• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đã đến lúc các doanh nghiệp “nhập cuộc” trở lại

Kinh tế 13/10/2021 08:00

(Tổ Quốc) - Các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng vừa đồng loạt kiến nghị hoạt động trở lại. Đây là nhu cầu thực tế, rất cần thiết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang cố gắng cầm cự và rất nhiều doanh nghiệp khác đã dừng hoạt động.

Đến nay, công tác kiểm soát dịch COVID-19 tại nhiều địa phương hiện đã có những tín hiệu tích cực nên cộng đồng doanh nghiệp ở khu vực "vùng xanh" rất mong muốn bước vào quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, 3 tháng cuối năm được xem là cơ hội cuối cùng để doanh nghiệp có thể giữ khách hàng và thị trường, bù đắp phần nào thiệt hại trong thời gian giãn cách xã hội.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM cho rằng, quan điểm hiện nay là không thể tiếp tục giãn cách mãi mà phải chấp nhận sống chung, thích nghi với Covid-19. Vì thế, việc khôi phục sản xuất kinh doanh là tất yếu. Điều kiện để khôi phục kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp là phủ trên 90% mũi 1 vắc-xin, phải có thuốc hỗ trợ điều trị và người dân tiếp cận được, tuân thủ nguyên tắc 5K và bảo đảm năng lực điều trị của hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế…

"Một điều quan trọng khác mà các doanh nghiệp cần lúc này là chính sách, lộ trình về phục hồi, mở cửa trở lại để có sự chuẩn bị vì nếu mở ra xong mà đóng trở lại sẽ tạo ra tác động vô cùng" - PGS Trần Hoàng Ngân chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến "Những giải pháp kinh doanh trong mùa dịch" tổ chức ngày 21/9.

Đã đến lúc các doanh nghiệp “nhập cuộc” trở lại - Ảnh 1.

Ảnh: Nam Nguyễn

Cần khẳng định rằng, khi dịch được kiểm soát sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp. Ví như trong 4 tháng giãn cách ở thành phố TP. HCM vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp chỉ lấy hàng tồn kho ra bán, cung cấp cho thị trường do sản xuất bị ngưng trệ vì dịch. Vì vậy, giờ là lúc các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng các kịch bản để trở lại thị trường.

Trong "cơn bão" đại dịch Covid-19, một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất chính là vận tải hàng không. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu vận tải hàng không năm 2020 đã sụt giảm tới 34,5 - 65,9%, khiến doanh thu các doanh nghiệp hàng không giảm 61% so năm 2019. Bước sang năm 2021, đợt dịch Covid-19 lần thứ ba 3 bùng phát trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu khiến doanh thu ngành hàng không giảm 80% so cùng kỳ năm 2020. Đợt dịch lần thứ 4 tiếp tục càn quét khiến các doanh nghiệp hàng không vốn đã khó khăn, nay hoàn toàn rơi vào tình cảnh hết sức lao đao.

Tính riêng trong giai đoạn từ ngày 19-6 đến 18-7, số chuyến thực hiện bay của Vietnam Airlines giảm tới hơn 82%, của Vietjet giảm 91,9% và của Jetstar Pacific cũng giảm 97,6% so cùng kỳ năm trước,…

Chính vì vậy, ngay từ khi có chủ trương nới lỏng giãn cách, Cục Hàng không Việt Nam đã bắt tay xây dựng dự thảo Kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng kiểm soát dịch Covid-19 nhằm mục tiêu duy trì hoạt động vận chuyển hàng không nội địa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế cho các địa phương.

Dù vậy, trước mắt, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, với các doanh nghiệp phía Bắc và miền Trung còn kiên trì bám trụ để duy trì sản xuất, việc mở cửa trở lại sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, lưu thông, xuất khẩu hàng hóa. Nhưng với hàng loạt nhà máy ở phía Nam hiện đang đóng cửa, để hoạt động sản xuất khôi phục phải mất ít nhất vài tháng.

Đáng lo hơn, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động, các vấn đề liên quan đến đơn hàng bị chuyển sang các nước thứ ba như Ấn Độ, Bangladesh,… Đây là bài toán song song, cần giải quyết triệt để. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có đủ thông tin về kế hoạch, chính sách của các cấp quản lý một cách cụ thể và kịp thời, cũng như cơ sở dữ liệu về nguồn lao động mới có thể chuẩn bị các điều kiện để có thể "nhập cuộc" trở lại.

Để giúp tháo gỡ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) Mạc Quốc Anh kiến nghị, cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp như kéo dài các chính sách miễn, giảm, giãn hoãn thuế, lãi suất,… đến cuối 2022, giúp doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục.

Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay là không ít khách hàng, nhà đầu tư nước ngoài đã có sự "tính toán lại" đối với thị trường Việt Nam do vừa qua, một phần chuỗi cung ứng của doanh nghiệp đã đứt gãy, nhiều đơn hàng bị chậm và không đúng hẹn. Do đó, cần có ngay những chính sách, giải pháp mạnh, nhanh chóng hàn gắn lại mối liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các kênh liên lạc, tham vấn, đối thoại thực chất, hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với các Tổ công tác, với lãnh đạo các bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Thời gian này, trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất quan tâm và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện bằng hàng loạt các cuộc hội nghị, đối thoại, gặp mặt. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã được ban hành kịp thời và phần nào chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đang phải đối mặt.

Tại buổi gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) diễn ra sáng 12/10 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương chủ động có kế hoạch phục hồi kinh tế trong tình hình mới. Chủ động, tích cực cùng với doanh nghiệp thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

"Trong trung hạn và dài hạn, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo ra những yếu tố nền tảng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững", Thủ tướng khẳng định.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ