• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Bao giờ lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng mới thành hiện thực?

Thời sự 31/10/2017 11:49

(Tổ Quốc) - Trong buổi thảo luận tại hội trường diễn ra sáng 31/10, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, thực trạng phá rừng hiện nay là minh chứng cho tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Theo Đại biểu, Nguyễn Sỹ Cương, thực trạng phá rừng hiện nay chính là minh chứng thực tế cho tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên, tuy nhiên những vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua thực tế cho thấy quyết định của các cơ quan chức năng chưa thể đi vào cuộc sống.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại buổi thảo luận hội trường diễn ra sáng 31/10.

Đại biểu Cương chia sẻ, vừa rồi ông tiếp xúc với một doanh nghiệp trồng rừng thì được chia sẻ, việc trồng rừng và giữ được rừng khó khăn đến nhường nào. Với kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp đó, nếu không có sự tiếp tay của chính quyền sở tại thì lâm tặc không thể phá rừng quy mô lớn như vậy được.

Đại biểu Cương nhấn mạnh: "Một cây to có đường kính 1m phải mất từ 70 - 100 năm thì mới trồng được, nhưng chỉ mất khoảng 6 phút để chặt bỏ. Một trạm kiểm lâm mỗi một đêm có khoảng 80 - 100 xe máy, mỗi xe chở khoảng 4 khúc gỗ và phải nộp từ 300  -  400 ngàn mới được đi qua, số lợi thu bất chính là không hề nhỏ. Cứ như vậy thì bao lâu nữa còn đâu là rừng?"

Có một điều, chính quyền chủ động phá rừng. Nhiều địa phương lập dự án trồng rừng với mục đích là phá rừng. Nhiều khu rừng bị phá tan hoang sau đó chính quyền mới đến kiểm tra, xem xét và cho ý kiến chỉ đạo mà không chịu bất cứ hình thức kỷ luật nào. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì đến bao giờ lệnh đóng cửa rừng mới thành hiện thực? - Đại biểu Cương cho hay.

Tháng 6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

Tại  Hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới diễn ra vào ngày 14/10 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ việc tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên; phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể trong việc bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.

Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, trong 9 tháng của năm 2017, cả nước phát hiện 1.697 vụ phá rừng trái pháp luật, giảm 118 vụ (7%), diện tích rừng bị thiệt hại 910 ha, giảm 394 ha (30%) so với cùng kỳ 2016.

Thế Công

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ