(Tổ Quốc) - Sáng 29/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia khống chế thành công Covid-19. Trong đó, chiến lược ngoại giao vaccine thành công, có đủ, kịp thời cho nhân dân.
Theo đại biểu, nguồn ngoại giao vaccine đã có hơn 24.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 150 triệu liều. Việc nhanh chóng lập Quỹ Vaccine phòng chống dịch Covid-19 kịp thời đã chặn đứng đại dịch, cứu được sinh mệnh của nhân dân.
"Đại dịch Covid-19 vừa qua ác liệt không khác gì cuộc chiến tranh. Do vậy, đóng góp của nhân dân là vô cùng quý báu. Quốc hội trân trọng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cá nhân và tập thể đã đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, báo cáo giám sát của đoàn giám sát Quốc hội cũng thể hiện đã có những sai phạm trong lĩnh vực phòng chống Covid-19. Trong đó, có những sai phạm tưởng chừng rất ít xảy ra như nghiên cứu y học, nghiệm thu, chuyển giao công nghệ.
"Có những cú lừa ngoạn mục, sắc như dao cắt của Công ty Việt Á trong tổ chức sản xuất kit test Covid-19. Những việc này là bài học thật đau đớn, rất đáng lên án và phải trả giá quá đắt.
Tôi đồng ý những ai tham ô, tham nhũng trong hoạt động chống Covid-19 cần xử lý thật nghiêm khắc, song cũng cần xử lý thật công bằng với những ai có sai sót nhưng không phải vụ lợi mà vì để kịp thời cứu người bệnh", đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ.
Đại biểu cũng đề nghị ngừng nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid - 19 tại Việt Nam, vì đã là quá muộn để nghiên cứu sản xuất loại vaccine này, mà cần tìm mua loại vắc xin tốt, với giá cả hợp lý và đủ để tiêm phòng cho Nhân dân. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đề xuất một số giải pháp liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật và y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ thống nhất cao với báo cáo giám sát.
Đồng thời, đại biểu cho biết, việc lựa chọn chuyên đề giám sát này là rất trúng và đúng, khi đất nước đã trải qua giai đoạn phòng, chống dịch gian khó, chúng ta thấy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ, đồng thời cũng thấy được những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục.
Làm rõ hơn những bất cập trong thực tế, đại biểu Nguyễn Hữu Thông phản ánh, trong quá trình phòng, chống dịch, đội ngũ y, bác sĩ đã cố gắng hết sức để có trang thiết bị cứu sống người bệnh, tuy nhiên, sau dịch, nhiệm vụ chiếm nhiều thời gian và tâm trí của nhiều y, bác sĩ lại là chuẩn bị các nội dung giải trình, làm rõ việc huy động nguồn lực, hoàn trả trang thiết bị cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, lĩnh vực này vẫn chưa được đầu tư thỏa đáng, chưa tương xứng với quan điểm "y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng", cơ chế tài chính chậm đổi mới, điều kiện về thuốc, trang thiết bị chưa đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ được giao, nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến huy động, phân bổ, quản lý sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch; có cơ chế riêng để thực hiện việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch khi dịch xuất hiện, tránh bị động, bất ngờ, lúng túng.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có chỉ đạo để các cơ quan, đơn vị hữu quan giải quyết, thanh toán việc mua sắm, mượn vật tư y tế phục vụ việc chống dịch. Ngoài ra, cần nâng số lượng biên chế ở các trạm y tế cấp cơ sở để đảm bảo hoạt động hiệu quả phục vụ người dân, tăng cường đầu tư trang thiết bị ở tuyến cơ sở để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh tại các trạm y tế./.