• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị tạo điều kiện cho bác sĩ nước ngoài hành nghề để thu hút khách du lịch tới Việt Nam

Thời sự 13/06/2022 14:04

(Tổ Quốc) - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị tính tới việc mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, có sử dụng lực lượng y bác sĩ là người nước ngoài để thu hút khách du lịch tới Việt Nam kết hợp với dịch vụ khám chữa bệnh.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thu hút khách du lịch tới Việt Nam kết hợp với dịch vụ khám chữa bệnh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với quy định về thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề theo niên hạn trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, hiện nước ta 27 trường có đào tạo khối ngành y điểm đầu vào cũng như chất lượng đào tạo khác nhau, nhưng với quy định hiện hành chưa có bất cứ một tiêu chí nào để có thể phân định chất lượng giữa các sản phẩm của các trường này. Do vậy, cần có một kỳ thi đánh giá năng lực bảo đảm chính xác, công bằng và có thể coi việc thi đánh giá năng lực cấp chứng chỉ hành nghề là bước đột phá để tạo động lực đổi mới toàn diện đào tạo ngành y khoa.

Đại biểu khẳng định, đây là một chính sách mới, đề nghị cần phải có lộ trình bảo đảm tính khả thi và có một quy trình đủ chặt để bảo đảm nghiêm túc, chính xác, khách quan và để tránh hình thức, cần có đủ chế định về cơ cấu tổ chức bộ máy sẽ làm việc này.

Góp ý về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề tại Điều 26 hiện có hai phương án với hai luồng ý kiến khác nhau. Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng quy định giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề là một mô hình lý tưởng. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để Hội đồng y khoa quốc gia có thực quyền và làm sao để hoạt động đi và cấp giấy phép hành nghề phải thực chất, tránh hình thức.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tạo điều kiện cho bác sĩ nước ngoài hành nghề để thu hút khách du lịch tới Việt Nam - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thể hiện không đồng tình với quy định sử dụng ngôn ngữ trong khám, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam ở Điều 24 của dự thảo Luật về nhiều lý do.

Theo đại biểu, tiêu chí biết tiếng Việt thành thạo trong Luật rất khó xác định, nhất là khi đối chiếu với Luật giáo dục. Trong cuộc cách mạng 4.0, việc dịch thuật giữa các ngôn ngữ khác nhau cũng được máy móc hỗ trợ ngày càng tốt hơn và đến một lúc nào đó, quy định biết tiếng Việt thành thạo chắc chắn sẽ lạc hậu.

Thứ hai, theo tờ trình, hầu hết các nước phát triển và các nước trong khu vực đều quy định nếu người hành nghề là người nước ngoài thì phải biết tiếng bản địa. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế các nước trong khối ASEAN cho thấy, dù mỗi nước có thể quy định khác nhau, nhưng duy nhất chỉ có Lào quy định bắt buộc bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Lào phải thành thạo tiếng Lào.

Thứ ba, việc dùng rào cản ngôn ngữ để hạn chế các bác sĩ nước ngoài đến hành nghề tại Việt Nam chỉ thuận cho công tác quản lý nhưng gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh và thiệt thòi cho người bệnh trong nước vì khó có cơ hội tiếp cận với các bác sĩ chất lượng ở nước ngoài.

Thứ tư, theo dự báo nhu cầu du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến và phát triển, đây là xu thế xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia… Việt Nam là một nước có nhiều tiềm năng du lịch nghĩ dưỡng và y tế cũng cần tính tới việc mở rộng các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng cao, có sử dụng lực lượng y bác sĩ là người nước ngoài để thu hút khách du lịch tới Việt Nam kết hợp với dịch vụ khám chữa bệnh. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần phải có phân tích, đánh giá vấn đề này.

Thứ năm, liên quan thỏa thuận công nhận lẫn nhau về hành nghề khám chữa bệnh của các nước trong khối ASEAN mà Việt Nam đã ký kết vào năm 2008. Đại biểu bày tỏ băn khoăn vấn đề này sẽ được cụ thể hóa trong Luật như thế nào, tại sao chỉ quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ, như vậy đã đủ hành lang pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh trong nước hay chưa?

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về ngôn ngữ đối với người nước ngoài hành nghề ở Việt Nam và cần khôi phục một điều về điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để cụ thể hóa những quy định trong thỏa thuận công nhận lẫn nhau về hành nghề khám chữa bệnh của các nước trong khối ASEAN mà Việt Nam đã ký kết.

Bổ sung quy định ưu tiên khám chữa bệnh cho người bệnh là nạn nhân của bạo lực gia đình

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu phân tích, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo an sinh xã hội. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp tới quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước cũng như tài chính cùng mỗi người dân.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tạo điều kiện cho bác sĩ nước ngoài hành nghề để thu hút khách du lịch tới Việt Nam - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang)

Theo đại biểu, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Đại biểu nêu rõ, đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh. Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm đề nghị cần rà soát và đảm bảo sự đồng bộ giữa Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này với các luật liên quan như Luật trẻ em, Luật Phòng, chống mua bán người, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Hiện nay Quốc hội đang xem xét và cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, theo đại biểu, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh đang là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân của bạo lực giới thì trong Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi cần bổ sung quy định ưu tiên khám chữa bệnh cho người bệnh là nạn nhân của bạo lực gia đình, trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho rằng, điều này rất cần thiết khi những người bệnh này đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, tâm lý bị sang chấn, hay đang trong tình trạng phải chạy trốn khỏi người gây bao lực, hay đang tạm trú tại các nhà tạm lánh, cơ sở hỗ trợ người bị bạo lực gia đình.

Theo đại biểu, nếu như các cơ sở y tế không có quy trình đặc biệt, đặc thù, giảm bớt các yêu cầu về hành chính, thủ tục, giấy tờ thì e rằng khó có thể đảm bảo quyền lợi của những bệnh nhân này một cách kịp thời và hiệu quả./.


Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ