• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu “hiến kế” đưa cán bộ, công chức không làm được việc ra khỏi bộ máy

Thời sự 15/11/2016 08:16

(Tổ Quốc) -Bên hành lang Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ về các vấn đề lao động, việc làm và tinh giản biên chế hiện nay.

Đánh giày cả ngày cho thu nhập cao

+ Thưa ông, nếu được đặt câu hỏi chất vấn trong những ngày tới, ông sẽ chọn nội dung nào?

- Ngoài các vấn đề của ngành Công Thương và Tài nguyên, môi trường, tôi quan tâm tới vấn đề của ngành Giáo dục và Nội vụ.

Tôi thấy giáo dục bao nhiêu năm cải cách học sinh, sinh viên vẫn kêu. Tôi rất quan tâm tới việc quy mô đào tạo rất lớn nhưng cơ cấu và chất lượng đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Có cơ hội chất vấn, tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ GDĐT lần này phải có giải pháp giữa quy mô đào tạo và cơ cấu, chất lượng đào tạo.

Hiện nay đất nước chúng ta tỷ lệ đào tạo là: cứ có 1 sinh viên ĐH thì có 1,3 trung cấp và công nhân kỹ thuật chỉ 0,9 thôi . Đây là một cơ cấu bất hợp lý, cực kỳ bất hợp lý. Các nước tiên tiến tỷ lệ này là 1 ĐH; 4 trung cấp và 10 công nhân kỹ thuật. Tức thợ phải nhiều hơn thầy nhưng ta là thầy nhiều hơn thợ thì đấy là một vấn đề ảnh hưởng đến thị trường lao động. Và vấn đề quan trọng nhất, càng đào tạo cao thì tỷ lệ càng thất nghiệp và thiếu việc làm càng lớn. Hiện có khoảng 191.000 sinh viên ĐH ra trường thất nghiệp.

Tất nhiên để đánh giá thất nghiệp ở Việt Nam cũng phải nhìn nhận một điều là các tiêu chí của chúng ta đưa ra như thế nào. Theo tôi chỉ cần đó là việc làm ổn định, đầy đủ, có thu nhập và việc làm an toàn.

Cách tính của tổ chức Lao động thế giới ILO là chỉ cần trong một tuần điều tra, “anh” chỉ làm 1 tiếng là được tính thất nghiệp. Trong khi ở Việt Nam điều đó là bình thường, nhiều người ở Việt Nam làm vài tiếng trong tuần, hoặc làm ban đêm ngủ ban ngày. Có những việc mà chúng ta thấy rất đơn giản thôi tưởng là không có việc làm nhưng thu nhập lại cao như mấy cháu đánh giày 10.000 đồng/đôi giày, đánh cả ngày có khi được 10 đôi là bằng lương mình rồi, hay bán hàng online, vận chuyển đơn hàng (shipper). Rất nhiều cán bộ của chúng ta cũng kinh doanh trên mạng, đó đều là thu nhập thì mình phải tính là việc làm.

 "Nếu không cải cách sẽ có chuyện “đói ăn vụng, túng làm càn”- Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết.

Nếu không cải cách sẽ có chuyện “đói ăn vụng, túng làm càn”

+ Với nội dung chất vấn Bộ Nội vụ, ông sẽ đặt câu hỏi gì?

- Tôi muốn hỏi, tại sao Chính phủ lại ra Nghị định 53 năm 2015 chỉ hướng dẫn cho nhóm đối tượng là nữ từ hàm Thứ trưởng trở lên, Phó chủ tịch TP Hà Nội, TP HCM được làm đến 60 tuổi mà vẫn giữ chức vụ lãnh đạo. Ngoài ra còn có thẩm phán cao cấp và kiểm sát viên cao cấp được làm đến 65 tuổi với nam và 60 với nữ.

Đây là việc chưa đúng với tinh thần khoản 3 điều 187, Bộ luật Lao động đã quy định: những người có trình độ chuyên môn quản lý, kỹ thuật cao thì được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm và có thể giữ chức vụ lãnh đạo hoặc không giữ chức vụ.

Thứ hai, nếu được hỏi, tôi còn muốn hỏi một vấn đề, cứ mỗi năm tăng 7-8% lương cơ sở thì có đúng với tính chất của cải cách tiền lương không. Tôi cho rằng không phải, đó chỉ là giải pháp tình thế, chỉ là để bù đắp trượt giá lạm phát không phải là để cải cách chính sách tiền lương khi đội ngũ cán bộ công chức của chúng ta quá nhiều. Nếu không tinh giản biên chế, không làm đúng việc sắp xếp cán bộ theo đúng vị trí việc làm thì với đội ngũ lớn thế này không cải cách được.

Tôi cho rằng, phải chuyển 2,3 triệu người đang làm khu vực sự nghiệp công sang tự chủ tự chịu trách nhiệm, khoán theo chi phí kết quả đầu ra chứ không thể để như thế này được. Thứ 2 tiền lương của chúng ta hiện nay đã 3 lần lỡ hẹn với cán bộ, công chức không nâng lương rồi.

Trong khi các văn bản của Bộ Chính trị, của Đảng đều nói phải cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ phải tham mưu cho chính phủ thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Chính sách tiền lương phải cải cách cả tiền lương cơ sở, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, cải cách cả thang lương, bảng lương, bội số tiền lương. Tiền lương phải được chi trả theo số lượng và chất lượng lao động, là đòn bẩy để tăng năng suất lao động, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển. Có như vậy, chúng ta mới có một bộ máy cán bộ, công chức toàn tâm, toàn ý, công bộc của dân, còn nếu không cải cách thì có chuyện “đói ăn vụng, túng làm càn”. Nếu không đấu tranh không giữ được bản chất của người cán bộ thì dẫn tới tiêu cực, tham nhũng.

+ Vậy theo ông, giải pháp tinh giản biên chế ở Việt Nam như thế nào khi mà càng tinh giản, bộ máy càng to?

- Tinh giản biên chế là công cuộc cực kỳ khó khăn của bất kỳ quốc gia nào, nguy hiểm ở chỗ là chúng ta đưa cán bộ vào được nhưng không đưa ra được, anh có lên chức được thì phải xuống chức được, có vào thì phải có ra, có nâng lương thì phải có xuống lương.

Tiền lương trả theo vị trí việc làm nhưng thực tế có người làm ít thì hưởng lương cao do thâm niên công tác quyết định chứ không phải là chất lượng năng suất lao động.

Chúng ta không giảm được nhưng nhu cầu mới vẫn tiếp diễn để đáp ứng với hội nhập và quá trình phát triển của đất nước, phải có những bộ phận cần thiết mà chính cán bộ đang tồn tại không thể đáp ứng được công việc đó như ngoại ngữ, công nghệ thông tin kém.

Có các cách xử lý: đến tuổi nghỉ hưu, năng lực kém chuyển vị trí khác đến lúc nào đó mà người ta cảm thấy là anh không làm được việc, anh phải rời khỏi cái ghế đó thì đó mới là vấn đề.

Nhưng bây giờ họ có vị trí rồi đưa ra rất khó, mặc dù nói các đoàn thể vận động ra nhưng đó là miếng cơm manh áo của người ta rồi, phải rời khỏi vị trí đó thì người ta không kiếm được việc gì làm cả, còn người có năng lực họ sẵn sàng ra ngay kể cả ở vị trí lãnh đạo.

Việc này làm ngay không được mà phải có bước chuyển dần, thay máu dần, phanh từ từ.

Khởi động phải có cuộc tuyên truyền vận động để chuyển biến nhận thức, họ cảm thấy việc đó là đúng, để cho mọi người chuyển việc thấy thoải mái, nếu cải cách được chính sách tiền lương, thì tự nhiên người ta không nghĩ tới chức tước, quyền lợi cá nhân mà người ta sẽ cống hiến dù không phải chức danh lãnh đạo nhưng lương vẫn cao…

+ Xin cảm ơn ông!

Song Đào, ảnh: Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ