• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đã đến lúc lập lại trật tự bản quyền báo chí

12/11/2007 14:44

“Cùng làng báo cả”, “đều là đồng nghiệp”... là những cụm từ thường gặp ở các nhà báo khi nói tại sao lâu nay, tác quyền, quyền sở hữu tác phẩm báo chí chưa bao giờ được thực thi.

“Cùng làng báo cả”, “đều là đồng nghiệp”... là những cụm từ thường gặp ở các nhà báo khi nói tại sao lâu nay, tác quyền, quyền sở hữu tác phẩm báo chí chưa bao giờ được thực thi.

Dưới góc độ quản lý, chuyên gia luật, việc thực thi bản quyền tác phẩm báo chí còn phụ thuộc vào trình độ dân trí, trình độ phát triển của nền kinh tế và cả tính chất phức tạp của vấn đề theo các quy định của pháp luật.

Thực thi bản quyền báo chí: Không thể “đơn thương độc mã”

Thực thi bản quyền, ngoài việc đó là thực hiện các quy định của pháp luật còn thể hiện hành xử rất văn hóa. Tác phẩm báo chí là sản phẩm trí tuệ. Việc ‘anh’ sử dụng công sức, trí tuệ của ‘tôi’, chỉ cần ‘anh’ hỏi ‘tôi’ tức là thể hiện sự tôn trọng của ‘anh’. Điều đó nên ủng hộ, nên tạo ra nề nếp, trở thành thói quen.

Việc thực thi bản quyền tác giả còn phụ thuộc vào trình độ dân trí, trình độ phát triển kinh tế. Càng ngày, xã hội càng phát triển, việc tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ càng yêu cầu khắt khe.  Tất cả mọi quốc gia khi có cam kết về bản quyền phải tuân thủ các cam kết đó. Nhà nước không bao giờ khuyến khích đi ‘ăn cắp’. Còn nếu phát hiện trường hợp nào vi phạm, chính họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó"

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn

Mặc dù tình trạng sao chép, sử dụng trái phép tác phẩm báo chí diễn ra từ nhiều năm nay, nhất là từ khi có sự xuất hiện của Internet và đã có các quy định của luật pháp bảo vệ nhưng tại sao các báo không “hành động”? Lãnh đạo một tờ báo trong thỏa thuận trao đổi bản quyền của 5 báo vừa qua nói nếu chỉ một tờ báo “siết” bản quyền, còn những tờ báo khác không quan tâm hoặc để tự do sao chép tin bài thì việc “siết” đó hầu như không có tác dụng. Nó cũng giống như câu “không có cô thì chợ vẫn đông” vậy. Do đó, việc 5 tờ báo liên kết lại không phải để “bắt bí” các báo khác, hay tăng sức mạnh để kiện tụng mà “nhằm nâng cao nhận thức và tìm ra cách mới để giải quyết vấn đề”, vị lãnh đạo nói trên khẳng định.

Bản quyền báo chí không chỉ là “việc” của các cơ quan báo chí mà cả cá nhân các nhà báo, những người viết báo. Tác quyền của mình bị xâm hại nhưng chưa bao giờ các cá nhân đâm đơn kiện, đòi lại sự công bằng. Điều này, theo ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Văn học Nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL), một phần do quyền lợi “đòi” được không đáng kể, một phần do nhiều nhà báo cũng coi việc sử dụng lại tác phẩm của mình là một cách được “lăng xê”.

“Theo tôi, hệ thống pháp luật của chúng ta quy định xử phạt chưa thật sự đem lại lợi ích cho người bị vi phạm. Mặt khác, người bị vi phạm ngại vì họ không có nhiều thời gian”, ông Hoan nói. “Nhiều nhà báo quan niệm viết bài, nhận một lần nhuận bút là xong. Có thể là (họ) không biết, hoặc biết rồi cho qua vì cho rằng giá trị vật chất mang lại không nhiều - bài dài, bài ngắn được trả nhuận bút vài trăm nghìn đồng, không bõ thời gian bỏ ra để theo hầu kiện”.

Cơ quan báo chí cần quy định rõ bản quyền, tác quyền

Đánh giá về thỏa thuận của một số tờ báo giấy, ông Hoan cho rằng đây là biện pháp tự bảo vệ quyền tác giả. Tuy nhiên, do thỏa thuận ghi rõ chỉ cho phép những bài báo “thuộc quyền sở hữu” của mình, nên không áp dụng cho mọi bài báo đã đăng trên báo đó vì có những bài thuộc về quyền tác giả.

Theo tinh thần chung của Luật Sở hữu Trí tuệ, chỉ sau khi đăng ký bản quyền rồi ‘anh’ mới được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, tác phẩm báo chí được pháp luật bảo hộ nhưng tin lại không được bảo hộ. Theo Điểm C, khoản 1, điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm báo chí được bảo hộ quyền tác giả. Khoản 1, điều 15 quy định các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả là tin tức thời sự thuần túy chỉ đưa tin. Vì tin là mọi người đều được quyền tiếp cận chứ không riêng gì nhà báo. Nội dung tin không được quyền nhà báo làm ra nên không được pháp luật bảo hộ. Bài báo trở thành tác phẩm của riêng nhà báo thì nó có quyền tác giả và được pháp luật bảo hộ. Còn bài báo chỉ là tin tức thời sự thì không được bảo hộ

Luật sư Phạm Hồng Hải

“Một bài báo được đăng có thể thuộc quyền sở hữu của tờ báo đó nhưng cũng có thể thuộc quyền sở hữu của tác giả. Nếu thuộc quyền sở hữu của tác giả thì họ có thể đăng ở các báo khác nhau”, ông Hoan giải thích.

Chính vì vậy, theo ông Hoan, để phân biệt tác quyền, bản quyền phụ thuộc chính vào quy định, quy chế của cơ quan báo chí. Một số báo quy định phóng viên được trả lương của báo, khi bài báo được đăng còn nhận nhuận bút nên đương nhiên bản quyền thuộc về tờ báo đó. Còn những báo nào không quy định như vậy thì mặc nhiên thừa nhận bản quyền thuộc tác giả.

Cũng như vậy đối với cộng tác viên, nếu có thỏa thuận chỉ sử dụng ở báo đó, hoặc sau khi sử dụng xong, trả tiền nhuận bút, quyền sở hữu thuộc về tờ báo đó. Và nếu không quy định, tác giả có quyền quyết định cho phép đăng hay không đăng lại tại các báo khác.

Theo quan điểm của luật sư Phạm Hồng Hải, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, khó khăn nhất trong việc thực thi là chứng minh quyền tác giả, quyền sở hữu của tờ báo. Người bị vi phạm phải chứng minh trước tòa án tác phẩm của họ tuy chưa được đăng ký nhưng chỉ họ mới khai thác được tin đó thì mới có thể coi là bản quyền thuộc về người đó. Điểm thứ hai là theo quy định, tin tức thời sự thuần túy đưa tin không thuộc đối tượng bảo hộ và do vậy, người bị vi phạm phải chứng minh tác phẩm đó không phải là bài báo thông tin thời sự thuần túy. Đây là vấn đề khá phức tạp cho nên dễ làm cho tác giả “nản lòng” trước khi tính đến chuyện đòi quyền tác giả.

Tuy nhiên, hơn tất cả các quy định, nhiều ý kiến đều đồng tình việc thực thi bản quyền báo chí nên bắt đầu tư chính nhận thức. Đại diện báo VnExpress tin vào tính khả thi của các thỏa thuận hợp tác bản quyền nhưng “sớm hay muộn, phụ thuộc vào nhận thức chung của cộng đồng báo chí”.

Ngay cả 5 tờ báo liên kết lại, sử dụng văn phòng luật sư để giám sát việc thực thi bản quyền cũng không đặt việc kiện tụng là mục tiêu tối thượng. Bởi vì “dù sao cũng là đồng nghiệp; ‘bẻ hành bẻ tỏi’ nhau ra tòa không nỡ” và mong muốn chính của ‘liên minh’ này là “đặt viên gạch cho thực thi bản quyền tác phẩm báo chí của Việt Nam”, đại diện một tờ báo nói.

Theo ICTnew

NỔI BẬT TRANG CHỦ