(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ băn khoăn khi những cán bộ y tế sai phạm đã bị gạt khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi.
Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Những "con sâu" đã bị gạt khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đang sang giai đoạn thoái trào, cần theo dõi sát, phản ứng linh hoạt, trở lại trạng thái bình thường để hướng đến mục tiêu mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID-19; tránh quá tải hệ thống y tế để các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường bên cạnh bệnh COVID-19.
Theo đại biểu, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên, những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức và những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công - tội phân minh.
"Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào, không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, những khó khăn trước đây như thu thập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết. Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất với các bệnh viện cả công và tư. Hơn nữa nguồn nhân lực chất lương cao đã thiếu nay càng thiếu hơn vì mức lương không tăng mà còn có xu hướng giảm, không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng phải "bó tay".
Từ những bất cập, thực tế trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội một số giải pháp. Thứ nhất, rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi trong kỳ này, thông qua tại kỳ họp tiếp theo.
Thứ hai, giám sát Chính phủ ban hành sớm các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng hệ thống y tế như quyết nghị giảm cấp độ dịch như hướng dẫn quyết toán chi phí chống dịch, thống nhất thanh toán chi trả bảo hiểm y tế cho một số lĩnh vực cụ thể, có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành.
Thứ ba, có nguồn ngân sách cụ thể phục kinh tế cho y tế cơ sở; đầu tư vào kỹ thuật cao ở các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo nâng cao chất lượng, thu hút tài năng nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.
Cuối cùng, chia sẻ tâm tư với tư cách là một bác sĩ vẫn đang thường xuyên trực tiếp điều trị người bệnh, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu mong muốn các vị lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà các bác sĩ đang gặp phải không chỉ về vật chất cần có sự cảm thông cả về tinh thần.
"Chính những cán bộ y tế trong thời bình lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra. Những "con sâu" đã bị gạt khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi bởi đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Tránh thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) tán thành với các nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất toàn diện được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu ra.
Làm rõ thêm một số vấn đề, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trong Nghị quyết 43 và các Nghị quyết 55 của Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, đến thời điểm này Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch COVID-19 chưa được thực hiện hiệu quả.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Thủ tướng Chính phủ.
Vấn đề thứ hai, theo đại biểu Trịnh Xuân An, trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng. Tăng cường kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; kiểm soát nợ xấu.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, không được chủ quan, đề phòng với những biến chủng mới có thể xuất hiện.
"Tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập; có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực.
Mặc dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi "quả bom Việt Á" nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, vì sức khỏe nhân dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu", đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Vị đại biểu đoàn Đồng Nai cũng đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Những vụ việc vừa qua cho thấy thị trường vốn rất mong manh và dễ bị thao túng, tác động can thiệp.
Cần phải theo dõi, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi thao túng giá, làm làm giá, thực hiện sai nghĩa vụ công bố thông tin, xử lý sai phạm nhưng không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, doanh nghiệp càng lớn thì trách nhiệm đối với xã hội và nền kinh tế càng phải cao.
Bên cạnh đó, rà soát chính sách quản lý đối với các loại thị trường quan trọng này để tránh tình trạng lúc quá mở, lúc lại bóp nghẹt làm ảnh hưởng đến kênh dẫn vốn của nền kinh tế để không xảy ra những quả bom về trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến hiệu ứng domino trong thị trường vốn.
Cùng với đó, cần có công cụ để điều tiết thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản và kiểm soát việc tăng giá bất động sản bất thường ở mọi vùng, mọi nơi, tránh lại tiếp tục xảy ra "bong bóng bất động sản".