• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng cân nhắc để hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn Sơn Trà

Thời sự 28/06/2017 13:56

(Tổ Quốc) - “Nó giống như một phương trình, một bên là bảo tồn, một bên là phát triển; phát triển nhân như thế nào đó để cân bằng được với bảo tồn”.

Đó là chia sẻ liên quan đến Sơn Trà của ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2017 vào ngày 27/6.

Tại buổi họp báo do ông Huỳnh Đức Thơ chủ trì, nhiều phóng viên hỏi về quy hoạch Sơn Trà và quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng. Trả lời về vấn đề này, ông Thơ cho biết quan điểm của Đà Nẵng là đi tìm một sự cân bằng hợp lý, tích cực giữa bảo tồn những giá trị về sinh thái, về rừng đặc dụng, về môi trường cảnh quan thiên nhiên… như thế nào đó cho hài hòa, hợp lý nhất, với việc khai thác được bán đảo Sơn Trà để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

“Nó giống như một phương trình, một bên là bảo tồn, một bên là phát triển; phát triển nhân như thế nào đó để cân bằng được với bảo tồn”, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2017 vào ngày 27/6. 

Theo Chủ tịch Đà Nẵng, về mặt dư luận có nhiều luồng ý kiến là giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà như hiện nay. Tuy nhiên, vị này thắc mắc rằng chưa rõ giữ nguyên là như thế nào, bởi một số chủ đầu tư đã và đang xây dựng công trình ở bán đảo Sơn Trà rồi. Một quan điểm thứ hai là tối đa hóa bảo tồn và giảm tối thiểu phát triển và quan điểm thứ ba là cân bằng cho phù hợp.

Ông Thơ cho rằng, chúng ta không chỉ đơn giản là bảo tồn hay phát triển. Tuy nhiên, thực trạng trên bán đảo Sơn Trà cũng là một yếu tố chúng ta cần phải xem xét. Có đến 25 dự án mà 18 dự án phát triển du lịch và diện tích đất giao, bao gồm đất giao, đất thuê và đất giao để quản lý 1.400 hecta. Trong đó, đất giao (trả tiền đất) chỉ 7 ha, đất thuê 800 ha và số còn lại đất giao để quản lý khoảng hơn 500 ha.

Hầu hết các dự án này đã hoàn thành về thủ tục đất đai. Phần đất giao người ta đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, họ đã đóng tiền và đã lấy sổ đỏ từ lâu lắm rồi (từ 5-7 năm trước). Còn đất thuê người ta cũng đã ký hợp đồng thuê rồi. Còn đất giao quản lý để giữ rừng của thành phố, chứ không giao cho họ.

“Nếu ngay từ đầu không có giao đất cho những dự án này thì chúng ta giải quyết bài toán Sơn Trà không quá khó. Còn bây giờ chúng ta phải xử lý những dự án hiện hữu thì không phải cái gì muốn là được ngay mà phải rà soát, cân nhắc thật kỹ rồi chọn lựa ra điểm cân bằng phù hợp theo hướng tích cực nhất”, ông Thơ nói.

Một góc bán đảo Sơn Trà.

Vị Chủ tịch Đà Nẵng chia sẻ, trong quá trình thảo luận, càng về sau, thành phố nghiêng về hướng tăng cường cho quan điểm bảo tồn, giữ gìn hệ sinh thái; tất nhiên phải tính toán cho phù hợp ở góc độ khai thác phát triển cho hợp lý.

“Kết quả rà soát chúng tôi đang làm, nhưng không đơn giản chút nào. Rà soát rồi nhưng phải giải bài toán này như thế nào nữa, không đơn giản.

Ngày xưa, khi giao thì đất giao rất hoang hóa, rất rẻ và dễ dàng. Bây giờ thì đắc địa, nếu tính toán thu hồi thì phải hỗ trợ, bố trí lại, bồi thường. Với số lượng đất đai như thế thì đây là vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt là quy ra tiền.

Chúng tôi cũng tính nát óc tìm đâu ra đất nơi khác để bố trí cho người ta. Hàng trăm héc-ta như thế và phải ở những khu vực đắc địa hoặc bồi thường theo giá thị trường. Chúng tôi sẽ tính toán. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến, hợp tác với Hiệp hội, các chuyên gia, nhà chuyên môn để giải bài toán đó”, ông Thơ cho hay.

Ông Thơ cam đoan rằng không vì giá trị kinh tế làm mất đi giá trị đặc sắc của bán đảo Sơn Trà. Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng nhận thức và hiểu rất rõ tầm quan trọng và giá trị của Sơn Trà. Tuy nhiên khi tiến hành xử lý những vụ việc cụ thể như thế này thì cần phải có thời gian, cần giải bài toán để tìm lối ra. Ví dụ như ngày hôm nay chúng ta dừng một doanh nghiệp thì sẽ bị doanh nghiệp khởi kiện, bởi việc này đụng vào yếu tố pháp lý.

“Chúng tôi sẽ có rà soát, cân đối, tính toán xong xuôi rồi sẽ có phương án đưa ra thảo luận ở trong tập thể lãnh đạo cao nhất là Ban thường vụ Thành ủy. Về phía doanh nghiệp họ cũng bức xúc, bởi tiền triển khai dự án họ vay ngân hàng, trong khi dự án bị dừng lại. Bởi thể cần có cái lý, cái tình trong việc xử lý, chúng ta phải có thái độ thích hợp, khoa học chứ không nên cực đoan quanh việc giải quyết hiện trạng bán đảo Sơn Trà”, Chủ tịch Đà Nẵng nói.

Loài voọc chà vá chân nâu quý hiếm trên bán đảo Sơn Trà.

Người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng tâm sự, trên con đường giải quyết như vậy, thành phố luôn luôn lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý trên cơ sở có khoa học để củng cố cho những chính sách của thành phố sắp tới đối với việc giải quyết hiện trạng bán đảo Sơn Trà.

“Chính phủ cho thời gian đến 30/8. Từ nay đến 30/8 thì chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức một số hội thảo, mời các nhà chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành để cho chúng tôi những tiếng nói, luận cứ, kết hợp với chúng tôi rà soát thực tiễn của mình để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Chắc chắn rằng sẽ đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo nhân dân quan tâm về bán đảo Sơn Trà”, ông Thơ nói và cho hay không hề đứng trước một áp lực nào trong việc này. Nếu có áp lực về doanh nghiệp là phải xử lý vấn đề rà soát lại, cắt giảm một số dự án, giải quyết bồi thường, hỗ trợ nhà đầu tư.

“Con số cụ thể rồi sẽ có và công bố, nhưng tôi tin rằng nó sẽ giảm hơn so với con số như đã quy hoạch”, ông Thơ nói thêm.

Trả lời về việc xây kè bảo vệ khu vực có dự án 40 móng biệt thự xây trái phép của Công ty CP Biển Tiên Sa (đã bị đình chỉ thi công - PV), ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, sau khi phát hiện xây dựng trái phép thì yêu cầu dừng, giữ nguyên và không cho thay đổi hiện trạng. Tuy nhiên, mùa mưa gần tới, có khả năng sạt lở vì khu vực này đã bị đào xới lên.

 Công ty cổ phần Biển Tiên Sa do "nôn nóng" đã xây 40 móng biệt thự ở bán đảo Sơn Trà khi chưa được cấp phép đã bị phạt 40 triệu đồng. Hiện gần tới mùa mưa nỗi lo sạt lở ở khu vực này vì đã bị đào xới lên.

Trước tình hình đó, chủ đầu tư đề nghị cho họ có những biện pháp khắc phục như trồng cây, xây kè chắn một số khu vực để chống sạt lở. Thành phố cho rằng việc này là phù hợp nhưng hiện Chính phủ đang yêu cầu rà soát, đang rà soát mà xây thêm một cái gì nữa cũng cần phải có ý kiến chỉ đạo.

“Chúng tôi sẽ báo cáo vấn đề này cho Ban Thường vụ Thành ủy và Thường vụ sẽ quyết định việc này. Tuy nhiên, ai bỏ tiền ra để làm là điều băn khoăn của thành phố.

Nếu để doanh nghiệp bỏ tiền ra để làm kè thì sau này họ lại nói họ có công rồi họ tiếp tục dự án này. Nên chúng tôi bàn phương án là thành phố bỏ tiền ra để làm. Nhưng như thế cũng vô lý vì đất là đất của doanh nghiệp rồi, đất đã cấp sổ đỏ lâu rồi, quyền sử dụng đất của họ chứ không phải của thành phố. Không thể bỏ tiền ra xây trên đất mà quyền sử dụng đất của họ được.

Nếu thành phố bỏ tiền ra làm thì khách quan hơn, số tiền không nhiều nhưng nhạy cảm, sau này như thế nào thì người ta sẽ hoàn trả lại số tiền đó cho thành phố. Hướng thứ hai là doanh nghiệp bỏ tiền ra làm nhưng cam kết để giữ không cho sạt lở thôi chứ không làm gì khác hết. Vấn đề dư luận càng quan tâm nên càng phải thận trọng”, ông Thơ cho biết.

Đức Hoàng



Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ