• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật Đất đai cần có quy định tạo điều kiện để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thời sự 03/11/2023 21:24

(Tổ Quốc) - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai phải thực hiện đúng được tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng như đồng bộ với Luật Du lịch

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị quy định cụ thể định mức đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Đại biểu Tạ Văn Hạ thống nhất đề nghị chọn phương án trong đó đưa ra những định mức cụ thể, bởi qua thực tế tiếp xúc cử tri, đối tượng giáo viên phổ thông hiện nay ở các vùng nông thôn, do điều kiện đời sống gắn với nông thôn nên ngoài thời gian dạy học, mức lương có hạn nên phải canh tác thêm để đảm bảo cuộc sống, vì vậy, cần quy định phù hợp với thực tế.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật Đất đai cần có quy định tạo điều kiện để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Bên cạnh đó, đại biểu quan tâm đến vấn đề đất liên quan đến phát triển du lịch. Cụ thể Điều 79, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu đề nghị có quy định đất để phát triển khu du lịch vào trong trường hợp thu hồi đất.

Theo đại biểu, đất liên quan đến du lịch có hai loại: tài nguyên du lịch và đất dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được nêu rất rõ: "Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác".

Tại Điều 5, Luật Du lịch đã quy định chính sách phát triển du lịch, trong đó tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng những mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi nhà nước ban hành áp dụng chính sách để ưu đãi hỗ trợ đầu tư.

Luật Du lịch cũng quy định: Nhà nước có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho hoạt động đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp có quy mô lớn, hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm và phục vụ khách du lịch.

"Như vậy, chúng ta phải quy định làm sao để thực hiện đúng được tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị cũng như đồng bộ với Luật Du lịch. Dự án Luật có 16 chương 265 điều với 226 trang giấy nhưng chỉ có 11 từ du lịch. Trong đó có 2 từ du lịch dành cho ngành du lịch, còn 9 từ du lịch khác dành cho giải quyết vấn đề sửa luật khác.

Cho nên tôi cho rằng ứng xử với ngành kinh tế mũi nhọn chúng ta đang kỳ vọng rất nhiều này là chưa được thỏa đáng. Tôi hy vọng rằng các đồng chí quan tâm, xem xét để hiện thực hóa được chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời thống nhất với quy định của Luật Du lịch về vấn đề liên quan đến đất đai dành cho ngành du lịch", đại biểu bày tỏ.

Hoàn thiện quy định việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại

Góp ý về phương án 1 điểm b khoản 3 Điều 123 dự thảo Luật Đất đai quy định việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng điều kiện quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng quy định này đã, đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương.

Đại biểu dẫn chứng Bình Dương có nhiều doanh nghiệp trước đây do thừa kế tặng, cho hoặc tự bỏ tiền ra mua đất nông nghiệp của người dân, rồi bàn giao lại cho Nhà nước để Nhà nước cho thuê lại và tiến hành sản xuất kinh doanh.

Hiện có 3000 doanh nghiệp Bình Dương nằm trong vùng đã được quy hoạch làm đất ở và đất thương mại dịch vụ nhưng lại đang sử dụng đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc khu vực có chủ trương phải di dời trong thời gian tới. Do đó, nếu chọn phương án này thì gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp vì không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn tiền để di dời và cũng không thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh trên đất. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nêu rõ, phương án 1 chưa phù hợp với thực tế, do đó, kiến nghị Quốc hội ủng hộ phương án 2 điểm b khoản 3 Điều 131.123 tương ứng với phương án 1.22.2 tại khoản 6 Điều 128.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Luật Đất đai cần có quy định tạo điều kiện để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đồng thời để tránh thất thu, ngân sách nhà nước do chênh lệch địa tô đối với đất có nguồn gốc đất công theo tinh thần Nghị quyết của 18-NQ/TW của Đảng, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị chỉnh sửa khoản 1 Điều 125, Điều 126 và điểm a khoản 1 Điều 158 của dự thảo Luật theo hướng đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời cần quy định rõ chính sách, quy trình, thủ tục đối với loại đất công là đất sạch, chưa có công trình, dự án đang triển khai và loại đất công đang cho doanh nghiệp sử dụng được Nhà nước cho thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án thuộc lĩnh đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị chọn phương án 2 điểm c, khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật nhưng cần bổ sung đối tượng dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và giao cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hướng dẫn chi tiết để tháo tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn nhiều năm qua trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về Điều 47 dự thảo Luất, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị bỏ quy định trong cùng một đơn vị hành chính mới được chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp. Vì điều này sẽ hạn chế quyền công dân trong nhận thừa kế, tặng cho chuyển nhượng đất nông nghiệp, hạn chế những người có năng lực sử dụng đất hiệu quả hơn.

Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ