• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đặc sắc lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô

Văn hoá 19/12/2022 20:54

(Tổ Quốc) - Một thời Aza Koonh tưởng chừng mai một, nhưng những nỗ lực của đồng bào Pa Cô đã cứu lấy một phong tục tốt đẹp, lưu truyền nét tinh hoa văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo.

Aza Koonh là lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền của dân tộc Pa Cô nói riêng và các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) nói chung, nhằm đánh dấu thời điểm kết thúc của một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Đây là một nét tinh hoa văn hóa độc đáo được duy trì qua nhiều thế hệ người đồng bào Pa Cô.

Tết Aza Koonh còn được gọi với nhiều tên khác như: Tết Aza, Tết cơm mới, lễ hội tri ân cây lúa… Trong ngày hội Aza người dân thể hiện lòng thành kính biết ơn đến các vị thần linh, lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa đã nuôi dưỡng lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đồng thời, lễ hội cũng để cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau.

Đặc sắc lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô - Ảnh 1.

Chuẩn bị các lễ vật cho Lễ hội Aza Koonh.

Theo thông lệ, Tết Aza được bắt đầu từ mồng 6/11 âm lịch và kéo dài cho đến hết ngày 24/12 âm lịch. Trong những ngày này, mỗi làng sẽ chọn một ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian đó để tổ chức lễ Aza. Thường thì hai ngày tốt nhất đó là ngày mồng 6/11 và ngày 24/12 âm lịch vì đó là thời điểm mặt trăng đẹp nhất.

Già làng Quỳnh Quyền (thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) cho hay, ngày Tết Aza với đồng bào người Pa Cô rất quan trọng, mỗi năm cứ đến dịp này con cháu dù đi đâu hay làm gì cũng sắp xếp công việc trở về chung vui với bản làng.

Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội Aza của người Pa Cô được phân chia rõ ra 2 phần là phần lễ và phần hội. Ở phần lễ sẽ tái hiện đầy đủ các bước nghi lễ như: A xa a rah (lễ tẩy rửa); Kâl laiq (lễ xua đuổi các linh hồn dữ); Cha chootq (lễ chuẩn bị); Lễ Kacoong tro (lễ mời mẹ lúa); Lễ cúng Aza (cúng các vị giống cây trồng); Lễ cúng cho Giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, núi, mây, mưa, lửa, đất, đường xá,...); Lễ cúng Giàng Ku muuiq (những người đã khuất); Lễ cúng Giàng Pa nuôn (vị thần che chở khi buôn bán); Lễ cũng Giàng A zel; Lễ cúng Giàng Cợt (vị thần ban tặng con người); Lễ cha đoooi aarr beh (lễ ăn cơm mới); Lễ giao mâm cỗ; Lễ Pa choo Tâm moi (nghi lễ tiễn khách). Các lễ vật kèm theo nghi lễ cũng được người dân chuẩn bị không kém phần đầy đủ và trang trọng.

Đặc sắc lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô - Ảnh 2.

Nghi lễ mời ăn cơm mới và tái hiện cảnh nghỉ ngơi trong Lễ hội Aza Koonh.

Trong các bước nghi lễ, lễ cúng Giàng A zel rất được người dân nơi đây xem trọng. Theo quan niệm của người Pa Cô, A zel có 2 vị thần là thần A bum a boi ở trên trời có công mài nhẵn hình hài con người tạo nên các giống cây trồng vật nuôi, điều hòa khí hậu cho mùa màng tốt tươi, bội thu. Thần Tu looi taarr tooq (thần giun đất) ngự trị ở dưới đất, sinh sản lớp đất thịt màu mỡ và có công nuôi dưỡng các loại giống cây trồng tươi xanh, nặng bông, trĩu quả.

Khi phần lễ kết thúc cũng là lúc bước vào phần hội. Lúc này, trong không khí vui mừng đón tết Aza Koonh, những chàng trai, cô gái Pa Cô sẽ cùng nâng lên những ly rượu đầy để chúc mừng nhau có sức khỏe dồi dào, một vụ mùa bội thu. Trong những làn điệu dân ca truyền thống, họ cùng nhau ca những ca khúc, nhảy những điệu múa của dân tộc mình.

Theo người Pa Cô, hằng năm, lễ hội Aza được tổ chức không chỉ tạ ơn các đấng thần linh theo phong tục mà còn là dịp để người dân ở các thôn bản ngồi lại quây quần bên nhau, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt để giúp nhau phát triển kinh tế. Đó cũng là dịp để tăng cường thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các bản làng.

Một thời lễ hội Aza Koonh tưởng chừng mai một, nhưng những nỗ lực của đồng bào Pa Cô đã cứu lấy một phong tục tốt đẹp, lưu truyền nét tinh hoa văn hóa độc đáo.

Với những giá trị của mình, ngày 20/12/2019, Bộ VHTTDL đã quyết định đưa Lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vào danh mục được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, lễ hội đã được phục dựng và đưa vào phục vụ tại nhiều sự kiện văn hóa của địa phương.

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ