• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa

Thực hiện: Thế Công | 27/10/2022

(Tổ Quốc) - Tiếp theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, chiều 27/10, Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, lĩnh vực văn hóa được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Phát triển văn hóa chưa tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, song song với phát triển kinh tế, việc xây dựng và phát triển văn hóa đã được quan tâm hơn nhiều, thể hiện qua các chương trình triển khai Kết luận số 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tại các địa phương.

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh)

Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã có tác động rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành văn hóa cũng như các địa phương. Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng phải tăng cường đầu tư cho văn hóa vì phát triển văn hóa vẫn chưa thật tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà nêu quan điểm, công cuộc chấn hưng văn hóa luôn phải được bắt đầu từ yếu tố trung tâm là con người, trong đó trọng tâm là thế hệ trẻ, bởi họ là nguồn lực chính trong sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Hành vi của họ sẽ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hành vi văn hóa của cộng đồng, vì vậy vấn đề văn hóa số rất cần được quan tâm.

Đại biểu đề cập một số tồn tại trong ứng xử của thanh thiếu niên trên không gian mạng, đó là ảnh hưởng của những người trẻ nổi tiếng, là thần tượng của đông đảo người hâm mộ có độ phủ rộng và ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ. Những hành vi ứng xử lệch chuẩn của những người nổi tiếng dễ định hướng sai lệch trong việc hình thành nhân cách cho những người hâm mộ trẻ tuổi.

"Không khó để nhìn ra được thực trạng thần tượng nào người hâm mộ đó là ngược lại. Vì vậy, họ cần có trách nhiệm với những phát ngôn trên báo chí. Mạng xã hội cũng cần phải có trách nhiệm đối với hành vi và lối sống của mình" - nữ đại biểu nhấn mạnh.

Sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa

Vị đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng đề cập đến trào lưu các bạn trẻ làm việc trên các nền tảng xã hội nhưng điều mà nhiều bạn trẻ thể hiện trên kênh cá nhân của mình không phải là tài năng để đem lại những giá trị hữu ích cho cộng đồng mà là những nội dung phản cảm, đi ngược thuần phong mỹ tục, bạo lực chỉ để câu like, câu view.

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa - Ảnh 3.

Các đại biểu dự phiên thảo luận

Ngoài ra, việc lướt xem các video có nội dung xấu độc như vậy sẽ thường xuyên sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý, dễ dẫn tới những hành vi không chuẩn mực của những thanh thiếu niên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vụ án thương tâm xảy ra gần đây do người trẻ gây ra vì những mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn tình tiền…

Tôi thống nhất và đánh giá cao 6 quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đặc biệt tôi quan tâm đến quan điểm thứ năm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đó là: Phát triển văn hóa phải được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến bộ, công bằng, xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

ĐBQH Bố Thị Xuân Linh - ĐoànBình Thuận

Từ đó, đại biểu đề xuất Chính phủ cần chú trọng phát triển văn hóa khi triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội thông qua. Quốc hội cần sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo của Chính phủ là phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế xã hội.

Cần có môi trường pháp lý chặt chẽ nhằm quản lý các nền tảng mạng xã hội để người dùng được tiếp cận với những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi và văn hóa, hạn chế và kiểm soát những video tài khoản đăng tải những nội dung xấu, độc… Có chế tài xử lý thích đáng và đủ sức răn đe với những trường hợp nghệ sĩ có phát ngôn, cư xử, lối sống không phù hợp, không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của giới trẻ.

Mức đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng

Cho ý kiến liên quan đến lĩnh vực văn hóa, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) khẳng định, văn hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, mang tính lâu dài của đất nước, văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vì vậy, phát triển sự nghiệp văn hóa đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư.

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa - Ảnh 4.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La)

Từ khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 30 ngày 20/7/2004 về đầu tư văn hóa, đó là tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định đầu tư cho văn hóa trở thành giải pháp để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

"Trong những năm qua, tôi thấy mức đầu tư cho văn hóa còn rất thấp, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Qua khảo sát và niên giám thống kê của một số tỉnh từ năm 2015 đến năm 2020, chưa có một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa" - nữ đại biểu đoàn Sơn La bày tỏ băn khoăn.

Để triển khai thực hiện hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, quan tâm tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt nhiều thành tựu

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của cha ông ta để lại, khai thác giá trị kinh tế, đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về Văn hóa - Ảnh 5.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế)

Đại biểu cho biết, Điều 9, Luật Di sản văn hóa có quy định: Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đóng góp, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Dẫn thông tin bảo vật ấn "Hoàng Đế chi bảo" của vua Minh Mạng truyền đến đời vua Bảo Đại đã được đem ra đấu giá, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đây là bảo vật biểu tượng của quốc gia, vì vậy, người giữ ấn và tổ chức đem ra đấu giá đều là bất hợp pháp.

"Các Bộ, ngành cần tham mưu cho Chính phủ để dừng cuộc đấu giá, và dùng các biện pháp để đưa bảo vật quốc gia này trở về Tổ quốc, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa" - vị đại biểu đoàn Thừa Thiên Huế đề nghị./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ