(Tổ Quốc) - Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024....
Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu để thúc đẩy du lịch
Nêu ý kiến thảo luận tại Tổ 8 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định và TP Cần Thơ), đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điên Biên cho biết, năm 2024 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi của du lịch so với năm trước đại dịch. 4 tháng đầu năm khách quốc tế đạt hơn 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Du lịch nội địa phát triển, đặc biệt tăng cao ấn tượng dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua.
"Kết quả này có được là nhờ thực việc thực hiện các chính sách thị thực, các chương trình kích cầu du lịch, các sự kiện lớn được quan tâm, tổ chức cùng nhiều yếu tố khác, trong đó có hiệu ứng tích cực từ hạ tầng giao thông với rất nhiều tuyến đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong thời gian qua", đại biểu Tạ Thị Yên nhận định.
Đối với tỉnh Điện Biên, cùng với việc hoàn thành nâng cấp sân bay Điện Biên và tổ chức thành công nhiều lễ hội, triển khai chuỗi các sự kiện Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024 và Đại lễ cấp quốc gia Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo bước nhẩy vọt cho du lịch Điện Biên với lượng du khách và doanh thu du lịch tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ (tính từ tháng 1/2024 – 7/5/2024 Điện Biên đã đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch).
Theo đại biểu, Điện Biên là tỉnh Biên giới giáp Lào và Trung Quốc, với quần thể di tích lịch sử gắn với chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc là lợi thế để phát triển du lịch. Tỉnh Điện Biên cũng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế đó.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, lại ở địa bàn xa xôi, cách trở, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, nhất là hạ tầng về giao thông đường bộ, cho nên ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, qua tiếp xúc cử tri, cử tri tha thiết đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, sớm giải quyết những đề xuất, kiến nghị mà địa phương đã gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, trong đó có kiến nghị về đầu tư cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang (cửa khẩu với Lào); Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL.279 và QL.12;
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm chấp thuận chủ trương mở cửa khẩu song phương A Pa Chải - Long Phú, đồng thời xem xét bố trí kinh phí để triển khai đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khu cửa khẩu này vì lối mở A Pa Chải - Long Phú đã được Chính phủ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc thống nhất nâng cấp thành cửa khẩu.
Hiện nay chính quyền Thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam đã khởi công xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long Phú - A Pa Chải (vào ngày 22/12/2023), đang xây dựng đường cao tốc từ Thành phố Phổ Nhĩ - huyện Giang Thành (giáp cửa khẩu A Pa Chải, dự kiến hoàn thành năm 2024) và có ý kiến đề xuất với tỉnh Điện Biên sớm mở cửa khẩu song phương theo quy hoạch.
"Qua các lần tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, cử tri và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và các địa phương đã luôn quan tâm chăm lo cuộc sống cho người dân, hỗ trợ tích cực và chia sẻ có hiệu quả đối với sự phát triển của địa phương.
Thời gian tới, Tỉnh Điện Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Điện Biên đã và đang cố gắng nỗ lực hết sức mình để cùng với cả nước hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH không chỉ riêng năm 2024 mà cho cả toàn khóa, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới", đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ.
Khơi thông các rào cản về thể chế
Phát biểu thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết tình hình phát triển kinh tế năm 2024 có 5 điểm tích cực khi nền kinh tế đất nước duy trì được đà tăng trưởng năm 2023 tiếp nối sang những tháng đầu năm 2024; tín hiệu tốt hơn về xuất nhập khẩu đã tương đương với giai đoạn trước dịch Covid-19; đơn hàng của các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng; giải ngân đầu tư công 4 tháng đầu năm khá tốt; nợ công giảm thấp so với năm 2023.
"Từ những điểm tích cực này, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đã đề ra cho năm 2024", đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng năm 2024 sẽ nhiều khó khăn hơn 2023 trong bối cảnh tăng trưởng sản xuất trong nước suy giảm khi doanh nghiệp tham gia thị trường thấp hơn so với những năm trước đây; nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp hơn so với năm 2023 trong khi thị trường trong nước rất quan trọng.
Áp lực lạm phát năm 2024 không hề nhẹ khi những tháng đầu năm gần đạt mốc 4% Quốc hội cho phép, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, giá vàng tăng cao… Từ đó, đại biểu đề xuất cần nhấn mạnh đến các giải pháp kích cầu trong nước, có các chính sách tài khóa mạnh hơn thời gian qua.
"Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đang xem xét dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), tuy nhiên tôi cho rằng thời điểm này không nên nghĩ đến chuyện tăng thuế giá trị gia tăng", đại biểu nói.
Đại biểu cũng cho rằng cần khơi thông các rào cản về thể chế để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, tạo dư địa mở rộng sản xuất; từ đó Quốc hội cần trao quyền cho các cơ quan quản lý vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật.