• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Thư viện trường học dựa trên nền tảng Luật Thư viện

Thời sự 05/11/2019 21:27

(Tổ Quốc) - Chiều 5/11, Quốc hội đã tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thư viện.

Cần có sự phối hợp của Bộ GD&ĐT để phát triển thư viện trường học

Theo đại biểu Lâm Đình Thắng (Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh), thư viện cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất, tác động đến việc hình thành thói quen đọc sách, phương pháp học tập có tra cứu, tham khảo khoa học, từ đó tạo nên văn hóa đọc, góp phần xây dựng nhân cách cho thanh thiếu nhi và con người Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Thư viện trường học dựa trên nền tảng Luật Thư viện - Ảnh 1.

Đại biểu Lâm Đình Thắng ( Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: Quochoi.vn

Các quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược cách đây nhiều năm, rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học và hình thành văn hóa đọc của người dân cho thanh, thiếu nhi của các nước.

Cụ thể, nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Nhật Bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953. Tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành vào năm 1963, bắt buộc mỗi trường học đều phải có thư viện.

Trong khi đó, thư viện cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư tương xứng, nhiều đơn vị đã thực sự xem thư viện là trái tim của trường học nhưng còn rất nhiều đơn vị không quan tâm đến việc phát triển thư viện trong trường học.

"Có trường bố trí thư viện ở lầu cao nhất hoặc ở gần nhà vệ sinh, không phù hợp và thuận tiện cho trẻ em đến đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện. Kinh phí đầu tư mua sách hàng năm không phục vụ đủ nhu cầu học chuyên môn và đọc mở rộng cho học sinh" – đại biểu Thắng cho biết.

Đại biểu Thắng cho rằng, luật cần bổ sung quy định đưa tiết đọc sách có gắn với việc sử dụng thư viện vào khung chương trình chính thức ở cấp học phổ thông. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm đảm bảo tất cả học sinh đều được trang bị nhận thức về tầm quan trọng của thư viện và kỹ năng sử dụng thư viện, đảm bảo tất cả học sinh trong trường đều phải sử dụng thư viện trong năm học. Nghiên cứu xây dựng Luật Thư viện trường học trên nền tảng những quy định khung tại Luật Thư viện.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Thư viện trường học dựa trên nền tảng Luật Thư viện - Ảnh 2.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định). Ảnh: Quochoi.vn

Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nêu quan điểm, thư viện trường học thực chất có vị trí, nhiệm vụ và chức năng vô cùng quan trọng. Dù mang tính đặc thù riêng nhưng vẫn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, tạo cơ sở từng bước thay đổi phương pháp dạy học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng ngay trong nhà trường.

Đại biểu Thảo cho rằng, riêng thư viện trường học phải thực sự phát huy được hiệu quả giáo dục đối với các thế hệ độc giả là học sinh chứ không phải chỉ là những quy định mang hình thức chung chung như hiện nay. Theo đó, cần bổ sung thêm một khoản quy định về các hình thức thư viện cụ thể của loại hình thư viện trường học. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác chủ trì, phối hợp về thư viện trường học.

Cần quy định rõ về hình thức thu phí dịch vụ của từng loại hình thư viện

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Thư viện trường học dựa trên nền tảng Luật Thư viện - Ảnh 3.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thư viện vào chiều 5/11.

Đại biểu Ngàn Phương Loan (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nêu ý kiến, xu hướng hiện nay loại hình thư viện số đang phát triển, người dân có thể dễ dàng truy cập và khai thác tài nguyên thông tin từ các thư viện trên mạng Internet, tùy vào tài nguyên thông tin mà người sử dụng có thể được miễn phí hoặc phải trả phí. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc quản lý thu phí thư viện số đang được thực hiện như thế nào?

"Khi rà soát các điều trong dự thảo luật, tôi thấy có quy định về chính sách của nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện và quy định về xã hội hóa hoạt động thư viện nhưng chưa có quy định rõ về hình thức thu phí dịch vụ của từng loại hình thư viện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ cơ chế tài chính, thu phí đối với từng loại hình thư viện để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng thực hiện luật vừa phát triển sự nghiệp thư viện vừa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân" – Đại biểu Loan nói.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Thư viện lần này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, trong Điều 17, điều kiện thành lập thư viện có quy định tại điểm đ là phải có người làm công tác thư viện có chuyên môn phù hợp với hoạt động thư viện. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.

Đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng Luật Thư viện trường học dựa trên nền tảng Luật Thư viện - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quochoi.vn

"Trên thực tế có rất nhiều thư viện tư nhân đang hoạt động rất tốt, phục vụ tốt cộng đồng nhưng người thành lập thư viện chưa có chuyên môn thư viện. Họ có thể là nông dân, là công nhân hay cán bộ hưu trí nhưng không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về thư viện, nếu quy định cứng như trong dự thảo luật sẽ gây khó khăn cho thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng" – đại biểu Nga nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ra khỏi quy định về nơi thành lập thư viện cộng đồng. Bởi, trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao không có cộng đồng dân cư, đây là các khu vực sản xuất, không phải khu vực cư trú.

Vị đại biểu này cũng kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định về thư viện cho công nhân các khu công nghiệp. "Chúng ta có một lực lượng lớn công nhân đang lao động tại các khu công nghiệp và phần đông là những người trẻ tuổi, có nhu cầu rất lớn về khai thác thông tin hay giải trí nhưng hiện nay lực lượng này có rất ít điều kiện để tiếp cận với tài nguyên thông tin" – Đại biểu Nga nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Dự án Luật Thư viện đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật từ bố cục, giải thích từ ngữ đến các quy định cụ thể về mạng lưới thư viện, việc thành lập hoạt động thư viện, người sử dụng thư viện, công tác quản lý nhà nước, v.v.. Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ