(Tổ Quốc) - TP. Đà Nẵng đề ra mục tiêu tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC); vận động, thuyết phục các hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu, mở lối thoát nạn thứ hai, chủ động các phương án thoát nạn, tham gia xử lý ban đầu khi có cháy nổ, tai nạn, sự cố xảy ra…
Sáng 20/4, Công an TP. Đà Nẵng tổ chức lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm nhân rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng", tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC, thực tập phương án chữa cháy tại khu dân cư; kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC và vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí lối thoát nạn thứ hai trên địa bàn thành phố.
Đợt cao điểm kéo dài từ ngày 15/4 đến 15/6/2023. Theo đó, đến ngày 15/6/2023, 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau tham gia mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC". 100% các khu dân cư nằm sâu hơn 50m trong các kiệt, hẻm mà xe chữa cháy không thể tiếp cận xây dựng mô hình "Điểm chữa cháy công cộng".
100% hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng PCCC, trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay và mở lối thoát nạn thứ hai.
100% khu dân cư được tổ chức thực tập phương án chữa cháy". 100% hộ gia đình và hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh được kiểm tra, hướng dẫn PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Với các mục tiêu nói trên, Công an TP. Đà Nẵng tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách các vị trí, địa bàn, khu dân cư, định kỳ hằng ngày (kể cả ban đêm, ngày nghỉ, thứ Bảy, Chủ nhật), 56 tổ công tác/56 phường, xã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" kiểm tra, hướng dẫn PCCC; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC, thực tập phương án chữa cháy tại khu dân cư, tổ dân phố/thôn; vận động triển khai xây dựng, tham gia các mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư, trang bị bình chữa cháy xách tay, mở lối thoát nạn thứ hai tại hộ gia đình.
Huy động, kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân chung tay, góp sức, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng Công an thành phố, cơ quan chức năng các cấp triển khai thực hiện đợt cao điểm, bảo đảm công khai, minh bạch "rõ người, rõ địa điểm được hỗ trợ".
Xây dựng, đăng tải các tin bài, hình ảnh, video, clip, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC; hiệu quả hoạt động các mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư, việc trang bị bình chữa cháy xách tay, mở lối thoát nạn thứ hai; ghi nhận, lan truyền những hình ảnh đẹp của tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ tích cực trong thực hiện các nội dung của đợt cao điểm.
Đại tá Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, tuy tình hình cháy, nổ cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, kéo giảm, nhưng thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản, xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của đại bộ phận người dân về công tác bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt tại các khu dân cư, hộ gia đình.
"Công an TP. Đà Nẵng với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH thành phố - đơn vị đầu tiên trong cả nước chủ động triển khai kế hoạch, tổ chức lễ ra quân thực hiện đợt cao điểm xây dựng, nhận rộng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng"; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC, thực tập phương án chữa cháy tại khu dân cư; kiểm tra, hướng dẫn bảo đảm an toàn PCCC và vận động hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí lối thoát hiểm thứ hai trên địa bàn thành phố", Đại tá Phan Văn Dũng cho biết.
Phát biểu tại lễ ra quân, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu Công an TP. Đà Nẵng thường xuyên tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH thành phố theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC và CNCH; kịp thời đề xuất động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, xuất sắc trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện, tập hợp những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện để chấn chỉnh, khắc phục.
"Cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, biện pháp công tác Công an; sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách thường xuyên, vận động các nguồn kinh phí xã hội hóa hoàn thành việc xây dựng các mô hình an toàn PCCC tại khu dân cư, nhất là mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng"; tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong bảo đảm an toàn PCCC; vận động, thuyết phục các hộ gia đình trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu, mở lối thoát nạn thứ hai, chủ động các phương án thoát nạn, tham gia xử lý ban đầu khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra với phương châm "Lực lượng ở trong dân, phương tiện ở trong dân, chỉ huy ở trong dân, hậu cần ở trong dân"; bảo đảm sự chuyển biến thực chất về nhận thức, kỹ năng PCCC và CNCH của người dân", ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu quán triệt, giáo dục chính trị, tư tưởng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, lễ tiết, tác phong, thái độ và văn hóa ứng xử của cán bộ chiến sĩ khi tiếp xúc, làm việc trực tiếp với người dân, tổ chức, doanh nghiệp, lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ Công an "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ".