• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng quảng bá du lịch golf đến thị trường Trung Quốc và Singapore

Du lịch 16/12/2023 12:26

(Tổ Quốc) - Tại hội nghị Các nhà quản lý câu lạc bộ golf (GCMC 2023) vừa diễn ra ở Singapore với sự tham dự của các nhà quản lý câu lạc bộ golf tại đảo quốc sư tử và Trung Quốc, đại diện ngành Du lịch TP. Đà Nẵng khẳng định địa phương này sẽ không ngừng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch, kết nối với các công ty du lịch golf và sân golf để kích thích phát triển các tour golf phù hợp với từng thị trường.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hoài An - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP. Đà Nẵng giới thiệu về sự phát triển của ngành golf Việt Nam với sức tăng trưởng thị trường mạnh mẽ 30% mỗi năm, quá trình phát triển của điểm đến golf miền Trung Việt Nam trong thập niên qua, điển hình là sự xuất hiện của nhiều sân golf nổi bật như: BRG Golf Resort, Laguna Golf Lăng Cô, Bà Nà Hills, Vinpear, Hoiana…

Đến năm 2030, điểm đến golf Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam dự kiến sẽ bổ sung 16 sân golf mới vào bộ sưu tập của mình, bao gồm 5 sân golf ở Huế, 5 sân golf ở Đà Nẵng và 6 sân golf ở Quảng Nam.

Đà Nẵng quảng bá du lịch golf đến thị trường Trung Quốc và Singapore - Ảnh 1.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An quảng bá golf đến thị trường Singapore và Trung Quốc với tham luận “Phát triển Du lịch với Golf”.

Hướng đến nguồn khách có mức chi tiêu cao

Bà An cho biết, năm 2014 đánh dấu sự tăng trưởng đáng kể về du lịch quốc tế của Đà Nẵng. Sự gia tăng này đã kích thích nhu cầu chơi golf và thúc đẩy sự phát triển của các sân golf mới trong khu vực.

Chính quyền TP. Đà Nẵng ngày càng xem golf là sản phẩm tiềm năng để thu hút du khách, đặc biệt là những du khách có mức chi tiêu cao.

Năm 2017, Đà Nẵng đã đăng cai Đại hội Du lịch Golf châu Á (AGTC) - sự kiện do Hiệp hội các Tổ chức du lịch golf quốc tế (IAGTO) tổ chức, quy tụ 650 đại biểu từ 36 quốc gia, đại diện các nhà điều hành tour golf, công ty lữ hành, khách sạn; đồng thời tổ chức Hội nghị Golf châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (APGS 2017).

"COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động du lịch trong 2 năm. Để thúc đẩy sự phục hồi, chúng tôi đang tập trung vào các thị trường thích hợp, đặc biệt là du lịch golf. Theo đó, Đà Nẵng đã cam kết đăng cai giải Tour Phát triển châu Á (Asian Development Tour - ADT) trong 3 năm liên tiếp. Ngoài ra, chúng tôi xúc tiến việc đăng cai AGTC iTn 2025 - sự kiện golf của Hiệp hội Lữ hành Golf thế giới", bà An nói.

Đà Nẵng quảng bá du lịch golf đến thị trường Trung Quốc và Singapore - Ảnh 2.

Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2023.

Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản là 4 thị trường dẫn đầu của Đà Nẵng, trong đó riêng Hàn Quốc chiếm gần 50% thị phần, 3 thị trường còn lại chiếm trên 30%. Hàn Quốc có phong trào chơi golf mạnh mẽ, với 12% dân số chơi golf, cho thấy tiềm năng rất lớn về du lịch golf từ thị trường này.

"Sau COVID-19, thị trường nguồn khách du lịch Đà Nẵng có sự thay đổi đáng kể. Thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc vẫn chưa hồi phục. Trong khi đó, các thị trường khác nổi lên và lọt vào top 6 như Đài Bắc - Trung Quốc và Ấn Độ. Hàn Quốc vẫn là thị trường hàng đầu về cả du lịch tổng hợp và du lịch golf, với hơn 1,3 triệu lượt khách tính đến tháng 10/2023", bà An cho hay.

Du lịch golf đóng vai trò then chốt trong du lịch chất lượng cao

Theo số liệu từ Vietnam Golf Coast, Liên minh 7 sân golf tại Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, số vòng golf tại các sân tăng trưởng liên tục từ tháng 1/2022. Từ tháng 5/2022, số vòng golf cao hơn các tháng trong năm 2019 - năm đỉnh cao về tăng trưởng du lịch. Số vòng golf năm 2023 tiếp tục tăng cao hơn so với năm 2022, đỉnh điểm là tháng 2/2023 với hơn 42.000 vòng golf.

Tỷ lệ chơi golf trung bình của các thành viên trên các sân dao động từ 19-24% cho thấy sự gia tăng đáng kể ở những người chơi golf không phải là thành viên, chủ yếu là khách du lịch.

Với xu hướng bất động sản nghỉ dưỡng golf đang phát triển, người chơi golf không chỉ mong muốn trải nghiệm các sân golf đa dạng mà còn được đắm mình trong không gian sống xanh và dịch vụ lưu trú cao cấp.

Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao, điểm đến đổi mới của Việt Nam và Đông Nam Á. Du lịch golf đóng vai trò then chốt trong du lịch chất lượng cao, thu hút doanh nhân đến Đà Nẵng, góp phần giao lưu kinh tế và hội nhập quốc tế.

Đà Nẵng quảng bá du lịch golf đến thị trường Trung Quốc và Singapore - Ảnh 3.

Du lịch golf đóng vai trò then chốt trong du lịch chất lượng cao, thu hút doanh nhân đến Đà Nẵng, góp phần giao lưu kinh tế và hội nhập quốc tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, tầm nhìn và chiến lược của Đà Nẵng trong phát triển du lịch golf nắm bắt các xu hướng lớn của golf thế giới, bao gồm: gia tăng các giải golf quốc tế, phát triển mảng du lịch golf quốc tế thông qua hợp tác công tư và mở rộng kinh doanh của lữ hành golf, đặc biệt các quốc gia Đông Nam Á sẽ vươn lên trở thành các điểm đến golf hàng đầu trong những năm tới.

Tầm nhìn này đi kèm với các mục tiêu cụ thể nhằm thu hút khách du lịch giàu có và nâng tầm du lịch golf để trở thành một trong những điểm đến chơi golf lớn trong khu vực.

"Để nghiên cứu thị trường, chúng tôi tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác đáng tin cậy như Vietnam Golf Coast hoặc Sport Marketing Survey. Chúng tôi ủng hộ việc tổ chức các giải đấu quốc tế, hợp tác giảm thuế và tăng cường các hoạt động như: tổ chức các chuyến dã ngoại, tổ chức sự kiện golf và tham gia các chương trình biểu diễn golf.

Chúng tôi không ngừng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch nói chung. Chúng tôi cũng kết nối với các công ty du lịch golf và các sân golf để kích thích phát triển các tour golf phù hợp với từng thị trường", bà An nhấn mạnh.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ