. Các chủ đề chính trong chuỗi chương trình gồm: Trại hè sáng tác tranh, làm giấy dó, luyện viết chữ đẹp và thư pháp, làm diều và thả diều, thi nấu ăn, làm gốm và nhiều hoạt động giải trí khác…

Xã hội càng phát triển, con người càng được đặt ở vị trí trung tâm. Dù là giáo dục di sản, hay du lịch muốn thành công cũng đều phải xác định đâu là đối tượng, là chủ thể mà hoạt động hướng tới. Trong bối cảnh hiện nay việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm thật hấp dẫn, không trùng lắp, có tính tương tác cao với đầy đủ dụng cụ, mô hình để học sinh, để du khách luôn tìm thấy sự hứng khởi, sự mới mẻ là xu hướng chung để các khu di sản, khu di tích tiếp tục phát triển./.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ