(Tổ Quốc) - Theo Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng thì hiện trên địa bàn có 10 chung cư không đảm bảo an toàn PCCC.
Thông tin trên được đại tá Trần Đình Chung, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Đà Nẵng cho biết tại Chương trình Hội đồng Nhân dân với cử tri diễn ra vừa qua (báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh một số nội dung trong Chương trình).
Theo phản ánh của các cử tri, hiện trên địa bàn có nhiều chung cư không đảm bảo an toàn về PCCC. Có tình trạng lấn chiếm cầu thang, cửa thoát hiểm…nếu xảy ra sự cố cháy thì rất nguy hiểm.
Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác PCCC tại một chung cư cao cấp ở Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng |
Trả lời vấn đề này, đại tá Trần Đình Chung, giám đốc Cảnh sát PCCC TP. Đà Nẵng, cho biết hiện trên địa bàn thành phố có 56 tòa nhà chung cư, trong đó có 36 chung cư cơ bản đảm bảo an toàn PCCC nhưng vẫn có một số lỗi vi phạm, 10 chung cư không đảm bảo an toàn PCCC.
“Từ năm 2011 đến nay đã xảy ra 6 vụ cháy chung cư, trong đó có 5 vụ cháy liên quan đến nhà ở xã hội, 1 vụ cháy liên quan đến chung cư cao cấp”, đại tá Chung nói.
Đại tá Chung cũng cho biết nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do phía chủ đầu tư chưa chú trọng công tác PCCC, việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, các chung cư chưa thành lập đội PCCC cơ sở, ý thức của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, có việc né tránh của chủ đầu tư, họ chấp nhận nộp phạt chứ không đầu tư PCCC…
“Khoản kinh phí đầu tư vào trang thiết bị PCCC, bảo trì bảo dưỡng khá cao, vì thế các chủ đầu tư hầu như đều né tránh hoặc cắt giảm. Có nhiều chủ đầu tư chấp nhận nộp phạt luôn chứ không chịu thực hiện. Điều đó cho thấy mức chế tài chưa đủ sức răn đe”, đại tá Chung cho biết.
Trong lúc đó, theo ông Lê Xuân Hoà, Phó Ban Pháp chế HĐND TP. Đà Nẵng, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 3.718 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC, qua kiểm tra có 489 cơ sở thuộc diện nguy hiểm về cháy nổ và 287 cơ sở không đạt yêu cầu, đặc biệt có 10 cơ sở là chung cư thuộc diện yếu kém, không đảm bảo an toàn PCCC.
Qua thanh tra, kiểm tra, điều đáng lưu ý là trang thiết bị PCCC của các cơ sở qua thời gian không được bảo trì, bảo dưỡng nên hư hỏng hoặc mất mát, không thể sử dụng được nếu có cháy nổ xảy ra.
“Trước hết là trách nhiệm của chủ đầu tư, bên cạnh đó là trách nhiệm của chính quyền các cấp xã, phường. Qua kiểm tra thì hầu hết UBND các xã, phường đều quản lý lỏng lẻo, không có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề PCCC”, ông Hòa nói và đề nghị cần có một đợt tổng kiểm tra toàn bộ các cơ sở, toà nhà chung cư, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân và xác định rõ mốc thời gian hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa, không để tồn tại những thiếu sót gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH kiểm tra PCCC tại Đà Nẵng. Ảnh: Đức Hoàng |
Trước đó, vào cuối tháng 4/2018, kiểm tra công tác PCCC tại các nhà cao tầng, chung cư ở Đà Nẵng, thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) tỏ ra hết sức lo ngại khi phát hiện quá nhiều lỗi sai phạm trong công tác an toàn PCCC tại các toàn nhà chung cư này.
Đặc biệt, qua kiểm tra kỹ năng, nghiệp vụ về công tác PCCC và CNCH đối với lực lượng quản lý, điều hành chung cư này thì họ đều có chung một “lỗ hổng” rất lớn.
“Yêu cầu lực lượng Công an, Cảnh sát PCCC các đơn vị, địa phương trên địa bàn Đà Nẵng phải tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát các toàn nhà chung cư trên địa bàn. Phải có chế tài, xử phạt nặng các sai phạm, thiếu sót trong PCCC của chủ đầu tư, Ban quản lý các khu chung cư trên địa bàn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân…”, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh chỉ đạo.