Đà Nẵng phát huy lợi thế du lịch biển
(Tổ Quốc) - Việc báo NZ Herald News của New Zealand đưa biển Đà Nẵng vào danh sách 7 bãi biển hàng đầu thế giới càng là điều kiện thuận lợi để thành phố sông Hàn thu hút khách khi bước vào mùa du lịch cao điểm sắp tới.
Khai thác tiềm năng du lịch biển luôn được ngành du lịch Đà Nẵng chú trọng bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ, cùng các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch liên quan đến biển, để du lịch Đà Nẵng bứt phá, tạo điểm nhấn mới trong năm 2023.
Điểm đến hấp dẫn
Ông Lee Hyun Seok cùng gia đình vừa đáp chuyến bay từ sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng và lưu trú tại một khách sạn ven biển thuộc địa bàn phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà). Những ngày này, thời tiết ở Đà Nẵng ấm áp nên gia đình ông thích đi dạo trên biển, "check in" ở những tiểu cảnh, chèo sup, thưởng thức hải sản tại các nhà hàng gần biển…
"Tôi đã đến Đà Nẵng nhiều lần và đây là lần đầu tôi đi cùng gia đình. Cả nhà tôi đều yêu thích thành phố xinh đẹp này, đặc biệt thích những bãi biển. Biển Đà Nẵng đẹp nhất vào mùa hè, chúng tôi sẽ trở lại vào tháng 7 hoặc tháng 8", ông Lee Hyun Seok nói.
Trong khi đó, từ thành phố Innsbruck của Áo, chị Lê Mỹ An (41 tuổi) cho biết, gia đình chị có kế hoạch về Việt Nam và đến Đà Nẵng dịp lễ 30/4, 1/5/2023. Chị An chia sẻ: "Tôi thích biển Đà Nẵng, biển trải dài và nước trong xanh. Lần về nước sắp tới, tôi nhất định sẽ thăm điểm đến hấp dẫn này".
Năm 2005, tạp chí Forbes của Mỹ xếp bãi biển Đà Nẵng vào danh sách 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Mới đây, báo NZ Herald News của New Zealand đưa biển Đà Nẵng vào danh sách 7 bãi biển hàng đầu thế giới. Sự vinh danh này là điều kiện thuận lợi để thành phố sông Hàn khai thác tiềm năng du lịch biển, thu hút khách trở lại, phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch sau những năm ảnh hưởng COVID-19.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho rằng, chính những lợi thế ưu đãi của thiên nhiên, cộng thêm những nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của các cấp chính quyền và người dân đã góp phần giúp biển Đà Nẵng tạo dựng được thương hiệu điểm đến hấp dẫn, đáp ứng đủ các tiêu chí để NZ Herald News đưa biển Đà Nẵng vào danh sách 7 bãi biển hàng đầu thế giới.
Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang quản lý 33,7 km khu vực biển; trong đó bãi biển công cộng là 15,8 km; còn lại là khu vực các dự án du lịch ven biển và các bãi biển chưa đưa vào phục vụ du lịch. Ông Vũ cho hay, các bãi biển Mỹ Khê, Phước Mỹ, Mỹ An, Non Nước… đã hình thành và phát triển các loại hình dịch vụ du lịch biển như thể thao giải trí biển, hoạt động nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí về đêm…, kết hợp tham quan các điểm đến nổi tiếng như danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bà Nà Hills, Hội An (Quảng Nam).
"Với lợi thế này, ngành du lịch Đà Nẵng chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút khách; đồng thời triển khai các đề án, sản phẩm liên quan du lịch biển như: "Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái"; "Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô"; xây dựng đề án "Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành"; bổ sung các sản phẩm mới, tổ chức thêm nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn bên cạnh việc làm mới các sản phẩm, sự kiện đã định hình", ông Vũ nói.
Mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách
Đà Nẵng đặt mục tiêu phục hồi du lịch mạnh mẽ trong năm 2023 để đến năm 2030, khách lưu trú ước đạt khoảng 13-14 triệu lượt; mục tiêu tổng quát đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế.
Nội dung nói trên được đề cập trong Đề án Định hướng phát triển du lịch TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Sở Du lịch và Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng soạn thảo, UBND TP. Đà Nẵng thông qua hồi tháng 10/2022.
Tại hội thảo "Phát triển du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp" diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 9/12/2022, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình khẳng định: Du lịch biển, đảo là một trong những sản phẩm được yêu thích nhất và được xác định là sản phẩm đặc thù của Đà Nẵng.
Song, theo ông Bình, so với tiềm năng, sản phẩm du lịch biển Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng; các hoạt động thể thao, giải trí biển chỉ thu hút được đối tượng khách phổ thông, chưa có phân khu riêng cho khách cao cấp; các loại hình thể thao, vui chơi giải trí còn ít…
Hiện du lịch Đà Nẵng nhộn nhịp trở lại; các điểm tham quan, vui chơi đón khách ngày càng đông. Việc làm mới các sản phẩm du lịch, mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách là yêu cầu được đặt ra. Ông Nguyễn Đức Vũ cho biết, Sở Du lịch đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như: Enjoy DaNang; khai trương mùa du lịch biển 2023 dịp lễ 30/4, 1/5 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: trưng bày mô hình nghệ thuật trên bãi biển, thả diều nghệ thuật, không gian lễ hội ẩm thực miền biển Đà Nẵng, chuỗi các hoạt động về thể thao - giải trí biển, chuỗi các hoạt động về bảo vệ môi trường biển - trưng bày - triển lãm cộng đồng, chuỗi các hoạt động tại bãi biển đêm Mỹ An…
"Tại bán đảo Sơn Trà, Ban quản lý dự kiến đưa vào vận hành bến thủy nội địa CT15; đưa vào khai thác các tour lặn nông ngắm san hô, vòng quanh bán đảo Sơn Trà, ngắm động vật hoang dã, tour câu cá cùng ngư dân..., song song với các hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên", ông Vũ thông tin.
Bên cạnh đó, việc TP. Đà Nẵng triển khai các đề án trong năm 2023 như: Đề án phát triển kinh tế ban đêm, thí điểm chương trình "Đà Nẵng về đêm - Danang By Night"; tổ chức các sự kiện, lễ hội, đặc biệt là lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng; lễ hội du lịch golf Đà Nẵng năm 2023, giải Golf Phát triển châu Á 2023; tiếp tục xúc tiến và mở các đường bay quốc tế mới, thu hút khách du lịch đường biển quốc tế… sẽ tạo sự bứt phá cho ngành du lịch thành phố.
Bảo đảm an ninh trật tự và an toàn cho du khách
Ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, để sẵn sàng đón du khách trở lại, Ban quản lý thường xuyên phối hợp với các quận ven biển, các đơn vị, tổ chức triển khai các đợt ra quân xử lý các trường hợp bán hàng rong, chèo kéo, xin ăn... nhằm bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại bãi biển; yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại bãi biển sửa chữa, trang trí lại khu vực kinh doanh của mình.
Đối với công tác cứu hộ, Ban quản lý triển khai giăng phao tại các khu vực tắm an toàn; lắp đặt các bảng cảnh báo khu vực nguy hiểm có dòng chảy xa bờ, cảnh báo khi thời tiết xấu, lắp đặt bảng khuyến cáo tại các khu vực không có lực lượng cứu hộ trực; tuyên truyền trên hệ thống loa ven biển, website, fanpage của Ban quản lý về thời gian trực cứu hộ, nội quy bãi biển...
Ban quản lý duy trì trực cứu hộ đến 21 giờ 30 hằng đêm tại một số khu vực bãi tắm trung tâm tuyến Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa; đồng thời chủ động phối hợp với các dự án ven biển trong công tác cứu hộ, bảo đảm an toàn cho du khách tại các khu vực trước dự án.