• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng truy thu hơn 10 tỷ đồng từ 'nhân tài' vi phạm hợp đồng

Thời sự 30/09/2015 17:10

Ít nhất 7 người nhận tiền từ ngân sách TP Đà Nẵng để du học nước ngoài, nhưng vi phạm hợp đồng nên phải hầu tòa và bồi thường số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Ít nhất 7 người nhận tiền từ ngân sách TP Đà Nẵng để du học nước ngoài, nhưng vi phạm hợp đồng nên phải hầu tòa và bồi thường số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Ngày 30/9, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho biết vừa khởi kiện 7 người tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) ra tòa dân sự. Phía Trung tâm quản lý đề án thắng kiện, 7 người kia phải hoàn trả số tiền hơn 10 tỷ đồng cho thành phố.

Gần đây nhất là phiên sơ thẩm ngày 28/9, TAND TP Đà Nẵng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của trung tâm, tuyên buộc anh Hồ Viết Luận (24 tuổi) phải bồi thường gần 2,7 tỷ đồng; tuyên buộc chị Huỳnh Thị Thanh Trà (29 tuổi) bồi thường gần 3,1 tỷ đồng cho thành phố.

Theo hồ sơ khởi kiện, anh Hồ Viết Luận tham gia Đề án 922 với thời gian học 4 năm ngành Kỹ sư xây dựng dân dụng và môi trường tại Đại học Nottingham (Vương quốc Anh) bắt đầu từ tháng 9/2010. Tổng kinh phí anh Luận đã nhận từ ngân sách thành phố là 2,695 tỷ đồng.

Hợp đồng đã ký, sau khi tốt nghiệp học viên phải trở về làm việc cho thành phố Đà Nẵng từ 7 năm trở lên và chấp hành sự phân công công tác của tổ chức. Nếu anh Luận không thực hiện đúng hợp đồng thì sẽ cùng đại diện gia đình liên đới chịu trách nhiệm bồi thường gấp 5 lần toàn bộ kinh phí do thành phố cấp.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp bậc đại học, anh Luận có nguyện vọng gia hạn thời gian về làm việc cho thành phố để tiếp tục học lên tiến sĩ bằng kinh phí tự túc trong thời gian 3 năm. Nguyện vọng này không được trung tâm đồng ý và đã thông báo với anh Luận cũng như gia đình về việc vi phạm hợp đồng do không thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố.

kien-6453-1443604332.jpg

Nhiều học viên tham gia đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã về Đà Nẵng làm việc. Ảnh minh họa: Nguyễn Đông.

Tháng 9/2014, UBND TP Đà Nẵng có quyết định chấm dứt tham gia đề án và bồi hoàn kinh phí do vi phạm hợp đồng đào tạo đối với anh Luận. Về việc bồi thường, chính quyền thành phố thực hiện theo chủ trương tại công văn số 6883, theo đó trường hợp vi phạm hợp đồng xảy ra từ ngày 10/12/2013 trở về sau, mức bồi hoàn là 100% kinh phí đào tạo đã nhận từ ngân sách.

Liền sau đó, trung tâm gửi công văn cho anh Luận và gia đình hướng dẫn việc bồi hoàn kinh phí, nhưng anh Luận và gia đình chưa thực hiện nghĩa vụ nên bị kiện ra tòa.

Tương tự là trường hợp chị Huỳnh Thị Thanh Trà (ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Đại học Quốc tế Tây Mỹ, Mỹ), thành phố đã cấp hơn 1,5 tỷ đồng để bắt đầu việc học từ tháng 2/2006. Tốt nghiệp đại học loại giỏi năm 2009, chị Trà xin học tiếp chương trình thạc sĩ (kinh phí tự túc) trong thời gian 2 năm và được thành phố đồng ý.

Ngày 27/8/2012, gia đình gửi đơn xin phép cho chị Trà ở lại làm việc 3 năm tại Mỹ, với lý do để có đủ điều kiện về tài chính của khóa học thạc sĩ. Chị Trà tự ý ký hợp đồng với Đại học San Jose State (Mỹ) xin được bảo lãnh vay nợ ngân hàng để trang trải học phí và sinh hoạt phí trong suốt khóa học và phải ở lại Mỹ làm việc 3 năm để trả nợ.

Việc chị Trà không báo cáo cho cơ quan quản lý đề án mà tự ý ký kết hợp đồng để vay nợ dưới sự bảo lãnh của Đại học San Jose, đã ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng với Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng.

Sau khi tìm hiểu kỹ sự việc, Trung tâm đã tạo điều kiện bằng việc đề nghị gia đình cung cấp giấy tờ có liên quan đến việc vay nợ ở Mỹ, đồng ý gia hạn thời gian về trình diện cũng như cam kết sẽ về làm việc cho Đà Nẵng sau thời gian làm việc tại Mỹ. Nhưng sau 3 lần gửi công văn, gia đình và cá nhân chị Trà không có phản hồi.

Với việc vi phạm hợp đồng, chị Trà và gia đình phải bồi thường gấp 5 lần toàn bộ kinh phí đã nhận từ thành phố, số tiền hơn 7,7 tỷ đồng trước ngày 5/4/2014. Việc nộp tiền này tiếp tục được gia hạn thêm 3 tháng. Đến tháng 8/2014, UBND thành phố Đà Nẵng đã hủy bỏ quyết định cũ, gia đình chị Trà được giảm mức bồi thường xuống còn 2 lần, tương ứng số tiền gần 3,1 tỷ đồng.

Do tiếp tục quá hạn nộp tiền, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng đã khởi kiện chị Trà và người đại diện gia đình ra tòa. Năm vụ kiện còn lại cũng xuất phát từ việc các học viên không trở về nước làm việc cho thành phố Đà Nẵng như trong hợp đồng đã ký, với nhiều lý do xin rút khỏi đề án, định cư ở nước ngoài...

Hiện, Đà Nẵng có 630 người tham gia Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khoảng một nửa học viên đã về làm việc cho thành phố. Tuy nhiên có 20 học viên vì lý do kết quả học tập không đạt đã phải ra khỏi đề án; 27 người chủ động xin ra và được thành phố đồng ý; 15 người đi học nhưng không về làm việc như thỏa thuận; 4 người đã về thành phố làm việc trong thời gian quy định 7 năm nhưng sau đó tự ý bỏ ra nước ngoài; một người không nhận việc theo sự phân công của tổ chức.

Nguyễn Đông

Nguồn: VnExpress

NỔI BẬT TRANG CHỦ