(Tổ Quốc) - Các đại biểu làm việc nhóm, trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp để thực thi Luật Thư viện có hiệu quả trong thời gian tới.
Chiều 15/11, tiếp tục chương trình Hội nghị Sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện, diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng cùng ngày, dưới sự điều hành của bà Kiều Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), các đại biểu đã làm việc nhóm, tiếp tục trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp để thực thi Luật có hiệu quả trong thời gian tới.
Tham dự chương trình có khoảng 70 đại biểu là đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo và người làm công tác thư viện tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;...
Các đại biểu được chia thành ba nhóm 1,2,3, thảo luận riêng biệt về 6 chủ đề, nhằm đánh giá thực trạng triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện. Đồng thời đề xuất những nội dung mới chưa có trong quy định, những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Thư viện trong thời gian tới.
Sáu chủ đề được đưa ra thảo luận gồm: Xác định các hoạt động thư viện cần bổ sung văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; Thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai hoạt động mô hình thư viện cơ sở và đề xuất giải pháp; Thư viện cần làm gì để người dân, cộng đồng biết đến các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của thư viện; Giải pháp xây dựng các chương trình khuyến đọc hiệu quả; Giải pháp xây dựng nền tảng số dùng chung, liên kết chia sẻ dữ liệu trong hoạt động thư viện; Đề xuất các dịch vụ thư viện để triển khai phục vụ bạn đọc hiệu quả.
Ở chủ đề “Giải pháp xây dựng nền tảng số dùng chung, liên kết chia sẻ dữ liệu trong hoạt động thư viện”, nhóm đại biểu 1 đề ra năm giải pháp chính, đó là cơ chế chính sách; xây dựng đề án chuyển đổi số; công nghệ; đào tạo, chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu.
Với chủ đề “Giải pháp xây dựng các chương trình khuyến đọc hiệu quả”, nhóm đại biểu số 2 cho rằng cần tăng cường tổ chức các cuộc thi, hội thi, liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách; phối hợp với các trường học xây dựng các tiết học ngoại khóa hướng dẫn các em đọc sách hiệu quả; xây dựng tủ sách gia đình, dòng họ; thành lập các câu lạc bộ đọc sách từ thực tế đến qua mạng Internet. Ngoài ra, phối hợp tổ chức các chương trình khuyến đọc hàng tuần tại thư viện; các buổi tọa đàm sách, gặp gỡ tác giả, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách;...
Còn tại chủ đề “Thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai hoạt động mô hình thư viện cơ sở và đề xuất giải pháp”, nhóm đại biểu số 3 cho rằng có nhiều thuận lợi nhưng khó khăn không kém, khi bất cập trong biên chế nhân sự, chế độ chính sách, cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin và các cấp chưa thực sự quan tâm nhiều về vấn đề này. Theo đó, nhóm đại biểu này nêu ra các giải pháp, như cần ban hành cụ thể chế độ chính sách đến cán bộ thư viện; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách khuyến đọc ở cơ sở; thư viện cấp tỉnh, huyện tăng cường quan tâm đến hoạt động phát triển tại cơ sở;...
Sau hai tiếng cùng trao đổi, thảo luận, Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga đánh giá cao những ý kiến, đề xuất của các đại biểu liên quan đến 6 chủ đề đã nêu. Đồng thời Vụ trưởng Kiều Thúy Nga khẳng định, Vụ sẽ tiếp thu, tham khảo và tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét, chỉ đạo kịp thời để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về thư viện cũng như phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới./.