(Tổ Quốc) - Với sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đại biểu cho rằng Du lịch đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội và làm thay đổi diện mạo đời sống của người dân.
Ấn tượng với sự phát triển của du lịch
Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn TP. Hà Nội) : "Chúng tôi đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ, ấn tượng của du lịch trong thời gian qua, đã tác động tích cực để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển của nhiều ngành khác và đóng góp lớn để tăng trưởng chung của đất nước đạt hoặc vượt mức Quốc hội đề ra. Diện mạo đời sống vật chất, văn hóa ở các địa phương du lịch phát triển được cải thiện, nâng cao rõ rệt".
Tuy nhiên, trong báo cáo những năm qua thì Chính phủ không nêu hay không phân tích ra được phần trăm tăng trưởng đóng góp của du lịch cho GDP, cho phát triển kinh tế - xã hội, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ mà lại đưa ra phần trăm tăng trưởng của khách quốc tế.
Đại biểu Hưng cho rằng, Chính phủ chú trọng phát triển về số lượng khách mà chưa thật quan tâm đến chất lượng, tới đóng góp của du lịch cho GDP, cho phát triển kinh tế - xã hội.
Qua đó việc định hướng phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như đưa ra các chính sách đầu tư cho quảng bá, xúc tiến thiên về tăng nhiều khách đến bất luận là dòng khách nào, với các con số rất ấn tượng, rất dễ thấy thành tích.
Cũng theo vị đại biểu này, với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước, những tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng thì ngành Du lịch trong thời gian tới cần phải mạnh dạn đột phá hơn nữa, phát triển xứng tầm để đáp ứng lại sự mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân làm cản trở phát triển du lịch
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho biết thêm, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra những mục tiêu cao, thách thức lớn đối với ngành du lịch. Để đạt được những mục tiêu đó, cần thẳng thắn, mạnh dạn hơn, phản biện cao, chỉ ra những nguyên nhân là trở ngại lớn đối với phát triển du lịch nước nhà.
Đầu tiên phải là nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Thực tế thì thời gian qua, du lịch chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có, tương xứng với đòi hỏi khách quan của một ngành kinh tế mũi nhọn.
Đại biểu này cho rằng, sản phẩm du lịch hiện nay vẫn chưa đa dạng, phong phú. Nhiều sản phẩm du lịch là thế mạnh tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội như: y tế, giải trí, mua sắm, hoài niệm chiến trường xưa, đồng đội, công vụ, v.v... chưa được chú trọng đầu tư khai thác, phát huy ở quy mô công nghiệp cũng như là ngành công nghiệp không khói.
"Ngay như lợi thế 3.200km bờ biển chúng ta cũng chưa khai thác hết và đạt hiệu quả. Ngoài kia là biển và du lịch Việt Nam vẫn đang đứng trước biển, chúng ta cần phải tiến ra biển với nhiều loại hình du lịch biển phong phú cả trên bầu trời, mặt nước và dưới biển. Cần phát triển mạnh ra ngoài đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn, Nam Du và xa hơn nữa phù hợp với chiến lược kinh tế biển" - Đại biểu Hưng phân tích.
Cùng với đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là cán bộ quản lý lãnh đạo ngành chưa được quan tâm đúng mức. Du lịch là một nghề và cán bộ làm du lịch cũng đòi hỏi phải có nghề chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm, nhưng việc bố trí và sử dụng cán bộ trong ngành vẫn còn nhiều bất cập.
Cuối cùng, vị Đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế sáng tạo, sức mạnh của du lịch nằm ở địa phương và của doanh nghiệp. Khi đã xác định du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực phát các ngành khác thì phải đặt du lịch ở vị trí xứng đáng, trung tâm và có sự đầu tư tương xứng cả về nhân lực và vật lực.