(Tổ Quốc) - Một câu hỏi lớn đang được đặt ra và mỗi chúng ta phải tìm cho được câu trả lời, đó là: Nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức là do đâu?
- 09.07.2019 Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: “Một bộ phận cán bộ làm việc còn cầm chừng, chưa yên tâm, thiếu nhiệt huyết…”
- 28.10.2018 Lo đạo đức xã hội xuống cấp
- 26.06.2018 Đạo đức xã hội và trách nhiệm của mỗi người
- 13.12.2016 Tọa đàm “Những vấn đề về đạo đức xã hội nhìn từ góc độ văn hóa”
- 30.09.2016 Chuyên mục “ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội”.
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, kỳ họp lần thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc vào sáng 9/7, diễn ra đến hết ngày 11/7.
Ngày 10/7, kỳ họp bước vào ngày làm việc thứ hai với phiên thảo luận tại hội trường. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến liên quan tới các vấn đề của xã hội đã được các đại biểu cho ý kiến. Trong đó đáng chú ý là "vấn đề suy thoái đạo đức xã hội" mà đại biểu Nguyễn Nho Khiêm nêu ra.
Theo đại biểu Nguyễn Nho Khiêm, trong những năm qua, các nghị quyết của Đảng và Nhà nước, trong các kỳ họp Quốc hội, các diễn đàn xã hội khác, chúng ta đã đề cập, bàn luận khá nhiều về sự suy thoái đạo đức trong xã hội, trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền.
"Một câu hỏi lớn đang được đặt ra và mỗi chúng ta phải tìm cho được câu trả lời, đó là: Nguyên nhân của sự xuống cấp về đạo đức là do đâu?", đại biểu Khiêm đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Nho Khiêm phát biểu tại phiên thảo luận.
Theo đại biểu Nguyễn Nho Khiêm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra việc suy thoái đạo đức có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân xuất phát từ kinh tế, có nguyên nhân xuất phát từ văn hóa, giáo dục, sự kém nghiêm minh của pháp luật... Trong đó, nguyên nhân trực tiếp là sự tha hóa của con người trước sự cám dỗ từ môi trường kinh tế - xã hội.
"Khi còn nghèo khổ gian nan thì cuộc sống giữa người và người, giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân đầy tình nghĩa, yêu thương, đùm bọc. Nhưng khi trong xã hội có phân hóa giàu nghèo, một bộ phận cán bộ, nhân dân làm giàu không chính đáng, giàu không phải bằng trí tuệ, lao động của mình làm ra mà giàu nhờ lợi dụng cơ chế, móc ngoặc, tham nhũng mà có. Từ đó dẫn đến một bộ phận cán bộ, nhân dân tha hóa và đó cũng là lúc đạo đức xã hội suy thoái, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì giá trị văn hóa của xã hội cũng sẽ suy thoái theo", đại biểu Khiêm nói.
Từ đó, vị đại biểu này cho rằng, để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức trọng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay, trước hết pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh và kịp thời; Công bằng xã hội cần được hét sức tôn trọng; Khẩn cấp vá những lỗ hổng trong cơ chế, để ngăn chặn hiệu quả tệ nạn tham nhũng kinh tế, tham nhũng quyền lực.
Minh họa: Ngọc Diệp
Theo đại biểu Nguyễn Nho Khiêm, giá trị đạo đức truyền thống bị đảo lộn, giá trị đạo đức mới chưa hình thành vững chắc: Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của ông cha ta có xu hướng mai một hoặc có biểu hiện phát triển theo chiều hướng xấu. Tệ nạn mê tín dị đoan, xem bói toán, đốt vàng mã tràn lan; Việc cưới, việc tang, việc giỗ chạp trong các gia đình thiên về hình thức rình rang, thiếu một chiều sâu văn hóa; Lối sống ích kỷ, chỉ biết vun quén cho bản thân, gia đình mình, không quan tâm đến cộng đồng, đến sự phát triển chung của xã hội.
"Trong lúc các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ lung lay thì các giá trị văn hóa, đạo đức mới chưa được xác lập một cách khoa học. Bao năm qua, năm nào chúng ta cũng hô hào "Xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống văn hóa mới", nhưng chủ yếu là hình thức, là phong trào, không đi vào đời sống thực chất của người dân.
Việc xây dựng đạo đức trong xã hội gắn liền một phần với việc xây dựng đời sống văn hóa. Đề nghị trong thời gian tới lãnh đạo thành phố cần quan tâm đưa các nội dung xây dựng đời sống văn hóa trong nhân dân, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị không dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền mà nội dung cần thực chất, trên cơ sở khoa học", đại biểu Khiêm nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng để từng bước ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức hiện nay, thành phố cần xây dựng và củng cố hệ thống các quy tắc đạo đức trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội.
Khi mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực có bộ quy tắc ứng xử về đạo đức sẽ giúp đạo đức xã hội được ổn định trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan ra toàn xã hội. Hệ thống các quy tắc giúp xác lập các nội dung đạo đức một cách cụ thể. Các giá trị đạo đức khi hình thành sẽ dẫn dắt sự phát triển của xã hội. Các giá trị đạo đức có tác dụng vừa ổn định xã hội, vừa tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.