• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Đa thức”- Chứng từ của một hồn thơ nhạy cảm

25/06/2009 11:29

Thơ Hà Linh thiên về chốn cũ bến xưa, về những mộc mạc, yên bình; anh hoài niệm trên cái nền rỗng của hiện tại. Hà Linh hay đếm ngược thời gian, đếm lệch thời gian. Đa thức cho tôi thấy Hà Linh sống nặng về ân tình, anh “không bao giờ lấy nước ao làm mực viết thơ”.

Thơ Hà Linh thiên về chốn cũ bến xưa, về những mộc mạc, yên bình; anh hoài niệm trên cái nền rỗng của hiện tại. Hà Linh hay đếm ngược thời gian, đếm lệch thời gian. Đa thức cho tôi thấy Hà Linh sống nặng về ân tình, anh “không bao giờ lấy nước ao làm mực viết thơ”.


Bìa sách

Tập thơ “Đa thức” của Hà Linh gồm 33 bài lấy thời gian làm trục chính cho thi cảm. Ở Đa thức, thời gian ám lên mặt chữ. Thời gian trong thơ Hà Linh hoà quyện với xúc cảm mềm mại của chủ thể tạo thành thi tứ, thi ảnh có cấu trúc và sắc điệu thật đặc biệt. Thời gian trong thơ Hà Linh mang thi tính, hoặc chí ít cũng chuyển hoá thành cấu trúc ý nghĩa của Đa thức. Hà Linh tư duy bằng thời gian; tưởng tượng, chiêm nghiệm những biến thiên của cuộc đời từ thời gian. Thời gian quấn riết lấy Hà Linh, ám vào lời thơ, giọng thơ của tác giả. Hà Linh diễn dịch xúc cảm, tư tưởng của mình bằng cấu trúc thời gian; cả phong cảnh cũng được tác giả thời gian hoá.

Đọc ngay bài thơ mở đầu tập Đa thức, ta đã thấy khá rõ nỗi ám ảnh thời gian ở Hà Linh. Hà Linh nuối tiếc, lo âu mỗi khi nhớ “thời gian”, nhớ về Mẹ. Mẹ, ở Hà Linh trở thành hiện thân của năm tháng, của thời gian xa xưa cổ tích, của những nỗi niềm rưng rưng. Hà Linh đặc biệt nhạy cảm trước những thay đổi, lại tinh tế và kín đáo trong những cảm nhận ảo thực, vui buồn.

Di trú mọi dại khờ của con vào tóc giấu khổ đau sau những nụ cười

di trú vào đêm những quầng đen tức tưởi

giấu ước mơ vào những nén nhang

Mẹ nhẹ nhàng cổ tích chở tháng năm

ảo - thực buồi vui sóng sánh lời ru chuỗi ngày con thơ bé

di chỉ cuộc đời trên đôi bàn tay Mẹ

Thơ của Hà Linh gắn với nỗi niềm riêng tư, và nó thuộc về những khoảnh khắc, sâu lắng, và đầy hoài niệm. Hà Linh luôn muốn trở về với những xưa cũ, không phải chỉ vì, ngày đó có những nỗi đắng cay khó quên mà có cả những ước mơ, chen lẫn những dại khờ tuổi nhỏ. Nghe Đa thức, tôi ít thấy chủ thể trữ tình ngừng giọng, có lẽ ở bề sâu, Hà Linh viết trong niềm thúc giục nào đấy. Thơ Hà Linh chuyển kênh, chuyển điệu liên tục. Đang nói về những dại khờ mái tóc chan chứa cái nhìn suy tư, anh liền chuyển sang nỗi đau khổ và nụ cười của một người giàu bản lĩnh, rồi lại bất ngờ vắt sang những quầng đen tức tưởi từ điểm nhìn của một người trải nghiệm. Thơ của Hà Linh dồi dào sức nghĩ.

Hà Linh nhìn đâu cũng ra thời gian. Anh có con mắt thời gian, nên đã cảm nhận được vẻ đẹp rực rỡ của một ngày trung du thắp nắng, đã thấy được chất thơ một hoàng hôn say, một chiều rơi lệch. Hà Linh có nhiều câu thơ hay, hay ở hình ảnh, hoặc ở sự liên tưởng bất ngờ, thi vị.

- Đợi chờ giấu lửa vào đồi

rạ rơm bó lại cái thời non xanh

- Gánh chiều đổ ngược vào trời

đêm trôi cởi gió trắng đồi mê man

Đa thức, thời gian không chỉ tồn tại qua các khoảnh khắc, các đoạn thời, chứa nhiều bí mật, mà còn hiện hữu thành “Quán thời gian”, “miếng thời gian”, “cây thời gian”:

- Mặc cả với mình bán tháng ngày qua

giữ cái ghế loay hoay ăn mày dĩ vãng

- Những miếng ngày vá vào đêm vàng võ

chiều mua sương

trưa bán nắng

sáng nụ cười nợ đọng

những cái tên trượt giá vẫn còn mang…

Ngã ba một quán thời gian

dại khờ buôn bán gánh buồn phôi pha

Đa thức nói nhiều đến thời gian, cảm thức thời gian. Không một bài thơ nào ở Đa thức lại không nói đến thời gian, không lấy thời gian làm điểm tựa để trữ tình và để nghiệm sinh. Chỉ có điều, chẳng mấy khi chúng ta bắt gặp một Hà Linh hối hả, gấp gáp. Hà Linh ở Đa thức nhiều trăn trở. Anh gieo lên mặt chữ thời gian. Bài Quán thời gian khởi từ những cảm nhận mơ hồ, đến những xáo trộn, giằng co giữa các dòng thời gian, rồi kết bằng những cảm nhận “phôi pha”. Quán thời gian nhắc đến các lối ứng xử trước thời gian mà ta vẫn hay gặp ở cuộc đời này, đồng thời bộc bạch sự day dứt, xa xót về thời gian của tác giả. Kể cũng phải, Hà Linh luôn nặng lòng với dĩ vãng, với kỉ niệm. Thơ anh tràn những hương xưa, màu xưa, bến xưa, lối xưa, sông xưa, chiều xưa, phòng xưa, kí ức xưa, nỗi đau xưa… và ngày xưa.

Tôi hiểu, một người vốn có mối ưu tư về thời gian tất sẽ nói nhiều đến sự thay đổi, chuyển đổi, đến những phôi pha, vĩnh viễn, đến những cái vút đi, đọng lại, đến những cái chảy ngược dòng và cả những cái trôi tuột đến một miền xa lắc nào đó, phía trước chúng ta. Thì Hà Linh cũng vậy. Anh không có Đa thức nào ở hiện tại. Đa thức ở anh, trong cảm nghĩ của anh thuộc về ngày cũ. Anh độc hành về miền cũ. Hiếm có ai, đối diện với hiện tại lại cứ ngồi kể ra nông nỗi, rồi vá víu lại kỉ niệm, ngày vào đêm, đất với trời, câu thơ vào cánh buồm, tháng năm vào dòng sông giống với chủ nhân của Đa thức. Tôi gặp ở Đa thức một khao khát hàn gắn, chắp nối, một ước mơ được gắn bó, hoà hợp, một hoài vọng chỉ để “cân bằng khổ đau và hạnh phúc”. Lúc đầu đọc Ký ức, tôi ngỡ chỉ có cơn mơ, giấc mơ của chủ thể, nhưng sau đó thì thấy, thực ra đã chuyển thành một cách nói, một cách liên tưởng hoặc một thứ ngôn ngữ giàu cảm xúc về NGÀY XƯA của tác giả. Ký ức không dùng dấu câu, hay nói khác đi thì cái ý đắp bồi, kết nối thành dòng, dòng thơ, dòng cảm xúc, dòng thời gian ở nhà thơ đã lộ rõ. Toàn bài có 6 câu khá dài, phải ngừng ngắt nhiều lần mới rõ ý. Các ý ở bài này cứ nối nhau tạo thành mạch, cứ chồng lên nhau thành hình. Khiến tôi chợt nghĩ, cái ký ức ở nhà thơ vẫn vẹn nguyên, vẫn đủ đầy và rõ nét. Có lẽ, chỉ Hà Linh mới có cảm nhận nhiều ý vị thế này: “Chiều hoàng hôn giát đầy vẩy cáchỉ còn ta quay lại sóng âm thầm đáy mắt chảy ngược dòng”.


Hà Linh

Hà Linh nhạy cảm, đa cảm. Anh chạm vào mùa đông để cảm nhận băng giá, vào chia li để thấy mong manh. Anh hay nhắc nhớ duyên quê, rơm rạ quê, nắng quê cùng rất nhiều tín hiệu biểu hiện nghĩa quê khác. Thơ anh nhiều đối nghịch, đối nghịch cảm xúc, đối nghịch thời gian, đối lập giữa những cái thuộc về ngày xưa và những cái của thời bây giờ. Đọc Ký ức, ta thấy những biến thiên của lời nói, khuôn mặt, nốt nhạc. Tác giả cố ý dùng nhiều lần từ xưa, biến từ xưa thành những nốt luyến láy, những điểm nhấn về ranh giới, để truyền đạt cảm giác mất mát, hẫng hụt, thậm chí cả ngơ ngác, hốt hoảng. Ở Đa thức, các chữ ngày xưa, hồ xưa, rừng xưa thường được đặt bên cạnh các từ vùi lấp, bôi xoá, hoang vắng hoặc chìm đâu, giờ khuất, biết bao giờ.

Sự thay đổi của thời gian trong Đa thức, đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời chủ thể. Chẳng hạn ở bài thơ Nối lại lời ru. Xin đọc lại đoạn: “Sớm mất ông bà/ đứt sớm lời ru/ nẻo đường quê gần thế hoá xa mờ/ một mình mẹ một đàn con nhỏ/ điệu ầu ơ chẳng tới được ban mai…”. Cái rời rạc, đứt gãy của hơi thơ, điệu thơ cộng hưởng với sự lặp lại của từ “sớm” ở hai dòng đầu một mặt tô đậm sự kiện diễn ra đột ngột, ngắn ngủi, mặt khác gợi cảm giác bơ vơ, chơi vơi. Câu thứ ba được kéo dài để hợp với cảm nhận viên miễn cùng những bất thường về nẻo quê xa xăm, trống trải. Câu thứ tư nhịp đều đều, rất gần với nỗi vất vả, nhọc nhằn hàng ngày ở mẹ. Câu thứ 6 pha trong giọng hờn trách có xúc cảm ngùi ngùi, nằng nặng.

Thời gian ở Đa thức, có nhiều biến, nhưng chủ yếu gắn với sự chia lìa, tản mát, lẻ loi của con người, con thuyền, của ngọn gió, năm tháng, của giọt nước, nắng chiều (Lạc).

Hà Linh nói nhiều đến CHIỀU. Anh miêu tả những nắng, gió, nụ cười, ánh mắt từ những cảm nhận mong manh, mơ hồ của một tâm hồn thi sĩ nhạy cảm. Có lẽ, Hà Linh đã bắt gặp ở CHIỀU những dấu vết của tàn lụi, của phôi pha, của im lặng, chiều hợp với khoảng khắc lắng lại của Hà Linh, chiều nhắc nhở, cả hối thúc anh trở về với chính mình, với “ngàn xưa cổ tích”. Chiều trong cảm nhận của Hà Linh biến thành một định nghĩa, một nghiệm của Đa thức - thời gian.

Nhưng Hà Linh cũng hay nói đến ĐÊM, thì cũng bởi, chiều chỉ cho Hà Linh thấy những phôi pha, rơi rụng, còn đêm mới vẽ ra cho Hà Linh những cảnh cô đơn, lắt lay.

- Đêm xoá màu

mặc những vàng thau

tự xử trong cuộc chơi với lửa

- Đêm giữa anh và em xa như lời hứa

vạch dưới ánh mắt anh nửa phía tối vầng trăng

Thơ của Hà Linh đầy những nắng, nắng chói, nắng cồn cào, ngày chở nắng, nắng rải đầy ngõ lối, nặng gọi, nắng hoá mong manh, nắng rơi vào đêm… có cả một miền nắng trong Đa thức - thời gian, Đa thức anh - em. Tuy nhiên, nắng trong Đa thức lại không thuộc hẳn về mùa nào, mà nghiêng về hoài niệm, nắng của miền nhớ, của nỗi nhớ.

Đọc Đa thức, tôi còn thấy, trong bốn mùa thì mùa thu, mùa đông bám riết lấy thơ anh da diết hơn mùa xuân, mùa hạ. Đa thức được tạo ra, chủ yếu từ sự phức hợp của thu, đông, của đêm, chiều, của những khoảng rỗng, khoảng lạnh. Thơ Hà Linh thiên về chốn cũ bến xưa, về những mộc mạc, yên bình; anh hoài niệm trên cái nền rỗng của hiện tại. Hà Linh hay đếm ngược thời gian, đếm lệch thời gian. Đa thức cho tôi thấy Hà Linh sống nặng về ân tình, anh “không bao giờ lấy nước ao làm mực viết thơ”.

Thanh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ