• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thời sự 30/10/2023 11:13

(Tổ Quốc) - Sáng 30/10, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia là một chủ trương đúng đắn, quan trọng được cử tri, nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Việc kiện toàn Ban chỉ đạo chung là cột mốc quan trọng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ trung ương tới địa phương, đạt được nhiều kết quả thiết thực, có nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành các tiêu chí nông thôn mới phù hợp; giải ngân chậm, chưa thực sự bền vững và còn nặng tính thành tích.

Bên cạnh đó cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa vì hầu như các xã đều có trung tâm văn hóa cộng đồng những khai thác kém hiệu quả, thiếu trang thiết bị hoặc không biết cách sử dụng; khắc phục tình trạng tự mãn khi đã hoàn thành nông thôn mới không duy trì các tiêu chí, nâng cao đời sống người dân.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình cao với các nội dung quan trọng như cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các chương trình mục tiêu quốc gia 2023 chưa giải ngân hết để tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2024; chủ trương thực hiện thí điểm khoán kinh phí 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo địa bàn cấp huyện, cân đối bố trí đủ ngân sách theo các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đại biểu cho rằng, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025 vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức.

"Đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm" - đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ băn khoăn.

Điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp như nước sạch, nhà văn hóa

Cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đề nghị cần phải xem xét lại các tiêu chí đã ban hành và điều chỉnh sớm nhiều tiêu chí không phù hợp như nước sạch, hỏa táng, nhà văn hóa đối với từng địa phương, đơn vị.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 3.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Đồng thời, cần phải xem lại việc phân bổ kinh phí hàng năm luôn chậm những không được khắc phục triệt để ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng triển khai ở địa phương, cơ sở nhất là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Trần Quang Minh cho biết nội dung hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào còn rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất. Vì vậy, cần xem xét điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch vùng, rà soát bom mìn để giành thêm quỹ đất sản xuất cho đồng bào.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung, đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở vào Báo cáo giám sát, cần phải nâng mức hỗ trợ hợp lý và khả thi, cần bổ sung nội dung tập huấn cho đồng bào cách chi tiêu, tái tạo sức lao động tiết kiệm, tích lũy tránh sa vào tệ nạn xã hội.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 4.

Đại biểu Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu thảo luận

Về chủ trương, đại biểu Phạm Thị Kiều nêu rõ, việc Quốc hội phê duyệt chủ trưởng 3 CTMTQG là phù hợp với thực tế và đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới.

Tuy nhiên, để tổ chức thực hiện hiệu quả, tạo sự đồng bộ, thuận lợi, tránh sự chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành trung ương nên quy định thống nhất một cơ chế quản lý, sử dụng chung, lồng ghép nguồn vốn chính sách Nhà nước để thực hiện cho 3 CTMTQG.

Vì mỗi chương trình ban hành một cơ chế quy định riêng, dễ gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong quá trình áp dụng thực hiện, đồng thời dễ gây bất đồng, chồng chéo trong quá trình tổ chức thực hiện./.


Xuân Trường - Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ