• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đặc trưng di sản văn hóa Hà Nội và những vấn đề cần được quan tâm

Văn hoá 12/11/2021 11:43

(Tổ Quốc) - Thủ đô cần chú trọng vấn đề bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa của cả nước.

PGS.TS.Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, Hà Nội cần tiếp cận từ góc độ một đô thị di sản/thành phố di sản. Đó là một cấu trúc đô thị (môi trường thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) đã có quá trình hình thành qua nhiều giai đoạn phát triển của thành phố (giai đoạn tiền Đại La - Đại La - Lý - Trần - Lê - Nguyễn - Thời thuộc địa và thời kỳ hiện đại). Nó hàm chứa các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ và các giá trị khác.

Ở đó có sự hiện diện của một phức hệ/hệ thống sinh thái - nhân văn hay các cảnh quan đô thị được tổ hợp để thích nghi với những điều kiện tự nhiên và có khả năng đáp ứng nhu cầu sống và phát triển của cộng đồng cư dân phi nông nghiệp là chính (thương nghiệp và công nghiệp). Đô thị di sản phản ánh rõ nét và sinh động thái độ và khả năng thích ứng của một cộng đồng người/thị dân hay công dân đô thị cũng như khả năng thích nghi của họ với môi trường tự nhiên để tạo ra nét văn hóa đặc sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đặc trưng di sản văn hóa Hà Nội và những vấn đề cần được quan tâm - Ảnh 1.

Bảo tồn cũng là nhằm phục vụ mục tiêu phát triển văn hóa (ảnh minh họa Nam Nguyễn)

Đô thị di sản được xác định qua bốn tiêu chí: (1) Có quá trình hình thành và phát triển liên tục trong một thời gian dài (ít nhất cũng phải trên 100 năm lịch sử), (2) Có bản sắc văn hóa, (3) Có mô hình quản lý quy hoạch một cách chuẩn mực, có tầm nhìn để bảo tồn các di sản văn hóa trong lòng thành phố và vùng ngoại vi kết hợp với xu hướng phát triển đô thị hiện đại (thành phố xanh, sạch, đẹp và thông minh), (4) Có cơ chế linh hoạt để sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa với tư cách là tài nguyên chiến lược cho phát triển du lịch bền vững, đồng thời cũng là tài nguyên giáo dục mở cho nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Hà Nội là kinh đô, ngàn năm văn hiến, chắc chắn phải được đối xử như một đô thị di sản điển hình của Việt Nam.

Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 còn khá khái quát và chung chung chưa toàn diện thiếu tính đột phá tất yếu là hiệu lực thực tiễn của luật không cao và rất khó thực hiện. Trước hết, Luật Thủ đô không có phần nói rõ mục tiêu lớn về quản lý nhà nước trong xây dưng và phát triển Hà Nội, luật nêu phạm vi điều chỉnh mà không xác định đối tượng điều chỉnh của luật là gì. Điều 3, Giải thích từ ngữ có ba khoản từ nội thành - ngoại thành - vùng Thủ đô là chưa đầy đủ và thực chất nó cũng chưa hề liên quan rõ ràng với các nội dung các điều khác ở phần sau.

Thứ nữa, những điều khoản liên quan tới xây dựng và phát triển Thủ đô (Điều 8,9 và 10) không có sự khác biệt gì so với luật quy hoạch của cả nước. Quy hoạch cũng là một công cụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quản lý xã hội. Ta hiểu, quy hoạch và phát triển xây dựng Hà Nội có 2 mục tiêu lớn là tổ chức môi trường sống đô thị và kiểm soát để môi trường đó ổn định, trong lành, phục vụ cho con người theo hướng đô thị vị nhân sinh. Để cả 2 mục tiêu lớn của quy hoạch được thực thi với hiệu quả cao nhất, dứt khoát phải có bộ máy quản lý đô thị hoàn chỉnh, đủ mạnh, đồng thời phải xác định thật cụ thể các chương trình đầu tư phát triển đô thị theo những lĩnh vực cần được ưu tiên trong một trật tự nhất định. Hơn nữa, quy hoạch xây dựng và phát triển Hà Nội còn cần có tầm nhìn tương thích với từng giai đoạn nhất định.

Tại Điều 11, nội dung Bảo tồn và phát triển văn hóa đã bộc lộ sự mất cân đối giữa hai mặt hoạt động là bảo tồn và phát triển. Ta thấy sự thiên lệch về bảo tồn di sản văn hóa mà chưa chú trọng nội dung phát triển văn hóa. Suy cho cùng thì bảo tồn cũng là nhằm phục vụ mục tiêu phát triển văn hóa. Căn cứ vào những danh hiệu cao quý mà Hà Nội được vinh danh, ta thấy trong cả nước khó có tỉnh, thành phố nào đủ khả năng cạnh tranh với thế mạnh văn hóa của Thủ đô "ngàn năm văn hiến", ngược lại, Hà Nội cũng rất khó cạnh tranh với các thành phố bạn về đầu tư kinh tế như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đồng Nai v.v… Vậy tất yếu Luật Thủ đô phải xác lập thể chế và cơ chế thích hợp cho phát huy thế mạnh văn hóa của Hà Nội. Mặt khác, văn hóa Hà Nội không chỉ là văn hóa thị dân/nội đô mà nông dân/nông thôn, ngoại ô vẫn còn chiếm tỷ trọng không nhỏ. Vì thế, cân đối phát triển văn hóa ở hai khu vực chủ đạo này cần được cần được lưu ý.

Sự mất cân đối còn thể hiện ở mối tương quan giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Luật Thủ đô thống kê các loại hình và một số di tích cần ưu tiên mà không xác định rõ ưu tiên ở những nội dung hoạt động nào?

Đặc trưng di sản văn hóa Hà Nội và những vấn đề cần được quan tâm - Ảnh 2.

Cần những dự án có tính thực tiễn để biến các di sản văn hóa thành các sản phẩm, tour, tuyến du lịch di sản điển hình trong cả nước, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa của Thủ đô

"Luật Thủ đô được điều chỉnh phải chỉ rõ những ý tưởng quy hoạch, các chương trình hoạt động hay những dự án có tính thực tiễn để biến các di sản văn hóa thành các sản phẩm, tour, tuyến du lịch di sản điển hình trong cả nước, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa của Thủ đô là du lịch văn hóa, du lịch thông minh. Mặt khác, không gian văn hóa truyền thống trong di sản văn hóa thế giới (Trung tâm Hoàng thành Thăng Long), các di tích quốc gia đặc biệt (Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Cổ Loa) và các di tích quốc gia trên địa bàn Hà Nội phải được bảo tồn để trở thành những "không gian sáng tạo" văn hóa phù hợp với danh hiệu "Thành phố thông minh sáng tạo""- PGS.TS Đặng Văn Bài chia sẻ.

Từ đó, PGS. TS Đặng Văn Bài kiến nghị, Luật Thủ đô nên tiếp cận di sản văn hóa của Hà Nội với tư cách một đô thị di sản/thành phố di sản để có thái độ ứng xử tương thích theo xu thế bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối, lồng ghép phát triển mang tính chất bao trùm trong tất cả các hoạt động bảo tồn. Mặt khác, cần có tầm nhìn và cơ chế khích lệ để di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại thấm sâu vào tất cả các mặt hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa cũng như đời sống thường nhật của các công dân Thủ đô.

Đó là phương thức duy nhất đáng để truyền lưu và lan tỏa tinh hoa lối sống thanh lịch của người Tràng An - một tài sản văn hóa quý giá của cả nước. Sau hết, cần thay đổi quan điểm sai lầm cho rằng đầu tư cho văn hóa và cho bảo tồn di sản văn hóa là gánh nặng ngân sách, ngược lại, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho việc duy trì và gia tăng nguồn thu từ hoạt động văn hóa. Ngày nay, thế giới đã tập trung sự chú ý vào kinh tế học di sản (giá trị kinh tế trong di sản văn hóa). Câu hỏi cần được làm sáng tỏ trong Luật Thủ đô là: "Tỷ lệ ngân sách cân đối để lại cho phát triển Hà Nội là bao nhiêu phần trăm, trong đó tỷ lệ cho phát triển văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa là bao nhiêu phần trăm?" phải được xác định cụ thể. Đó là mới là minh chứng xác thực cho sự ưu tiên phát triển Thủ đô./.

Hồng Hà (ghi)

NỔI BẬT TRANG CHỦ