• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đã đến lúc khiến các thành phố trở nên 'nông thôn hơn'

Công nghệ 14/09/2022 22:46

(Tổ Quốc) - Nếu bạn đang muốn tìm một mảnh đất để trồng cây giữa đô thị, đừng nhìn xung quanh, hãy nhìn lên trên.

Jennifer Bousselot đã có một vụ thu hoạch bội thu mùa hè này. Trên mảnh đất rộng 53 mét vuông, cô đã thu hoạch được hơn 90 kg các loại dưa chuột, ớt, cà chua và húng quế, cùng các loại rau khác. Và vụ mùa này vẫn chưa kết thúc.

Nhưng trái ngược với thành công vang dội này, Bousselot lại không phải là nông dân. Cô là một người nghiên cứu về làm vườn tại Đại học Bang Colorado ở thành phố Denver, và mảnh đất đó cũng không thực sự nằm ở dưới đất. Khu vườn nằm trên đỉnh một tòa nhà, được quy hoạch và bố trí với mục đích phục vụ cho nghiên cứu của Bousselot trong lĩnh vực mới mang tên: Làm nông nghiệp trên sân thượng.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, khi ngày càng có nhiều người đổ về các đô thị - với dân số đô thị được dự đoán sẽ tăng gấp đôi trong ba thập kỷ tới - các nhà khoa học như Bousselot đang nghiên cứu cách để các nhà thiết kế và quy hoạch hạ tầng có thể đô thị hóa các thành phố, phủ xanh mái nhà và các khu đất trống. Khái niệm này được họ gọi là "tân trang hóa", và nó có thể mang lại nhiều lợi ích khác nhau từ làm đẹp các tòa nhà cho đến sản xuất thực phẩm tại địa phương. Và bản chất của nó cũng không trái ngược với quá trình “đô thị hóa nông thôn” đang được thiết lập tại nhiều quốc gia.

“Bạn không cần phải thiết lập điều này theo kiểu tách biệt giữa thành thị và nông thôn”, Bousselot nói. "Những gì chúng ta nên tập trung vào là khả năng phục hồi tổng thể."

Đã đến lúc khiến các thành phố trở nên 'nông thôn hơn' - Ảnh 1.

Jennifer và khu vườn của mình.

Một số nghiên cứu gần đây đã bắt đầu cung cấp dữ liệu về việc làm nông nghiệp ở đô thị thực sự sẽ hoạt động nếu chúng ta có một kế hoạch cẩn thận. Một báo cáo đánh giá được công bố vào tháng trước bởi các nhà nghiên cứu làm việc trong dự án mang tên Rurban Revolution đã khảo sát các nghiên cứu trước đó và xác định rằng trung bình năng suất làm nông nghiệp tại đô thị (bao gồm cả hoạt động trồng trọt ngoài trời và trong nhà) ngang bằng hoặc cao hơn năng suất của các trang trại điển hình. Nhưng một số loại cây trồng như mướp, các loại củ và dưa chuột, cho năng suất cao hơn gấp 4 lần khi được trồng ở thành phố. Một nhóm các nhà khoa học ở Úc đã xem xét 13 trang trại cộng đồng trong đô thị suốt một năm và nhận thấy năng suất của chúng cao gấp đôi so với các trang trại trồng rau thương mại thông thường.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là năng suất này một phần đến từ quá trình lao động thâm canh của con người. Trong một trang trại thương mại, các loại cây trồng thường được trồng từng cây một và được chăm sóc bằng các thiết bị chuyên dụng. Vì thế, bạn không thể trồng lúa mì và cà rốt trên cùng một cánh đồng vì chúng được thu hoạch theo những cách hoàn toàn khác nhau. Các loại cây trồng cũng phải được bố trí cách xa nhau để nhường chỗ cho thiết bị vận hành, khiến diện tích đất giảm và ảnh hưởng tới sản lượng lương thực.

Ngược lại, một trang trại ở đô thị có thể trồng tất cả các loại cây trồng gần nhau bởi vì chúng được thu hoạch bằng tay. Đó là một phần lý do tại sao khu vườn nhỏ trên sân thượng của Bousselot lại rất năng suất. Sự đa dạng cây trồng cũng có nghĩa là bạn có thể thu hoạch các loại cây khác nhau vào các thời điểm khác nhau - ví dụ cà chua vào tháng 8, còn bí ngô vào tháng 10 - để nguồn cung cấp thực phẩm được phong phú hơn. Mặc dù Bousselot đã thu hoạch được hơn 90 kg thực phẩm, cô vẫn còn hai tháng mới kết thúc vụ mùa.

Đã đến lúc khiến các thành phố trở nên 'nông thôn hơn' - Ảnh 2.

Trồng rau trên mái nhà? Tại sao không?

Và trồng cây trong đô thị đòi hỏi sức lao động của con người thay vì máy móc. Vì vậy, trong khi canh tác đô thị có thể có năng suất cao hơn so với nông nghiệp truyền thống, nhưng nó không nhất thiết luôn phải hiệu quả.

“Nhưng sự kém hiệu quả đó có thể dễ dàng thay đổi”, Robert McDougall, một nhà khoa học nông nghiệp tại công ty nghiên cứu độc lập Cesar Australia, người đứng đầu cuộc nghiên cứu ở Úc, cho biết. “Những người tôi nghiên cứu là những người làm nông nghiệp đô thị chủ yếu vì mục đích giải trí, và vì vậy họ không thực sự quan tâm đến việc làm việc sao cho hiệu quả nhất có thể. Và họ cũng không nhất thiết sử dụng những nguồn nguyên liệu hiệu quả nhất."

Lấy nước làm ví dụ. Các thành phố hiện được thiết kế để không thấm nước mưa, giúp nhanh chóng thoát nước khỏi đường phố để giữ cho các con đường và các tòa nhà không bị ngập lụt. Nhưng một số khu vực đô thị hiện đang chuyển đổi thành dạng “thành phố bọt biển”, tức là được thiết kế để thấm nước mưa một cách an toàn và cất giữ nước để sử dụng sau này. Ví dụ, ở Los Angeles, các quan chức chính quyền đang thử nghiệm tạo ra các không gian xanh ven đường, nơi nước có thể thấm xuống lòng đất và chảy vào các bể chứa. Các “thành phố tân trang” trong tương lai có thể khai thác nguồn nước đó để trồng thực phẩm, và bản thân các khu vườn có thể hoạt động như một miếng bọt biển, thu thập nước mưa để ngăn tình trạng lũ lụt cục bộ.

Các chương trình ủ phân hữu cơ cũng có thể cung cấp lớp phủ cho nông dân ở thành thị để họ không phải phụ thuộc vào phân bón tổng hợp, một thứ vốn gây hại nhiều cho môi trường.

Nhà khoa học McDougall cũng đã phát hiện ra rằng các trang trại đô thị thu hút một loạt các loài thụ phấn như ong. Những loài côn trùng này, cùng với các loài thụ phấn khác như chim, có thể giúp tăng cường đa dạng sinh học.

Các thành phố cũng cần nhiều hơn các không gian xanh để chống lại “hiệu ứng đảo nhiệt đô thị”. Nhiệt độ ở các khu vực thành thị có thể nóng hơn 6 độ C so với các khu vực nông thôn xung quanh, nơi có thảm thực vật phong phú giúp giải phóng hơi nước để làm mát như một kiểu “đổ mồ hôi”. Đưa nhiều thực vật hơn vào các thành phố sẽ giúp làm mát mọi thứ và giải cứu việc cư dân tại đây đang phải chịu các đợt nắng nóng khắc nghiệt.

Và nông nghiệp đô thị có thể giúp các thành phố riêng lẻ tránh được những “cú sốc” về lương thực, chẳng hạn như khi một vụ sản xuất một mặt hàng cụ thể bị thất thu. Điều này ngày càng có khả năng xảy ra khi biến đổi khí hậu đang có xu hướng kéo dài hơn, gây ra các đợt hạn hán khốc liệt hơn.

“Càng ít phụ thuộc hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu hóa thì bạn càng ít bị tổn thương hơn bởi tất cả những điều như đại dịch Covid-19, hoặc sự thay đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nguồn cung chuỗi", nhà khoa học môi trường Florian Payen cho biết.

Đã đến lúc khiến các thành phố trở nên 'nông thôn hơn' - Ảnh 3.

Đã tới lúc thay đổi khái niệm về làm nông nghiệp truyền thống.

Về lý thuyết, nông nghiệp đô thị cũng giúp giảm một lượng đáng kể khí thải liên quan đến canh tác thông thường, vốn sử dụng máy móc thải ra nhiều carbon và trong quá trình vận chuyển thực phẩm với khoảng cách xa tới khách hàng. Nhưng vẫn chưa có nhiều dữ liệu về vấn đề này, theo Payen.

“Các bằng chứng cho đến nay vẫn chưa thực sự kết luận về việc liệu sản xuất ở khu vực thành thị cho người dân thành thị có thực sự liên quan đến lượng khí thải carbon thấp hơn sản xuất ở nông thôn hay không”, nhà khoa học này chia sẻ. "Và điều đó thực sự dựa trên thực tế là có rất nhiều cách khác nhau để sản xuất thực phẩm và nhiều phương thức vận chuyển khác nhau."

Ví dụ, sản xuất lúa mì được cơ giới hóa cao và phụ thuộc vào các phương tiện thu hoạch lớn. Và các loại cây trồng khác nhau di chuyển những khoảng cách khác nhau để đến với thị trường.

Trong khi những tính toán trên chủ yếu tập trung vào lượng khí thải từ máy móc hạng nặng và vận tải đường bộ cũng như vận chuyển đường dài, thì theo Elizabeth Sawin, người sáng lập và giám đốc của Multisolving Institute (Viện Đa năng) - nơi thúc đẩy các biện pháp can thiệp khắc phục nhiều vấn đề cùng một lúc - coi việc thêm các trang trại là một cách để loại bỏ một nguồn phát thải khác là ô tô.

“Đừng đánh giá thấp bao nhiêu diện tích vuông của các thành phố của chúng ta được dành cho ô tô, như đường cao tốc hoặc bãi đậu xe”, cô nói. “Khi chúng ta mở ra nhiều không gian sống hơn với những thứ như phương tiện giao thông công cộng và nhà ở dày đặc, thì chúng có thể trở thành không gian để trồng thực phẩm”. Loại bỏ nhựa đường và gieo hạt sẽ chuyển đổi các thành phố từ hệ thống tập trung vào ô tô sang thành con người làm trung tâm.

Ở Denver, Bousselot đang thử nghiệm sử dụng các tấm pin mặt trời để không chỉ tăng cường an ninh lương thực mà còn cả an ninh năng lượng. Ý tưởng được gọi là nông điện này bao gồm việc trồng cây dưới các tấm pin mặt trời trên mái nhà để có thể tạo ra nguồn năng lượng dồi dào, miễn phí cho tòa nhà ở bên dưới chúng. Các mái nhà xanh cũng hoạt động giống như vật liệu cách nhiệt cho cấu trúc, giảm nhu cầu làm mát của nó, trong khi bóng râm một phần mà các tấm pin cung cấp cho cây trồng khả năng tăng năng suất đáng kể. Nên biết rằng quá nhiều nắng có hại cho một số loại cây trồng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ớt trồng dưới các tấm pin năng lượng mặt trời cho sản lượng nhiều gấp ba lần so với trồng trong ánh nắng đầy đủ.

Và việc trồng cây trên tầng thượng dường như cũng bảo vệ cây trồng khỏi các loại nấm gây bệnh. “Ở trên mái nhà, vì điều kiện gió lớn, bức xạ mặt trời cao, chúng tôi gặp rất ít vấn đề về nấm”, Bousselot nói. “Vì vậy, tôi nghĩ rằng có rất nhiều tiềm năng để lựa chọn các loại cây trồng có thể cho năng suất cao hơn để trồng trên sân thượng so với trồng ở cùng một nơi trên mặt đất.”

Đã đến lúc khiến các thành phố trở nên 'nông thôn hơn' - Ảnh 4.

Trồng cây trên mái nhà có thể mang lại năng suất cao hơn trồng dưới đất, với một số loại cây trồng đặc biệt.

Tuy nhiên, trong khi việc tân trang hóa có những lợi ích hấp dẫn, nó cũng có một số thách thức cố hữu, đó là chi phí xây dựng các trang trại ở các thành phố dù là trên mái nhà hay ở mặt đất. Giá bất động sản ở đô thị đắt hơn nhiều so với đất ở nông thôn, vì vậy những người làm vườn cộng đồng sẽ phải chống lại các nhà đầu tư đang cố gắng biến những khoảng đất trống đó thành tiền. Và họ thậm chí còn phải chống lại việc phát triển những khu nhà ở xã hội với mục đích nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng ở nhiều thành phố. Chưa hết, trồng cây trên mái nhà, bạn không thể chỉ chăm chăm trồng một loạt cây. Những dự án đó cũng đòi hỏi nhiều vấn đề kỹ thuật phải tính toán đến.

Nhưng điều quan trọng nhất của quá trình tân trang hóa là việc làm nông nghiệp và các tòa nhà không phải cạnh tranh về không gian. Anastasia Cole Plakias, đồng sáng lập của Brooklyn Grange, công ty vận hành các trang trại trên mái nhà lớn nhất thế giới, cho biết: “Chúng tôi thiết kế các trang trại đô thị của riêng mình, cũng như những trang trại mà chúng tôi xây dựng cho khách hàng, với việc cân nhắc đến tính cách độc đáo của cộng đồng”.

Một khu vườn được chăm sóc bằng tay trên một lô đất không có diện tích lớn vẫn có thể tạo ra một lượng lớn thức ăn. Và việc kết hợp các mái pin năng lượng mặt trời ngay từ đầu, dù tốn nhiều chi phí trả trước hơn nhưng sẽ mang lại hiệu quả về sản lượng lâu dài.

Tất nhiên, không ai cho rằng nông nghiệp đô thị sẽ cung cấp cho cư dân thành phố 100% lương thực họ cần để tồn tại. Bousselot hình dung nó giống như một sự hợp tác, với những người nông dân sản xuất các loại ngũ cốc theo quy trình thương mại sử dụng nhiều đất và thu hoạch bằng máy trong khi những người làm vườn ở thành thị trồng các loại rau giàu dinh dưỡng, thu hoạch bằng tay. Điều này vừa tạo việc làm vừa giảm thời gian chuỗi cung ứng của các thực phẩm dễ hư hỏng.

Tham khảo Wired, Rurban Revolution

Bảo Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ