• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá

Thời sự 13/03/2024 20:07

(Tổ Quốc) - Các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện khó khăn, TP. Đà Nẵng vẫn chuyển động rất mạnh về cấu trúc. Những đề xuất của chính quyền Đà Nẵng đều hướng tới việc định hình chân dung phát triển mới của thành phố này. Song, muốn như vậy thì phải có các cơ chế, chính sách đặc thù.

Chiều 13/3, Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 43).

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá   - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Nghị quyết 43 dần đi vào cuộc sống

Phát biểu chào mừng hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: Nghị quyết 43 là văn kiện chính trị có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để Đà Nẵng phát triển trong giai đoạn mới.

Theo đó, Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết 43; kịp thời ban hành 12 chương trình, kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa nghị quyết với 525 nhiệm vụ. Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thành 113 nhiệm vụ (tỷ lệ 21,5%) và đang triển khai 390 nhiệm vụ (74,3%)…

Đà Nẵng cũng bám sát và gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều định hướng quan trọng như: Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô cấp vùng; phát triển kinh tế biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics và trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực; xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia.

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá   - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Thời gian gần đây, Đà Nẵng tích cực tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Thành phố đã thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị. Kinh tế tiếp tục có bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% trong tỷ trọng GRDP.

Đà Nẵng liên tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, Đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện với nhiều chính sách mới mang tính nhân văn.

"Đây là những cơ sở quan trọng để Đà Nẵng có thể phát triển nhanh và bền vững trong thời gian đến và cũng là những kết quả minh chứng cho Nghị quyết 43 đang dần đi vào cuộc sống", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá   - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá   - Ảnh 4.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Tuy nhiên, Đà Nẵng tự nhận thấy quá trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá.

Ông Nguyễn Văn Quảng nêu rõ: Bên cạnh nguyên nhân khách quan do bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước không thuận lợi, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thì các nguyên nhân mang tính chủ quan vẫn là cơ bản. Đó là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nhiều vào công tác phòng, chống dịch bệnh, bão lũ và phục hồi kinh tế sau đại địch.

"Trong cùng một thời điểm, Đà Nẵng phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, bản án gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phù hợp và chưa tạo ra nguồn lực lớn để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra", ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề xuất: Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết 119), việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố phát huy tính ưu việt của mô hình.

"Đà Nẵng đề xuất Trung ương xem xét cho thành phố áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị trong thời gian đến. Để thực hiện được điều này, thành phố cần những cơ chế, chính sách đặc thù tương tự như một số địa phương khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và các cơ chế, chính sách mới phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới để thành phố phát triển bứt phá hơn trong thời gian đến", Bí thư Nguyễn Văn Quảng cho biết.

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá   - Ảnh 5.

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá. Ảnh: Đức Hoàng

Định hình chân dung phát triển mới của Đà Nẵng

Tại hội nghị, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 Nguyễn Hồng Sơn đánh giá: Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, Đà Nẵng đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Điển hình như 8/16 chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành nếu không có quyết tâm cao và nỗ lực lớn; các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết 43 đề ra.

Tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng chưa cao, thiếu ổn định, dễ bị tác động bởi các cú sốc, các tác động tiêu cực từ bên ngoài; quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ. Chênh lệch GRDP bình quân đầu người so với bình quân vùng và cả nước đang thu hẹp nhanh; chất lượng tăng trưởng vẫn dựa nhiều vào vốn, lao động.

Tiềm năng về kinh tế biển chưa phát huy hiệu quả, nhất là vai trò đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa của vùng. Dịch vụ có giá trị gia tăng cao phát triển chưa mạnh, nhất là các dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistic. Thu ngân sách giảm, nguồn thu thiếu ổn định; huy động các nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao…

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá   - Ảnh 6.

Chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Hoàng

Ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Trung ương cần hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù mới. Triển khai Đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh, kiểm tra. Nghiên cứu, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 43 với các cơ chế, chính sách, ưu tiên nguồn lực để phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn như Nghị quyết đã đề ra. Chú trọng các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các lĩnh vực, dự án trọng điểm…

Các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ, góp ý về những định hướng mới, cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính đột phá nhằm từng bước khẳng định vai trò, vị trí của TP. Đà Nẵng trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, những đề xuất của Đà Nẵng đều hướng tới việc định hình một chân dung phát triển mới của thành phố này.

"Sức nén của thể chế không tạo cơ hội cho Đà Nẵng bứt phá. Phải chăng sức nén của thể chế, áp lực trói buộc mạnh là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng chưa cao, thiếu tính ổn định?", PGS.TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề.

Theo ông, trong điều kiện khó khăn, Đà Nẵng vẫn chuyển động rất mạnh về cấu trúc. Thể chế chung trói buộc khá mạnh, tỉnh/thành phố nào muốn bứt phá thì đều nỗ lực xin cơ chế đặc thù.

Đà Nẵng cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá   - Ảnh 7.

PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến tại hội nghị.

TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia bày tỏ trăn trở tại sao Đà Nẵng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 thì có bước lùi, vậy đâu là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

"Đà Nẵng phát triển rực rỡ nhất trong giai đoạn 10 năm (2003-2013). Chúng ta cần xem trong giai đoạn đó, Đà Nẵng phát triển nhanh nhờ động lực nào? Động lực đó hiện còn không?", TS. Trần Du Lịch đặt câu hỏi. Ông cho rằng, Đà Nẵng đã tận dụng được "con gà đẻ trứng vàng" bằng quỹ đất đô thị hóa tạo ra ngân sách để phát triển hạ tầng. Vậy khi đất không còn để khai thác nữa thì như thế nào?

Để Đà Nẵng quay lại quỹ đạo tăng trưởng, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất các giải pháp như: nâng cấp sân bay, hoàn thiện các tuyến quốc lộ nối Đà Nẵng với Bắc Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất tạm thời không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về Trung ương đến năm 2030. Trung ương cần cho phép Đà Nẵng thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế về lĩnh vực, ngành nghề và quy mô. Ông cũng đề xuất cho phép Đà Nẵng mở thêm casino cho du khách, kể cả khách nội địa. Số lượng và quy mô casino do HĐND TP. Đà Nẵng quyết định.

"Cần sớm có một nghị quyết mới của Quốc hội về cơ chế đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng. Điều đó góp phần quyết định trong việc thực hiện thành công Nghị quyết 43 và quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050", TS. Nguyễn Đình Cung nêu.

Ngành du lịch Đà Nẵng cần tiếp tục hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột

TS. Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, để khai thác tối đa lợi thế và tiềm năng của Đà Nẵng, ngành du lịch cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện các nhóm sản phẩm trụ cột, bao gồm nhóm sản phẩm du lịch biển cao cấp; nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; nhóm sản phẩm du lịch MICE; nhóm sản phẩm du lịch đô thị, và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía Tây thành phố. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để đón bắt các luồng xu hướng khách, gia tăng trải nghiệm phong phú tại điểm đến là nền tảng cơ bản để thu hút khách du lịch từ nhiều thị trường khác nhau.

"Du lịch MICE cần được xác định là nhóm sản phẩm trọng tâm bởi Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Ngoài hệ thống sản phẩm hội họp và sự kiện sẵn có, Đà Nẵng cần đăng cai tổ chức các sự kiện lớn đa ngành nghề trong và ngoài nước; chủ động tổ chức các cuộc thi thể thao, các buổi trình diễn âm nhạc của các ngôi sao nhằm thu hút du khách và qua đó quảng bá thương hiệu điểm đến ra thế giới. Cần ưu tiên phát triển dòng sản phẩm dịch vụ cao cấp và siêu sang nhằm thu hút nhu cầu tổ chức các sự kiện cá nhân tại Đà Nẵng", ông Dũng nói.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ