(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH
Phát biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 23/11, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH.
Đại biểu cho biết, số doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH trong giai đoạn 2016-2022 khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng/năm. Trong năm, 2022, riêng số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56% và trên phạm vi cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH.
Về những hệ lụy mà người lao động phải gánh chịu, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người và trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng.
Góp ý về hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH tại điểm c, khoản 2 Điều 36, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định này để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Đại biểu lo lắng nếu như quy định như dự thảo thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do kinh doanh khó khăn nên không có khả năng đóng, do đó sẽ không thể xử lý được hành vi trốn đóng BHXH.
Về hoãn xuất cảnh tại Điều 37, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần quy định rõ hơn về vấn đề này để không mâu thuẫn đối với việc hoãn xuất cảnh theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cùng với việc sửa Điều 13 của Luật BHXH, kiến nghị với Quốc hội trong lần này sẽ đưa vào Điều 135 của dự thảo Luật sửa đồng thời Bộ luật Tố tụng dân sự và sửa Luật Công đoàn. Theo đó, đề nghị giao cho công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là công đoàn cấp cơ sở như hiện nay. Đồng thời quy định nếu như công đoàn đứng ra khởi kiện rồi thì không cần phải có ủy quyền của người lao động.
Bổ sung chế tài để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nêu ý kiến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: khấu trừ tiền nợ bảo hiểm xã hội tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định (có thể là 3 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, cần chỉnh sửa, bổ sung khoản 4, khoản 5, Điều 37 theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng, thì không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
Đồng thời khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cần thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự
Cũng nêu ý kiến về vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ nhất trí cần phải quy định các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bên cạnh hành vi chưa nộp hoặc nộp hồ sơ sau thời hạn như dự thảo quy định thì vẫn còn yếu tố trốn đóng. Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên.
Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác. Đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cần thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và thuận lợi cho các cơ quan trong quá trình xem xét, xử lý hành vi trốn đóng.