(Tổ Quốc) - Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào sáng 1/11, đại biểu Đinh Thị Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, quá trình thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian qua còn có một bất cập.
Không nên có chính sách đồng nhất cho mọi đối tượng, mọi vùng miền
Lấy dẫn chứng về việc Nhà nước thường ban hành chính sách chung thực hiện cho nhiều vùng miền nên có lúc có nơi chưa phù hợp, hiệu quả chưa cao, Đại biểu Đinh Thị Bình cho biết, theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ học sinh dân tộc thiểu số khi đáp ứng một số điều kiện sẽ được hỗ trợ gạo để đảm bảo duy trì việc học tập.
Thực tế là chỉ có một số học sinh mà gia đình không có đất trồng lúa nên cần cấp gạo để sử dụng, nhưng một phần không nhỏ học sinh sống ở vùng thuận lợi cho việc trồng lúa nên gạo các em dẫu có nhận cũng không ăn mà lại sử dụng vào mục đích khác làm mất đi ý nghĩa của chính sách này.
Vì vậy, đại biểu Bình đề nghị Chính phủ nghiên cứu để bổ sung thêm một quan điểm đó là đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phải dựa trên nghiên cứu cụ thể về nhu cầu, đặc điểm của từng vùng, từng cộng đồng dân tộc thiểu số, không nên có chính sách đồng nhất cho mọi đối tượng, mọi vùng miền.
Nữ đại biểu đoàn Phú Thọ này cũng cho rằng, Chính phủ chỉ nên quy định chính sách còn lại giao tự chủ cho các địa phương thực hiện để phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền khác nhau.
Băn khoăn về một số chỉ tiêu của Đề án
Về một số chỉ tiêu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đinh Thị Bình bày tỏ băn khoăn và chưa yên tâm về một số chỉ tiêu cụ thể.
Ví dụ, đề án đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là khoảng 50%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ từ 10-15%. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này trung bình mới đạt 6,2%, một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ dưới 2%, thậm chí, có những nhóm dân tộc thiểu số có tới 100% lao động chưa qua đào tạo, như nhóm B'râu. Mảng, Ba Na, v.v
"Những con số đó cho thấy rằng, mặc dù chính sách đào tạo nghề cho lao động, trong đó có lao động người dân tộc thiểu số đã được thực hiện hàng chục năm qua nhưng chúng ta chỉ đạt được kết quả khiêm tốn như vậy thì liệu sau 6 năm nữa chúng ta có đạt được mục tiêu là 50% hay không?" – đại biểu Bình đặt vấn đề.
Mục tiêu thứ 2 mà đại biểu này băn khoăn đó là đến năm 2025 tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Vị đại biểu này nêu quan điểm, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, bảo hiểm y tế có ý nghĩa hết sức quan trọng, có ý nghĩa và an sinh to lớn, hơn nữa.
"Trong khi tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chung của cả nước đến năm 2019 đã ước đạt 89,3%, vậy thì tại sao lại không nâng cao hơn nữa tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số? Thậm chí chúng ta có thể kỳ vọng đạt 100%?" – đại biểu Bình nói.
"Cần câu tốt, hồ câu tốt" nhưng phải biết cách "câu"
Về giải pháp thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đinh Thị Bình đề nghị, Chính phủ quan tâm một số vấn đề như: việc tích hợp các chính sách dân tộc phải đảm bảo tập trung và lồng ghép được các nguồn lực, không ghép cơ học các chính sách dẫn tới hiệu quả không cao.
Cần rà soát, cân đối nguồn lực để bố trí đủ vốn cho đề án đúng theo quy định, không để xảy ra trường hợp chính sách đã ban hành nhưng không bố trí được nguồn lực thực hiện để chính sách dân tộc lại một lần nữa được ví như "một loại quả đẹp mà không ăn được".
Bên cạnh việc quan tâm đến việc bảo đảm đất ở, tạo sinh kế cho đồng bào, Chính phủ cũng cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Bởi lẽ, suy cho cùng, nếu chúng ta đã tập trung đầu tư để tạo ra được những cái cần câu tốt, tạo ra được cả những hồ câu tốt nhưng người cầm cần lại không đủ khả năng, không biết cách câu thì khó có thể thành công được" – đại biểu Bình cho hay.