(Tổ Quốc) - Ngày 15/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tạo cơ chế, động lực phù hợp với tiềm năng du lịch
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội cho biết, cử tri đánh giá rất cao sự thận trọng và kỹ lưỡng của Quốc hội đối với luật đặc biệt quan trọng này. Đồng thời, cử tri mong muốn dự thảo luật sớm được thông qua để triển khai thực hiện.
Góp ý vào Điều 79 về trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng, đại biểu cho rằng, khái niệm "vì lợi ích quốc gia" rất lớn, rất rộng; vừa là mục tiêu, mục đích, khái quát rất cao. Tương tự, khái niệm "công cộng" cũng rất rộng. Với phạm vi rộng như vậy, trong các điều khoản lại quy định theo tính chất liệt kê là chưa thống nhất với tên điều.
Do vậy, đại biểu đề nghị sửa tên điều là: "Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất", vì dự án phát triển kinh tế - xã hội nào cũng nhằm mục đích lợi ích quốc gia, công cộng. Đây là các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, cụ thể là gần 28 khoản, sau này thiếu sẽ bổ sung.
Đại biểu lấy ví dụ ở lĩnh vực du lịch, hiện nay Ủy ban Văn hoá, giáo dục đang phụ trách lĩnh vực này; Ủy ban đã có văn bản gửi đến các cơ quan nhưng trong báo cáo giải trình, tiếp thu chưa thấy nhắc đến vấn đề này.
Đại biểu nhấn mạnh, năm 2023 mặc dù kinh tế khó khăn nhưng du lịch của Việt Nam sau đại dịch đã khởi sắc rất tốt. Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 108 triệu khách nội địa. Doanh thu đạt đến 673,5 nghìn tỷ đồng, trong đó thu từ dịch vụ lữ hành đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách quốc gia trên 2 con số.
Chính vì thấy tiềm năng của du lịch Việt Nam rất lớn, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08 để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.
"Hiện nay, chúng ta mới chỉ đạt được khiêm tốn chưa được 10% ngân sách quốc gia. Nhưng đối với Thái Lan, họ đã đạt được đến 20,3%, Philippines đạt 22,5% và Campuchia đạt 25,8% GDP của quốc gia. Nếu chúng ta không lưu ý, không tạo những cơ chế, tạo động lực thì chúng ta sẽ lại đi sau họ", đại biểu bày tỏ.
Kiến nghị bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý các nội dung của dự thảo luật để thuận lợi cho việc áp dụng và thực hiện trong thực tế.
Đại biểu cho biết, tại điểm c, khoản 5, điều 158 dự thảo luật quy định phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đại biểu kiến nghị, không quy định phương pháp thặng dư trong định giá đất. Bởi kết quả định giá đất khi áp dụng phương pháp thặng dư được thực hiện trên các cơ sở giả định, ước tính nên mức độ tin cậy không cao đối với những khu vực hạn chế về thông tin thực tế, về chi phí doanh thu để làm chi phí ước tính.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, mặc dù giá trị thửa đất có triển vọng tăng lên theo thời gian do quá trình lịch sử, hoạt động thương mại và các hoạt động khác trên chính thửa đất đó, tuy nhiên, việc xác định giá trị lúc nào tăng dần là không hợp lý do giá trị thửa đất có thể đi xuống khi nền kinh tế suy thoái hoặc gặp các yếu tố bất lợi.
Đại biểu dẫn chứng thêm, hiện nay, thị trường các dự án bất động sản gần như đóng băng vì phương pháp này không đo lường chính xác được các yếu tố rủi ro, bất lợi đối với nền kinh tế.
Cũng theo đại biểu, việc tính toán các yếu tố giả định trên rất phức tạp, kết quả định giá không chắc chắn, thiếu chính xác, có sai số lớn.
Cùng một thửa đất chỉ cần thay đổi một chỉ tiêu trong các yếu tố giả định thì sẽ thay đổi kết quả định giá. Đây chính là nguyên nhân gây vướng mắc, chậm trễ trong việc xác định, quyết định giá đất cụ thể trong thời gian qua.
"Trong bối cảnh chưa hoàn thiện về cơ sở dữ liệu về giá, cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó có dữ liệu về giá đất, thị trường, quyền sử dụng đất chưa phát triển toàn diện, minh bạch thì việc bỏ bớt một phương pháp định giá đất cũng cần thiết", đại biểu nói và cho biết, trường hợp cần thiết phải giữ lại phương pháp này thì cần có van, khóa để kiểm soát tính chính xác, phù hợp của kết quả định giá đất./.