• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Một số người dùng mác công chức để “lấy le, để nhàn nhã…”

Thời sự 07/10/2019 08:10

(Tổ Quốc) - Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, "sự lười biếng thì ở đâu cũng có nếu quản lý lỏng lẻo. Nếu quản lý chặt chẽ thì không có người lười biếng và đi cùng với nó là chế độ chính sách. Trên thực tế có rất nhiều cán bộ công chức mẫn cán. Cần khuyến khích năng lực của người ta và trả công tương xứng cho những người có hiệu quả...".

Vừa qua, chuẩn bị cho việc thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ được trình vào Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14 sắp diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi đến đại biểu Quốc hội dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật.

Theo đó, phương án 1 là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật này có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2), trừ viên chức được tuyển dụng mới vào đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Phương án 2 là viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung vào cả hai phương án với quan điểm rất khác nhau. Đáng lưu ý, những người ủng hộ phương án 1 cho rằng như vậy sẽ tạo động lực cho viên chức làm việc, chấm dứt cảnh "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" vốn đã được nêu lên nhiều lần tại nghị trường.

ky3quochoikhoaxiv1zpjf-1541049190946729351048

ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: Nam Nguyễn

Trên thực tế, tình trạng công chức "cắp ô" không phải không có. Những đối tượng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng mô tả là "không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào".

Cụm từ "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" cũng được báo chí nhắc đi nhắc lại để minh chứng cho một thực trạng ì trệ, vô trách nhiệm, lười biếng của một phần không nhỏ công chức Việt Nam.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội từng nêu quan điểm rằng, chúng ta có hơn 2 triệu cán bộ công chức, viên chức, trong đó số lượng 30% công chức, viên chức làm việc không hiệu quả xuất phát từ dự báo của các chuyên gia. Theo ông, con số này có thể hơn, có thể không bằng. Nhưng giả sử chuyện này xảy ra thì rõ ràng 1/3 công chức có năng suất lao động rất thấp, làm cản trở năng suất lao động của xã hội.

 "Rõ ràng, đối tượng này cần cố gắng xử lý như thế nào, còn nếu để dựa vào nhà nước thì làm sao đất nước phát triển được?", ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Sự trì trệ của một bộ phận công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước cũng từng được bàn đến tại một hội thảo về "Cải cách chính sách tiền lương: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam" do Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, ở Việt Nam, tiền lương danh nghĩa thấp nhưng lại quá nhiều phụ cấp nên nhiều công chức không sống bằng tiền lương mà sống bằng phụ cấp, mà phần phụ cấp lại là thu nhập chính. Do đó, nỗ lực cải cách tiền lương trong hàng chục năm qua không thành công chính là sức ỳ trong bộ máy nhà nước. Những người làm việc kém, ngồi chơi xơi nước theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" chắc chắn không muốn cải cách. Mà nếu lực lượng này không được loại bỏ khỏi bộ máy sẽ không thể cải cách chính sách tiền lương được. Khi kết luận hội thảo này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ phải có những cải cách căn cơ và căn bản hơn.

Cụ thể, bản thân chính sách tiền lương phải gắn với cải cách hành chính, sắp xếp đổi mới lại các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự nghiệp công lập. Nếu cải cách tốt sẽ giúp nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính, đồng thời chỉ đạo tổ soạn thảo đề án nghiên cứu hai phương thức trả lương theo chức nghiệp và theo vị trí việc làm.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu quan điểm, việc nâng lương phải tiêu chuẩn hoá, phải chặt chẽ. Theo ông Dương Trung Quốc, ở đây vẫn câu chuyện muôn thuở là "quả trứng và con gà". Chúng ta muốn có một đội ngũ công chức mạnh thì phải có mức lương tốt, đãi ngộ tốt. Khi đó, mục tiêu chính của đội ngũ công chức là "bộ máy phục vụ nhân dân".

Đề cao tính hiệu quả, ông Dương Trung Quốc khẳng định để có một đội ngũ công chức mẫn cán và mang lại hiệu suất công việc cao… là "bài toán" hết sức khoa học chứ không đơn giản là cảm tính. Nếu đặt ra một số yếu tố đặc thù của công chức thì những đặc thù ấy phải thể hiện cả trách nhiệm và quyền lợi, trong đó có cả quyền lực nhưng quyền lực phải được giám sát. Còn trên thực tế, ở đâu cũng có những con người lười biếng, nhưng đây chỉ là số người dùng mác công chức để "lấy le, để nhàn nhã…".

"Sự lười biếng thì ở đâu cũng có nếu quản lý lỏng lẻo. Nếu quản lý chặt chẽ thì không có người lười biếng, và đồng thời đi cùng với nó là chế độ chính sách. Cần khuyến khích năng lực của người ta và trả công tương xứng cho những người có hiệu quả. Đó là cả hệ thống chứ không đơn giản. Trên thực tế tôi vẫn thấy có rất nhiều cán bộ công chức mẫn cán, vấn đề là chúng ta phải nhân đội ngũ này lên bằng cơ chế chứ không phải chỉ cổ vũ miệng", ông Dương Trung Quốc nói.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ