(Tổ Quốc) - “Cơn lốc” Việt Á khiến chúng ta không khỏi căm phẫn xót xa, không phải vì nhiều quan chức bị khởi tố, mà vì sự sa ngã của họ xảy ra trong những tháng ngày cả nước căng mình ứng phó với COVID-19.
Đại án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn liên quan vụ Công ty CP công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 đang gây chấn động dư luận.
Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam 60 người, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; một số lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng; cùng hàng chục lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành phố.
"Cơn lốc" Việt Á khiến chúng ta không khỏi căm phẫn xót xa, không phải vì nhiều quan chức bị khởi tố, mà vì sự sa ngã của họ xảy ra trong những tháng ngày cả nước căng mình ứng phó với COVID-19.
Tính đến ngày 10/6/2022, cả nước đã có hơn 10,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 43.000 ca tử vong, theo thống kê của Bộ Y tế. Biết bao gia đình đã mất người thân; hơn 2.500 trẻ bỗng mồ côi, nhiều trẻ mất cả cha lẫn mẹ.
Năm 2021, có 119.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020; và có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp vì COVID-19, tăng 203.700 người so với năm 2020.
Ngoài những con số thống kê nói trên, những thiệt hại trong hai năm COVID-19 là không thể kể hết, bởi dịch bệnh ảnh hưởng đến nhà nhà, người người. Nhu cầu đi lại, học tập, đời sống tinh thần bị hạn chế; bữa cơm hằng ngày bị ảnh hưởng; các nhân viên y tế tình nguyện lên tuyến đầu, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm; những bệnh nhân COVID-19 qua đời đều không có người thân đưa tiễn…
Hai năm khó khăn chồng chất khó khăn cho cả nước. Đó là chưa kể trong những đợt cao điểm phòng, chống dịch ở một số địa phương, cứ 2-3 ngày, đại diện hộ gia đình đều phải xếp hàng chờ xét nghiệm.
Khi việc thổi giá kit xét nghiệm COVID-19 bị phanh phui, người dân mới biết mình đã "được" sử dụng kit đội giá lên đến 45% và chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) test, nghĩa là chưa biết chất lượng có bảo đảm hay không. Thậm chí, kit xét nghiệm của Việt Á bị WHO loại ngay ở vòng hồ sơ từ tháng 10-2020, nhưng vẫn được cả nước sử dụng.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm về sự gian dối này? Lãnh đạo Công ty Việt Á lớn mạnh đến đâu mà có sức ảnh hưởng rộng như thế? Ước tính Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho các CDC 62/63 tỉnh, thành và các cơ sở y tế khác với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Tham nhũng, trục lợi trong lúc dịch bệnh đe dọa tính mạng của bao nhiêu người thì quả thật táng tận lương tâm! Điều đáng nói là trong những thời điểm khó khăn đó, cả nước hướng về những vùng tâm dịch bằng tất cả tấm lòng cùng hành động nhường cơm sẻ áo; lực lượng y tế, công an, quân đội, thanh niên - tình nguyện viên, tổ trưởng tổ dân phố… đều "ra trận", thì các quan chức - những cán bộ được đào tạo bài bản cả về chuyên môn lẫn cao cấp lý luận chính trị - lại chia nhau 800 tỷ đồng tiền "lót tay" từ Công ty Việt Á.
Việc khai trừ khỏi Đảng, bãi nhiệm chức vụ của các quan chức cấp cao sai phạm cho thấy quyết tâm chính trị rất cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, về việc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Những thông tin nóng đó đến dồn dập, đang tạo dựng niềm tin vững chắc của người dân vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, đồng thời tin tưởng vào bộ máy thực thi pháp luật của Nhà nước.
Trong đại án Việt Á, người dân mong muốn các cơ quan pháp luật nhanh chóng làm rõ bản chất, xác định đúng người, đúng tội đối với từng cá nhân vi phạm để có những bản án đích đáng.
Xét rộng ra về công tác cán bộ, theo quy định, công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị vốn được làm bài bản, chặt chẽ. Vậy mà vẫn xảy ra tình trạng cán bộ tha hóa, biến chất, ăn chặn trên nỗi đau, nước mắt và xương máu người dân theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với quy mô lớn, phạm vi rộng.
Thật căm phẫn khi có những cán bộ hôm nay tuyên bố "không nhận bất cứ thứ gì của Công ty Việt Á", "minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư kit xét nghiệm với Công ty Việt Á", thì hôm sau bị khởi tố và bị bắt.
Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp, tạo ra "thượng phương bảo kiếm"; từ đó cán bộ mới không thể tham nhũng, có muốn cũng không dám tham nhũng, không nghĩ đến chuyện tham nhũng.
Làm sao để luôn có những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, thật sự là công bộc của dân, không bị đồng tiền làm mờ nhân cách? Người dân mong mỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải trong sạch; đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn vững vàng; giữ vững cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
"Lò" vẫn đang cháy và chủ trương "không có vùng cấm" trong công tác phòng chống tham nhũng đang được người dân hết sức ủng hộ. Nếu cán bộ, đảng viên không gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật; không thật sự vì dân, thì sẽ làm giảm niềm tin của nhân dân và chắc hẳn sẽ có còn có những đại án tương tự Việt Á.