(Tổ Quốc) - Chiều 30/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Cần lấy phiếu tín nhiệm người sắp nghỉ hưu
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) băn khoăn với việc với người tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp nhiều thì việc bỏ phiếu tín nhiệm thêm một vòng nữa như thế nào.
"Nếu đưa ra một vòng bỏ phiếu nữa mà người này lại có phiếu cao thì xử lý thế nào", đại biểu đặt câu hỏi.
Do đó, đại biểu đề xuất cần quy định một mức phiếu tín nhiệm thấp nhất định thì người này bắt đầu các quy trình có thể tự xin, hoặc được miễn nhiệm, chứ không cần qua thêm một vòng bỏ phiếu nữa.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng đề xuất lấy phiếu tín nhiệm thêm một lần vào cuối nhiệm kỳ so với việc chỉ lấy vào giữa kỳ như hiện nay. Khi đó, với thành viên nào còn tiếp tục nhiệm kỳ nữa có dịp chứng minh năng lực của mình. Còn những thành viên không làm nữa, sẽ có cơ sở để đánh giá lại nhiệm kỳ của mình.
Ông Nguyễn Thanh Phương đề xuất Thủ tướng nên có ý kiến đánh giá các Bộ trưởng, Chủ tịch Quốc hội đánh giá các Chủ nhiệm Ủy ban trước khi trình Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh này.
"Thủ tướng có thể đánh giá cụ thể mức độ hài lòng cao, hài lòng thấp... Như vậy các đại biểu sẽ có cơ sở đánh giá và bỏ phiếu tín nhiệm", ông đề xuất.
Thảo luận tại tổ, đại biểu Vũ Hồng Luyến (Đoàn ĐBQH Hưng Yên) cho rằng vẫn rất cần thiết lấy phiếu tín nhiệm với người đợi nghỉ công tác, chờ nghỉ hưu.
Đại biểu cho rằng, theo quy định của Luật cán bộ công chức, viên chức, cán bộ trước khi nghỉ hưu 6 tháng sẽ nhận được thông báo bằng văn bản về việc nghỉ hưu. Trước 3 tháng sẽ được ra quyết định nghỉ hưu. Do đó, khi được thông báo nghỉ hưu, người này vẫn còn có thời gian công tác tối đa 6 tháng, còn 3 tháng trước khi nhận được quyết định nghỉ hưu.
Theo đại biểu, 3 tháng này người này vẫn điều hành mọi công việc, việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn phù hợp. Người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ có cơ sở để tự đánh giá bản thân mình, tự soi, tự sửa.
"Việc bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm"
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) băn khoăn người có quá nửa phiếu tín nhiệm thấp, thì được yêu cầu từ chức, vậy thời gian bắt đầu quy trình từ chức là bao lâu? Theo đại biểu, cần mạnh đưa ra và áp dụng thời hạn cụ thể đối với vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cho rằng, cần đưa tiêu chí tiếp công dân, xử lý khiếu nại tố cáo cho những người lấy phiếu tín nhiệm. Như vậy, người dân và người giám sát sẽ có cơ sở đánh giá và xem xét thực tế.
Giải trình tại phiêu họp tổ, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm lần này thực tế là thay thế các quy định trước đây vì chỉ giữ lại 2 điều so với quy định trước, còn lại là các quy định mới.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, nhiệm kỳ Khoá XIII, Quốc hội tổ chức hai lần lấy phiếu tín nhiệm, vào năm thứ 2 đầu nhiệm kỳ và năm thứ 4 cuối nhiệm kỳ. Sau tổng kết, rà soát thì tới Khoá XIV thực hiện theo Nghị quyết 85, chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần giữa nhiệm kỳ như bây giờ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho hay, qua nghiên cứu quy định 96 của Trung ương, ban soạn thảo đưa ra quy định tại dự thảo Nghị quyết hiện tại, tức là lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm giữa nhiệm kỳ.
Về đối tượng không lấy phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, chỉ duy nhất người bị bệnh hiểm nghèo không điều hành từ 6 tháng trở lên thì không lấy phiếu. Đây cũng là đối tượng bổ sung mới so với Quy định 96.
"Ban đầu ban soạn thảo thiết kế thời hạn là 3 tháng, nhưng quá trình lấy ý kiến, đa số đều cho rằng như vậy là quá ngắn và cho rằng 6 tháng trở lên là phù hợp. Vì thế, ban soạn thảo tiếp thu và đưa quy định này vào dự thảo Nghị quyết", bà Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Cũng theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là hai "nấc" khác nhau. Bỏ phiếu tín nhiệm là hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm với trường hợp tín nhiệm thấp từ 50% trở lên hoặc 2/3 tín nhiệm thấp. Nếu họ không tự từ chức thì sẽ bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó việc bỏ phiếu tín nhiệm thực chất là miễn nhiệm.
Trước ý kiến e ngại, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là thấp, nhưng tới khi bỏ phiếu lại tín nhiệm cao, bà Nguyễn Thị Thanh khẳng định, thực tiễn tổng kết 3 nhiệm kỳ qua chưa xảy ra trường hợp nào như vậy.