• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đà Nẵng: Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở

06/05/2015 10:00

(Cinet)- Hướng tới việc phát triển toàn diện kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, trong những năm qua, Đà Nẵng luôn chú trọng đầu tư và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên toàn thành phố. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ lâu dài và đặc biệt quan trọng trong năm 2015 – “năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Thành phố Đà Nẵng (nguồn: internet)

(Cinet)- Hướng tới việc phát triển toàn diện kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, trong những năm qua, Đà Nẵng luôn chú trọng đầu tư và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên toàn thành phố. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ lâu dài và đặc biệt quan trọng trong năm 2015 – “năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Thiết chế văn hóa là hệ thống cơ sở vật chất được sử dụng trong các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Đồng thời là phương tiện truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân.

Còn nhiều hạn chế…

Hiểu và nắm rõ được tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa, tuy nhiên trong những năm qua Đà Nẵng còn nhiều hạn chế trên lĩnh vực này. Thiết chế văn hóa cơ sở ở Đà Nẵng được xây dựng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa ở nhiều nơi trong tình trạng xuống cấp, thiếu đồng bộ dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao.

Việc xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở đã được chính quyền đầu tư và nâng cấp thường xuyên nhưng lại có tần suất sử dụng ít và một số còn bị sử dụng sai mục đích. Ngoài vấn đề thiếu hụt, xuống cấp, không đồng bộ, hoạt động văn hóa của đa số trung tâm VHTT quận, huyện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng nhà văn hóa chưa đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó,  các tiêu chuẩn về phòng, ốc, trang thiết bị để tổ chức các sinh hoạt văn hóa-thể thao cũng rất hạn chế. Thực trạng cho thấy vẫn còn tới 55/118 nhà văn hóa- khu thể thao thôn chưa đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Một số khu vui chơi giải trí còn tồn tại nhiều hạn chế như: thiếu thiết bị, không có kinh phí bảo dưỡng, địa điểm không phù hợp,…Hệ thống thư viện cơ sở hầu như chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, chỉ có 11 thư viện, phòng đọc, tủ sách cấp xã, phường. Nguồn kinh phí bổ sung hàng năm quá ít, chủ yếu là từ tài trợ, ảnh hưởng lớn đến mức hưởng thụ văn hóa đọc của người dân.

Về nguồn nhân lực, theo tiêu chuẩn mỗi NVH phường phải có một cán bộ quản lý và một cán bộ nghiệp vụ. Song, hầu hết các NVH phường hiện nay ở Đà Nẵng đều do một cán bộ văn hóa phường làm kiêm nhiệm không được đào tạo bài bản và cũng không có điều kiện chuyên tâm với các hoạt động của NVH.  Nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản cho thiết chế văn hóa, thể thao, văn hóa cơ sở tại các quận, huyện, xã, phường trong năm 2013 và 2014 chỉ hơn 78 tỷ đồng- những con số quá khiêm tốn.

Chính sách xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở

Nhận thức được những hạn chế và thiếu sót còn tồn tại, năm 2015 - Năm Văn hóa văn minh đô thị,  Đà Nẵng đã và đang đầu tư mạnh tay cho thiết chế văn hóa cơ sở. Quá trình thực hiện và xây dựng các chính sách văn hóa luôn được lãnh đạo và chính quyền quan tâm. Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa lớn, Đà Nẵng đã và đang gấp rút đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở.

Tiêu biểu trong năm 2015, thành phố đang tiến hành đầu tư nâng cấp 5 nhà văn hóa tại phường Thuận Phước, Phước Ninh, Bình Hiên, Hải Châu 2 và Bình Thuận với mức đầu tư 1,5 tỷ đồng. 5 trung tâm VHTT xã trên địa bàn huyện Hòa Vang gồm xã Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc cũng sẽ được đầu tư xây dựng. Trong năm 2015, Sở VH-TT và DL sẽ triển khai đầu tư cải tạo, nâng cấp 6 khu vui chơi giải trí với tổng kinh phí đầu tư là 4,7 tỷ đồng. Việc đào tạo cán bộ quản lý được thực hiện một cách có hệ thống và có kế hoạch cụ thể.

Đà Nẵng đầu tư nâng cấp nhiều khu vui chơi giả trí



Trong giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đầu tư mỗi năm 8 Trung tâm văn hóa-thể thao phường, xã; phấn đấu đến năm 2020 mỗi phường, xã đều có 1 Trung tâm văn hóa-thể thao phục vụ người dân. Đà Nẵng đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục tình trạng chênh lệch về hưởng thụ văn hóa. Đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL.

Bên cạnh đó, để phát huy và duy trì các hoạt động của thiết chế văn hóa, trước hết phải dựa vào các phong trào quần chúng ở địa phương. Chủ động liên tục tìm tòi cái mới, cái hay nhằm cải tiến, ứng dụng để tổ chức các hoạt động nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt tại các cơ sở sinh hoạt văn hóa. Đồng thời, lấy ý kiến đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng sau khi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại các cơ sở thiết chế của địa phương.

Hy vọng rằng, với sự quan tâm và đầu tư kịp thời, Đà Nẵng sẽ thực hiên được những mục tiêu đề ra, tiếp tục vững bước trong quá trình xây dựng thành phố văn minh, đô thị văn hóa trong thời gian tới.

CN

NỔI BẬT TRANG CHỦ