• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật Bảo vệ người làm việc tốt

Pháp luật 22/05/2020 09:43

(Tổ Quốc) - Nêu ý kiến tại phiên thảo luận từ đầu cầu Bình Định, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành đạo luật mới là Luật Bảo vệ người làm việc tốt.

Vì sao cần ban hành Luật Bảo vệ người làm việc tốt?

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận từ đầu cầu Bình Định, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành đạo luật mới, đó là Luật Bảo vệ người làm việc tốt.

Về lý do, theo ông Cảnh là xã hội được điều chỉnh bởi nhiều hành vi mà hình thức là hành vi pháp luật và hành vi đạo đức. Do xã hội ngày càng phát triển và quy định pháp luật cũng ngày càng bao quát đến gần hết các hành vi của con người trong đời sống xã hội nên hành vi đạo đức dần bị thu hẹp.

ĐBQH này cũng chỉ rõ, nhiều việc chúng ta thấy người ngoài xã hội vô cảm trước những khó khăn, vô cảm trước các nguy hiểm có thể xảy ra với người khác. Một phần ít trong số đó là những người không tốt, còn lại một số người không giúp đỡ người khác là do họ có tâm lý sợ phiền hà, trách nhiệm về tâm lý, sợ bị hiểu nhầm.

"Họ có thể giúp đỡ người khác không mong được trả ơn, nhưng họ không làm bởi hành động của họ có rủi ro mà chưa được pháp luật bảo vệ, bởi ngoài tự bảo vệ cho bản thân thì họ phải chăm lo cho gia đình.

Pháp luật mà chỉ quy định việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế vì từng con người mong muốn làm việc tốt", ông Cảnh nói.

Vì vậy, để phát huy hành vi đạo đức trong xã hội, ông Cảnh đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật Bảo vệ người làm việc tốt.

"Nội dung chính là bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác, tinh thần miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí mà không đòi hỏi, kể công. Đồng thời, cũng chống lợi dụng làm việc tốt để vi phạm pháp luật", ông Cảnh nêu thêm.

Đề xuất nghiên cứu, ban hành Luật An ninh về kinh tế

Cũng nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Quốc hội có thể sang năm hoặc bắt đầu nghiên cứu, giao Chính phủ, cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, ban hành Luật An ninh về kinh tế.

Lý do, theo ông Vân, xuất phát từ những nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế của đất nước. Cụ thể, nguy thơ thứ nhất, theo ông Vân là về chủ quyền Quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.

"Chúng ta có thể thấy đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở các doanh nghiệp do người Trung Quốc nắm giữ về du lịch hay các hoạt động kinh doanh khác. Bản đồ đường lưỡi bò phi pháp thể hiện qua nhiều công cụ tác động đến chủ quyền Quốc gia.

Hay dự án bất động sản ven biển vừa qua. Đó là những vấn đề đe dọa đến chủ quyền Quốc gia thông qua hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế", ông Vân nêu.

Đại biểu đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật Bảo vệ người làm việc tốt - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Thanh Vân.

Nguy cơ thứ 2, ông Vân chỉ ra những bất ổn về kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ số về tăng trưởng, đầu tư công, an toàn chính sách tài khóa.

Thứ 3 là nguy cơ về tham nhũng thông qua dự án hợp tác quốc tế mà thấy rõ qua việc hợp tác đó để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm để thao túng kinh tế.

Thứ 4 là nguy cơ tham nhũng chính sách đầu tư thông qua quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai. 

Thứ 5 là khiếu kiện cũng từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất.

Nguy cơ thứ 6 là vấn đề an ninh về môi trường thông qua các dư án đầu tư hợp tác với nước ngoài, đặc biệt các khu công nghiệp xả thải ra môi trường vô tội vạ, đe dọa đến môi trường sống, tính mạng của nhân dân.

Nguy cơ thứ 7 là an ninh về văn hóa xét từ về góc độ hợp tác đầu tư với nước ngoài. 

Nguy cơ cuối, theo ông Vân là tác động từ toàn cầu hóa sau nhìn nhận đại dịch Covid-19 toàn cầu.

"Thế giới đang được vẽ lại bản đồ về chính trị, kinh tế và các lỗ hổng về toàn cầu hóa, thông qua đại dịch đã buộc các quốc gia phải thắt chặt lại an ninh kinh tế theo cách riêng của mình, đó là bảo đảm nội lực để ngăn chặn các tác động xấu của ngoại lực.

Là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của đại dịch Covid-19 có thể phá vỡ đi độ liên kết của các quốc gia trong hoạt động kinh tế.

Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, có thể đạo luật này là tập hợp các quy định rải rác ở văn bản khác, mang tính tố tụng về kinh tế, đặc biệt trong thu hút đầu tư để chế định tất cả vấn đề mang tính nguyên tắc nhất để xử lý các vấn đề an ninh kinh tế", ông Vân nêu thêm.

Hoàng Đan

NỔI BẬT TRANG CHỦ