• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng quyết giành lại “ngôi vương” chỉ số năng lực cạnh tranh

Thời sự 17/05/2018 06:00

(Tổ Quốc) - Năm 2017 chứng kiến sự tụt hạng của Đà Nẵng xuống vị trí thứ 2 (70,11 điểm) xếp sau Quảng Ninh, Đà Nẵng đang quyết giành lại “ngôi vương”.

Sau 4 năm liên tiếp (2013 - 2016) giữ vị trí dẫn đầu cả nước về xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2017 chứng kiến sự tụt hạng của Đà Nẵng xuống vị trí thứ 2 (70,11 điểm) xếp sau Quảng Ninh.

Nhằm phân tích các nguyên nhân tụt hạng và bàn về giải pháp nâng cao chỉ số này, Đà Nẵng một hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Đà Nẵng” đã được tổ chức.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, trong năm 2017 có nhiều biến động, môi trường kinh doanh của Đà Nẵng sau nhiều năm được nhìn nhận là một trong những điểm đến đầu tư thông thoáng, thuận lợi tại Việt Nam, đã có những dấu hiệu suy giảm trong thời gian vừa qua, có thể dẫn chứng qua đánh giá kết quả Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) rơi vào nhóm trung bình cao sau nhiều năm ở nhóm dẫn đầu, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp vị trí thứ 4 sau nhiều năm liên tục đứng đầu cả nước, và đặc biệt là Chỉ số PCI đã xuống vị trí thứ 2.

“Điều này cho thấy có những vấn đề về chất lượng điều hành và điều đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố nếu chúng ta không sớm nhìn nhận và có những giải pháp khắc phục kịp thời nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói riêng và môi trường cạnh tranh nói chung của thành phố trong thời gian đến”, Phó Chủ tịch Đà Nẵng nói.

Đà Nẵng quyết giành lại "ngôi vương" chỉ số năng lực cạnh tranh. Ảnh: Đức Hoàng 

Theo kết quả đánh giá PCI 2017 được Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng (DISED) tổng hợp tại Hội thảo, Đà Nẵng đạt 70,11 điểm tăng 0,11 điểm so với năm 2016. Tuy nhiên, mức độ cải thiện trung bình của Đà Nẵng từ năm 2016 đến 2017 lại nằm trong nhóm cuối trên cả nước.

Trong hệ thống chỉ số thành phần của Đà Nẵng năm 2017, có đến 05 chỉ số giảm điểm và tụt hạng. Trong đó, chỉ số “Cạnh tranh bình đắng” đã giảm điểm và tụt hạng môt cách nghiêm trọng với điểm số giảm là 0,5 điểm, tụt 19 bậc, và rơi xuống xếp vị thứ 37.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, chính quyền thành phố còn ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của Nhà nước, và ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất cao. Chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” đạt điểm số thấp nhất trong vòng 5 năm qua với 6,46 điểm (giảm 0,76 điểm) và đã rơi từ vị trí dẫn đầu cả nước xuống vị thứ 20.

 “Chi phí gia nhập thị trường” từng được xem là lĩnh vực ưu thế của Đà Nẵng, tuy nhiên, năm 2017, chỉ số này lại tụt hạng từ vị trí thứ 3 xuống thứ 5 (tụt 2 bậc) và điểm số giảm từ 9,22 điểm xuống còn 8,55 điểm. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp chỉ số “Chi phí gia nhập trị trường” của Đà Nẵng bị tụt hạng dù thành phố thực hiện cải cách tối đa các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt trong đó thời gian đăng ký kinh doanh được duy trì ở mức rút ngắn nhất có thể (7 ngày). Ngoài ra, các chỉ thành phần khác cũng tụt hạng còn bao gồm chi phí không chính thức và tính năng động tiên phong của lãnh đạo thành phố.   

Để nâng cao chỉ số PCI Đà Nẵng 2018, DISED kiến nghị thành phố cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay; cải cách TTHC và hỗ trợ TTHC cho doanh nghiệp; thông tin nhanh chóng và thường xuyên các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tư nhân, tư vấn giải đáp chính sách pháp luật; thực hiện công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện cách thủ tục hành chính,tiếp cận về đất đai, tín dụng.. nhằm đảm bảo việc bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DDNVV) trên địa bàn thành phố, và tăng cường lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Cùng với đó, đảm bảo sự ổn định hơn về chính sách, quy định, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh chính sách nhằm tạo sự an tâm cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

 Một hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố Đà Nẵng”. Ảnh: Quỳnh Đan

Theo bà Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, để có thể cải thiện hiệu quả quản trị của địa phương cả về quản trị kinh tế cũng như các vần đề dân sinh khác, chính quyền thành phố cần đối thoại và tương tác với người dân và doanh nghiệp nhiều hơn, vì con số thống kê cho thấy mức độ tương tác giữa các cấp chính quyền thành phố và chính quyền cơ sở với người dân đang có xu hướng giảm sút; cùng với đó là tăng cường tính công khai, minh bạch trong quy hoạch sử dụng đất. Bà cũng đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm giải trình của thành phố đối với người dân, được đánh giá tụt hạng rất nhanh trong 2 năm vừa qua.

Trong khi đó, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thì đề nghị thành phố hỗ trợ cho thuê mặt bằng kinh doanh phù hợp và mở rộng quỹ đất cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề mặt bằng sản xuất càng trở nên bức thiết khi các DDNVV trong khu dân cư sẽ phải thực hiện việc di dời theo quyết định của thành phố.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng thì kiến nghị các thông tin đấu thầu phải được công khai minh bạch trên mọi phương tiện thông tin đại chúng của thành phố; đồng thời, tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tư vấn và phản biện các chính sách của thành phố.

Theo Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, với thang điểm 100, nên xem cả 3 chỉ số giảm điểm về tính minh bạch, chi phí không chính thức và cạnh tranh bình đẳng là dư địa để tập trung làm cho tốt. Ông Nghĩa nhấn mạnh, năm 2018 được thành phố lựa chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” với cách tiếp cận là tập trung điều chỉnh mọi chính sách, lề lối làm việc, và “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” sẽ không chỉ dừng lại ở 2018 mà còn là năm tiền đề cho những năm tiếp theo trên quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thành ủy-HĐND-UBND thành phố là “sự phát triển của doanh nghiệp chính là thước đo sự phát triển của thành phố”.

Người đứng đầu TP Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh thành phố có các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra được triển khai cùng lúc như hiện nay, việc thành phố vẫn tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp cũng như sự thỏa mãn của người dân, nếu không có được sự cổ vũ chung thì sẽ rất khó thực hiện.

Bí thư Đà Nẵng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chia sẻ, luôn đồng hành, thẳng thắn góp ý và kịp thời phản ánh để chính quyền thành phố có thể điều chỉnh kịp thời.

 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quỳnh Đan

Đồng tình với những phân tích và ý kiến đóng góp tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cũng cho rằng, các phân tích của bà Đỗ Thanh Huyền - chuyên gia của UNDP tại Việt Nam về việc việc vận hành của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc tiếp cận, giải trình, kêu gọi sự tham gia của người dân trong việc đưa ra những quyết định hành chính đóng vai trò hết sức quan trọng, cần được tiếp thu để hoàn thiện hơn nữa khả năng phục vụ, đáp ứng của chính quyền các cấp đối với người dân và doanh nghiệp.

Ông Thơ yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn, đặc biệt là các đơn vị nhạy cảm mà người dân và doanh nghiệp có nhiều ý kiến, thắc mắc như các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, các Văn phòng Đăng ký đất đai tập trung hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh các chương trình cải các hành chính (CCHC) đã được thành phố đề ra từ đầu năm, tăng cường tính công khai minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình của đơn vị mình, tránh tình trạng “lãnh đạo thành phố thì rất quyết liệt và có nhiều sáng kiến tốt, chủ trương, chính sách đúng đắn, tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện của cấp dưới đến người dân và doanh nghiệp thì lại chưa tốt”.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng yêu cầu mỗi sở, ban, ngành, quận, huyện phải tự xây dựng kế hoạch nhằm cải thiện những hạn chế có liên quan đến đơn vị mình đã được phân tích tại hội thảo lần này, trên cơ sở đó lồng ghép vào các chương trình công tác, chương trình CCHC cũng như đối thoại với doanh nghiệp của thành phố trong thời gian đến nhằm hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cùng với đó, Sở Nội vụ thành phố đồng thời rà soát các chỉ số PAPI, PAR Index để báo cáo, tham mưu lãnh đạo thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp cải thiện năng lực phục vụ, hỗ trợ, điều hành, xem như là giải pháp cộng hưởng để bức tranh CCHC của thành phố ngày một tốt hơn, mang lại cảm nhận tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dânthành phố.

Quỳnh Đan

Quỳnh Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ