• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm hoạt động nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ

Thời sự 24/05/2024 22:29

(Tổ Quốc) - Chiều 24/5, mở đầu phiên thảo luận tại tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã thông tin về vụ cháy ở Trung Kính (Hà Nội) làm 14 người chết. Được biết, ông đã trực tiếp có mặt tại hiện trường vào sáng cùng ngày, ngay sau khi vụ cháy đau thương xảy ra.

Cần quy định chặt chẽ những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh

Theo ông Trần Quang Phương, nhiều bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy bắt nguồn từ khi giá đất tăng cao, xuất hiện tình trạng nhiều người ở nhà cũ cơi nới để cho thuê, phá vỡ quy hoạch.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm hoạt động nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương thông tin về vụ cháy khiến 14 người tử vong trong phiên họp chiều 24/5

Như hiện trường vụ cháy ở phố Trung Kính, từ đường chính vào nhà có tới 5 khúc cua, càng vào sâu trong hẻm đường càng chật, đến mức một chiếc xe máy đi được nhưng nếu có thêm một người tránh không nổi. Đây là nhà ở kết hợp kinh doanh và cơi nới ra để cho thuê, thậm chí tận dụng toàn bộ khoảng trống của đường vào nhà, dùng mái tôn che làm xưởng sửa chữa xe máy, xe đạp, xe điện.

Phó Chủ tịch Quốc hội thông tin, theo phản ánh ban đầu, vụ cháy bắt đầu khả năng do chập điện, do bình gas, bình khí của xưởng sửa chữa nổ nên áp lực của khu cháy đó rất lớn. Khu vực nhà ở vừa có xe máy của người dân ở đó, vừa có xe máy của xưởng sửa chữa. Khi phát nổ đã tạo áp lực rất lớn, hất tung toàn bộ mái che tạm, đẩy toàn bộ lên nhà 3 tầng.

Ông Trần Quang Phương cũng cho biết, nhà 3 tầng được chủ nhà cải tạo mỗi phòng cho thuê chỉ khoảng 16m2, cầu thang và lối đi khoảng 60 - 70cm, cửa vào cũng rộng khoảng đó và toàn bộ là cửa đóng bằng gỗ, có khe hở. Toàn vật liệu dễ cháy nên khi phát nổ bung hết lên, áp lực tạo nên ngọn lửa có khí rất đậm đặc.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, những vụ cháy trước đây bị cháy thì chết ngạt nhiều hơn chết cháy. Nhưng riêng vụ này, chết cháy nhiều hơn chết ngạt, vì cháy xộc thẳng vào từng phòng trọ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, khi sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy cần quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh trong các ki ốt, hàng sửa xe hay những nơi vừa là nhà ở, vừa kinh doanh…

Qua khảo sát từ đoàn kiểm tra của Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng - An ninh, hầu như ở Hà Nội và các thành phố lớn đều có tình trạng tương tự. Dù vậy, việc giải tỏa rất khó do người dân đã sinh sống lâu đời. Ông Trần Quang Phương cho rằng, chỉ có phát triển các khu đô thị mới và từng bước đưa các khu đó thành đô thị cổ để tham quan, còn ở thì không an toàn.

Đề nghị cấm hoạt động nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Quốc hội sẽ xem xét, sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Vì vậy, khi thẩm tra dự án luật, cần rà soát quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm hoạt động nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chia sẻ bên hành lang Quốc hội

Theo đại biểu, rủi ro và khả năng xảy ra cháy đối với nhà ở, nhất là nhà kinh doanh rất hiện hữu, bất kể khi nào có thể xảy ra, nhất là tại các thành phố lớn có khu nhà trọ, nhà cho người lao động, cho học sinh, sinh viên thuê. Loại hình này nếu xảy ra cháy, khả năng thiệt hại lớn về người và tài sản.

Về công tác chỉ đạo, đại biểu cho rằng, phản ứng của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, các cơ quan của Chính phủ và lực lượng chuyên trách Bộ Công an cũng rất nhanh. Trước đó, Hà Nội cũng xảy ra một vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản (tại quận Thanh Xuân), thành phố đã tổ chức rà soát, cảnh báo cụ thể.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Xuân An, nguy cơ cháy vẫn rất lớn và đây là thực trạng đang diễn ra, bởi nhu cầu của người dân, của người lao động, của học sinh, sinh viên có nhu cầu thuê trọ lớn. Điều này lại đặt ra thách thức đối với công tác chữa cháy nếu hỏa hoạn xảy ra tại các ngõ ngách và nơi tập trung đông dân cư.

Trong khi đó, tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng (đầu tư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp) chưa được triển khai nên người dân không có sự lựa chọn khác. Vì vậy, giải pháp thời gian tới vẫn là ưu tiên công tác phòng cháy, trong đó tăng cường ý thức của người dân, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý và cấp các cấp chính quyền.

Đặc biệt, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh - những nơi tập trung nhiều người lao động, cần tiến hành rà soát chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả những nhà ở kết hợp kinh doanh; phải trang bị bình cứu hỏa, sắp xếp, bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm.

Đại biểu cho rằng, phòng cháy, chữa cháy không chỉ nằm ở những tiêu chuẩn, quy chuẩn, những điều đó áp dụng đối với các công trình lớn, dự án lớn. Còn nhà ở, nhà cho thuê, nhà trọ kết hợp với nhà ở, nhà ở kết hợp cơ sở sản xuất kinh doanh, việc phòng cháy, chữa cháy đi vào những chi tiết rất nhỏ và những chi tiết tưởng chừng thừa nhưng sẽ hữu ích khi có cháy xảy ra”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần có biện pháp mạnh hơn nữa, tiến hành rà soát trên địa bàn nơi nào có nguy cơ cao, tính mạng người dân bị đe dọa thì kiên quyết xử lý. Giải pháp lâu dài vẫn là quy hoạch đô thị, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, giảm dần tình trạng thuê trọ tự phát với mật độ dày.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, Điều 17 Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành cũng đã quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhưng còn chung chung, chưa quy định cụ thể về giải pháp ngăn cháy, phòng ngừa tại nhà ở kết hợp kinh doanh.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm đến nội dung này. Theo đó, có thể thiết kế một mục trong chương về phòng cháy, thiết kế nội dung kết hợp giữa quy hoạch, hạ tầng đô thị, thẩm quyền của địa phương và nghĩa vụ của công dân. Đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, cần quy định cụ thể thêm về biện pháp ngăn cháy trong luật, trong đó nên cấm hoạt động nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ.

“Bên cạnh quy định chặt chẽ trong luật, quan trọng nhất vẫn là đề cao vai trò của cá nhân, của mỗi người dân trong phòng cháy, luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác nếu không hậu quả sẽ rất lớn”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ quan điểm./.

Thế Công - Xuân Trường

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ